Theo đánh giá của Sở Công thương, thị trường Tết năm nay nguồn cung hàng hóa dồi dào. Nhiều siêu thị, chợ phục vụ kéo dài đến chiều ngày 30 Tết và bắt đầu phục vụ trở lại từ ngày mồng 2 Tết. Những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi, giá cả hầu hết các mặt hàng tương đối ổn định, ít biến động so với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2019.
Qua khảo sát thị trường cho thấy, từ ngày mồng 2 đến mồng 6 Tết, hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng đã mở cửa bán hàng để tiếp tục phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Các mặt hàng khá đa dạng, từ rau củ, hoa quả, bánh kẹo cho đến lương thực, thực phẩm và các sản phẩm phục vụ người dân đi lễ đền, đình, chùa… Trong đó, những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, sức mua tăng mạnh hơn đối với nhóm hàng thủy, hải sản, rau xanh, hoa tươi…
Nguyên nhân là do sau hơn một tuần dài nghỉ Tết, nhiều người đã rất “ngấy” với những bữa ăn nhiều thịt và dầu mỡ. Vì vậy, hầu hết các gia đình có xu hướng nấu các món ăn sử dụng hải sản và dùng nhiều rau xanh.
Theo ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương, để bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai các hoạt động chuẩn bị hàng hóa, các chương trình phục vụ Tết.
Nắm bắt xu hướng mua sắm của người dân thành phố, từ trước Tết Nguyên đán, Sở đã vận động, khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường nên sau Tết, giá bán nhiều mặt hàng vẫn khá ổn định, không có nhiều biến động.
Khu vực bán rau xanh tại chợ Thi Sơn (Kim Bảng). Ảnh: Thế Tuân
Còn tại các chợ truyền thống, hoạt động mua bán sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019 cũng diễn ra khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa quả, rau xanh… Tùy từng loại thực phẩm, giá bán tăng hơn so với thời điểm trong năm từ 10 đến 30%.
Chị Lại Thị Cúc, tiểu thương bán rau, củ, quả tại chợ phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý) cho biết: Đã hơn chục năm nay, năm nào tôi cũng mở hàng vào ngày mồng 2 Tết để cầu mong một năm làm ăn suôn sẻ, thuận lợi. Năm nay, do thời tiết đầu xuân khá nắng nóng nên lượng rau xanh, hoa quả tươi tiêu thụ mạnh hơn so với những năm trước, nhất là một số loại rau như bắp cải, su hào, súp lơ, mồng tơi... Giá những mặt hàng này cao hơn khoảng 15% so với ngày thường. Giá một số loại rau gia vị, rau trái mùa tăng nhẹ.
Riêng thịt lợn, cá, tôm giá bán tăng xấp xỉ 40% so với những ngày trong năm. Mặc dù giá bán tăng khá cao nhưng các sạp hàng vẫn rất “hút” khách. Hiện, thịt lợn thăn dao động từ 120.000-130.000 đồng/kg, thịt bò có giá bán 270.000-280.000 đồng/kg (tăng 30.000-45.000 đồng/kg); cá trắm, cá chép được bán với giá 80.000-140.000 đồng/kg (tùy trọng lượng), tăng 15.000-20.000 đồng/kg…
Bà Nguyễn Thị Nga, một tiểu thương bán cá tại chợ phường Trần Hưng Đạo (thành phố Phủ Lý) chia sẻ: Đầu năm mới này tôi mở hàng sớm và lượng cá tiêu thụ cao hơn 3-4 lần so với cùng thời điểm này mọi năm. Người dân đổ xô đi mua cá ngay từ ngày mồng 2 Tết để về nấu canh chua hay ăn lẩu nhằm cải thiện bữa ăn sau những ngày Tết.
Tuy nhiên, giá cả hàng hóa không tăng so với thời điểm đầu năm mới Mậu Tuất 2018. Bên cạnh đó, đầu năm mới, người dân đi lễ hội, du xuân tăng cao nên các cửa hàng bán hoa, quả tươi cũng rất đông khách. Hiện, giá bán hầu hết các loại quả nhích hơn 5-10% so với những ngày trong năm.
Hoa quả là một trong những mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất trong những ngày đầu năm mới.
Cùng với ngành công thương, Cục Quản lý thị trường cũng đã duy trì tốt việc theo dõi tình hình thị trường từ các địa phương trong suốt thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đặc biệt là quan tâm đến diễn biến cung - cầu, giá cả các loại sản phẩm thiết yếu để thị trường hàng hóa diễn ra ổn định. Cùng với đó, đơn vị tích cực kiểm tra, đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân.
Hân Hân
Nguyễn Oanh, Thế Tuân