Duy Tiên đẩy mạnh phát triển đa dạng loại hình thương mại, dịch vụ

Xác định, thương mại, dịch vụ (TM, DV) là ngành kinh tế có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, huyện Duy Tiên đã triển khai nhiều giải pháp. Đây cũng được xem là động lực để Duy Tiên hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện trở thành thị xã trước năm 2020.

Phát huy lợi thế để phát triển thương mại, dịch vụ

Huyện Duy Tiên nằm trong tam giác phát triển: Hưng Yên - Duy Tiên - thành phố Phủ Lý. So với các huyện khác trên địa bàn tỉnh, Duy Tiên có nhiều lợi thế về giao thông, vị trí địa lý, đồng thời có nhiều khu, cụm công nghiệp đóng trên địa bàn với lượng công nhân lao động lên tới trên 4 vạn người. Phát huy tối đa những thuận lợi này, thời gian qua, huyện Duy Tiên đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để phát triển TM, DV. Điển hình là ở các thị trấn Đồng Văn, Hòa Mạc và các xã: Yên Bắc, Yên Nam, Duy Minh, Hoàng Đông… 

Nhìn vào bức tranh phát triển kinh tế của huyện Duy Tiên những năm qua cho thấy, mạng lưới TM, DV có sự phát triển mạnh cả về quy mô, loại hình, thị trường tiêu thụ. Các hoạt động dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, điện, cấp nước sạch, y tế, ngân hàng... được mở rộng và nâng cao về chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn huyện năm 2019 ước đạt 6.538 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2015-2019 đạt 17,5,%/năm, vượt 2,2%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2015-2019 tăng trưởng bình quân 22,05%, vượt 1,75% (so với chỉ tiêu Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020).

Một góc thị trấn Đồng Văn (Duy Tiên).

Đơn cử như tại xã Yên Bắc, TM, DV được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của xã khi tỷ trọng của ngành chiếm tới trên 58% trong cơ cấu kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong giai đoạn 2015-2020 ước đạt bình quân gần 501,4 tỷ đồng/năm (vượt 71,9% so với chỉ tiêu đại hội nhiệm kỳ 2015-2020). Theo thống kê, toàn xã có gần 1.100 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể. Trong đó, riêng khu vực chợ Lương thu hút trên 200 hộ tham gia kinh doanh, buôn bán thường xuyên. Trên địa bàn xã hiện còn có gần 30 hộ kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, nhà trọ; trên 40 hộ kinh doanh dịch vụ vận tải với trên 120 đầu xe các loại; khoảng 40 hộ kinh doanh dịch vụ nhà hàng, ăn uống…

Trao đổi về tốc độ phát triển ngành TM, DV của địa phương, ông Nguyễn Xuân Tình, Chủ tịch UBND xã Yên Bắc cho biết: Yên Bắc có 9 thôn, trong đó có 6 thôn nằm trên trục Quốc lộ 38 với chiều dài gần 5 km. Ngoài ra, Yên Bắc còn có mặt lợi thế khác là có đường tránh Quốc lộ 38, tiếp giáp với thị trấn Đồng Văn, Hòa Mạc với lượng khá lớn lao động tạm trú trên địa bàn nên lưu thông hàng hóa diễn ra khá thuận lợi. 

Tại các thôn ven Quốc lộ 38 như thôn Bùi, chợ Lương… xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ với đa dạng các mặt hàng từ bình dân đến cao cấp như thời trang, điện tử, đồ gia dụng, cho đến dịch vụ khám chữa bệnh, viễn thông, nhà nghỉ, quán ăn… đáp ứng nhu cầu mua sắm của cư dân ngay tại địa phương thay vì phải lên thị trấn Hòa Mạc, Đồng Văn hay sang thành phố Hưng Yên như những năm trước.

Ưu tiên phát triển dịch vụ phục vụ phát triển đô thị, công nghiệp

Để thực hiện được mục tiêu phát triển TM, DV theo hướng hiện đại, đa dạng, nâng cao chất lượng các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội, thị trấn Đồng Văn xác định, công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Trong đó, thị trấn đặc biệt ưu tiên thu hút các dự án đầu tư phát triển dịch vụ phục vụ cho phát triển đô thị, công nghiệp. 

Hiện nay, ngoài việc thu hút được doanh nghiệp đầu tư xây dựng, phát triển chợ Đồng Văn, thị trấn Đồng Văn còn tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, thuế, mặt bằng… để các đơn vị đến đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại, điển hình là Trung tâm Thương mại Thành Đạt Plaza, Siêu thị Lan Chi… Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giáo, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Văn khẳng định: Những năm qua, TM, DV luôn là ngành chiếm vị trí quan trọng của thị trấn. Thị trấn Đồng Văn có các khu công nghiệp Đồng Văn I, II với lượng công nhân tạm trú trên 2.400 người. Do đó, dịch vụ kinh doanh nhà trọ, ăn uống, tạp hóa, dịch vụ y tế, ngân hàng… phát triển rất mạnh. Năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng trên địa bàn ước đạt gần 1.400 tỷ đồng, chiếm trên 67,6% tổng doanh thu toàn thị trấn. Qua đó, góp phần tăng thu ngân sách trên địa bàn trong năm 2019 lên 12,5 tỷ đồng (bằng 213% kế hoạch năm). Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt trên 55,4 triệu đồng/năm (vượt 65% so với chỉ tiêu Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020).

Trên địa bàn huyện Duy Tiên hiện có 6 siêu thị, trong đó có 1 siêu thị tổng hợp (Lan Chi mart), 5 siêu thị chuyên ngành về mặt hàng điện tử, viễn thông. Tính đến hết tháng 11/2019, huyện có 960 doanh nghiệp, trên 4.000 cơ sở kinh doanh có đăng kí, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực: vật liệu xây dựng, sản xuất và kinh doanh đồ gỗ, dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ, nhà hàng, tạp hóa, nước giải khát, xăng dầu... Toàn huyện có 12 chợ truyền thống, đang tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ dân tham gia kinh doanh, buôn bán các mặt hàng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nhân dân. 

Qua trao đổi với ông Vũ Mạnh Hải, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Duy Tiên được biết: Để thúc đẩy TM, DV phát triển, huyện Duy Tiên rất quan tâm đến công tác quy hoạch, xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thương mại. Từ năm 2017, huyện đã tiến hành rà soát thực trạng, triển khai nâng cấp, xây mới các chợ trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2035. Trên cơ sở đó, Duy Tiên đã thực hiện nâng cấp, xây dựng chợ tại các xã, thị trấn: Hòa Mạc, Mộc Nam, Tiên Nội, Yên Nam... Cùng với đó, làm việc với Sở Công thương về quy hoạch mạng lưới các cửa hàng xăng dầu; thực hiện điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn huyện... Qua đó, từng bước đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng, thúc đẩy lưu thông hàng hoá, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển TM, DV, huyện có chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, mặt bằng… giúp các tổ chức, cá nhân ổn định đầu tư. Đồng thời tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia trưng bày các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu của huyện tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Huyện Duy Tiên đặt mục tiêu: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn huyện đến năm 2025 đạt 15.669 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 15,76%/năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2025 đạt 3.445 triệu USD (tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 15,36%). Để đạt mục tiêu đề ra, Duy Tiên định hướng phát triển mở rộng hệ thống TM, DV; đẩy mạnh tốc độ đầu tư các dự án TM, DV tại khu vực trung tâm đô thị, nhất là các dự án về nhà ở công nhân, sinh viên, y tế, giáo dục, tín dụng, ngân hàng, văn hóa – thể thao – giải trí… Cùng với đó, tập trung thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ trên địa bàn. Khuyến khích các hộ gia đình kinh doanh quy mô lớn thành lập doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho lao động địa phương…

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy