Đại dịch Covid -19 đã có nhiều tác động tiêu cực đối với đời sống kinh tế - xã hội nhưng lại tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng hơn. Trong đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ được xem là xu hướng tất yếu trước bối cảnh mua sắm, tiêu dùng của người dân có nhiều thay đổi sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng phát triển rộng khắp.
Hạ tầng công nghệ tạo động lực cho chuyển đổi số
Một trong những yếu tố then chốt quyết định đến quá trình chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ chính là sự phát triển của hạ tầng CNTT. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phát triển nền tảng dịch vụ mới theo hướng hiện đại, số hoá. Tại Hà Nam, sự đóng góp của hạ tầng công nghệ đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ được thể hiện một cách rõ nét qua việc xây dựng, vận hành Sàn Giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam.
Theo ông Nguyễn Liên Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), để hỗ trợ tối đa cho khách hàng đặt mua sản phẩm, Sàn Giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam thường xuyên đăng tải, cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, xây dựng các tiện ích trực tuyến. Đến nay, sàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho trên 100 doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong tỉnh phát triển gian hàng, giới thiệu trên 1.000 sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp, dệt may… tới người tiêu dùng, từng bước tạo dựng môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Đóng góp vào quá trình chuyển đổi số trong hoạt động thương mại, dịch vụ còn phải kể đến sự phát triển hạ tầng số, dịch vụ viễn thông. Để đạt mục tiêu, đến năm 2025, tỉnh Hà Nam bảo đảm phủ sóng mạng 4G tới 100% địa điểm trong tỉnh; thực hiện thành công chương trình “Mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường internet cáp quang, mỗi hộ gia đình một địa chỉ số”, các doanh nghiệp viễn thông – CNTT trên địa bàn tỉnh đang tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng mạng lưới băng thông rộng; xây dựng nền tảng chuyển đổi số cho doanh nghiệp; triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm và dịch vụ thanh toán không tiền mặt…
Đơn cử như Viettel Hà Nam, trong thời gian qua, doanh nghiệp này đã đầu tư triển khai thương mại hóa công nghệ siêu băng rộng 5G, tạo ra hạ tầng kết nối IoT rộng khắp, tạo thuận lợi cho hoạt động truy cập mạng internet và các giao dịch mua – bán, thanh toán của người dân. Đặt mục tiêu trở thành một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại và thông tin liên lạc dữ liệu có trải nghiệm khách hàng số 1 tại Việt Nam, bùng nổ điện thoại thông minh tới 100% người dân, dịch vụ internet kết nối vạn vật – IoT chiếm 50% số lượng thiết bị kết nối trên địa bàn vào năm 2025, Viettel Hà Nam đang hướng tới cung cấp các dịch vụ số theo chiều rộng, chiều sâu như: Truyền hình, dữ liệu đám mây, phân tích dữ liệu lớn, quảng cáo di động... trên nền tảng công nghệ 4G, 5G.
Ông Kiều Đạt Hùng, Phụ trách tổng hợp Viettel Hà Nam cho biết: Để đóng góp vào quá trình chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong hoạt động thương mại, dịch vụ nói riêng trên địa bàn tỉnh, Viettel Hà Nam xây dựng đề án chuyển đổi số. Từ đó xác định từng nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể trên 3 trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Trong đó, tập trung làm tốt công tác truyền thông cho người dân, doanh nghiệp nắm được các giai đoạn chuyển đổi số tại tỉnh, từ đó giúp người dân dần hình thành thói quen “số hóa” trong các giao dịch.
Xác định rõ, bài toán về ứng dụng công nghệ là giải pháp để ngành thương mại, dịch vụ phát triển, vững vàng hơn trước bối cảnh dịch bệnh và thói quen tiêu dùng của người dân có nhiều thay đổi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, thời gian qua, ngành ngân hàng trong tỉnh đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng số; thanh toán không dùng tiền mặt; tập trung triển khai có hiệu quả cải cách hành chính; đáp ứng đủ lượng và cơ cấu các loại tiền cho lưu thông và các cây ATM; nâng cao chất lượng thanh toán bằng thẻ qua máy POS... Từ đó, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
Chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành bán lẻ
Trong 2 năm trở lại đây, lĩnh vực thương mại, dịch vụ ghi nhận quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong ngành bán lẻ. Đó là sự chuyển đổi cách thức vận hành, bán hàng từ phương thức truyền thống sang môi trường công nghệ số. Trong đó, từ khâu quản lý, bán hàng, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận khách hàng đều ứng dụng công nghệ. Nhờ đó, đối tượng khách hàng không bị hạn chế, thị trường tiêu thụ hàng hoá được mở rộng. Chẳng hạn như hệ thống cửa hàng Vinmart+, là đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số, với việc xây dựng, duy trì ứng dụng VinID trên thiết bị điện thoại thông minh, hệ thống cửa hàng đã cập nhật thường xuyên sản phẩm, giá cả, chương trình khuyến mại, giảm giá, từ đó hình thành thói quen mua sắm hàng hóa cho người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Ngọc Hiền, Phường Hai Bà Trưng (TP Phủ Lý) cho biết: Công việc của tôi rất bận, lại có 3 con nhỏ nên không có nhiều thời gian đi chọn đồ, mua sắm hàng hoá. Kể từ khi cài đặt ứng dụng VinID trên điện thoại, tôi chủ động theo dõi những mặt hàng mình thường hay sử dụng và đến mua ngay khi cửa hàng có chương trình giảm giá. Đặc biệt, trong những thời điểm dịch Covid -19 bùng phát, tôi còn đặt mua hàng online tại cửa hàng Vinmart+ gần nhà và được nhân viên cửa hàng chuyển tới tận nơi rất nhanh và thuận tiện. Ứng dụng VinID còn giúp tôi tích điểm để trừ vào tổng tiền mua sắm sản phẩm trong lần mua sắm tiếp theo.
Được biết, tất cả các cửa hàng của Vinmart + trên địa bàn tỉnh hiện đều kinh doanh các mặt hàng thiết yếu với đa dạng sản phẩm từ nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, đồ khô và ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhân viên, hàng hóa, chăm sóc khách hàng và bán hàng. Chị Trần Ánh Tuyết, Cửa hàng trưởng cửa hàng Vinmart+, Đường Lê Công Thanh (TP Phủ Lý) cho biết: Ngay từ khi mới đi vào hoạt động Vinmart+ triển khai thực hiện chuyển đổi số một cách sâu rộng, nhất là tại những thời điểm dịch Covid -10 bùng phát. Nhờ đẩy mạnh bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số, Vinmart+ đã mở rộng được đối tượng khách hàng. Doanh thu của cửa hàng luôn ổn định, nguồn hàng hoá cung cấp bổ sung thường xuyên, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Hiện nay, không chỉ các siêu thị, trung tâm thương mại lớn mà các cửa hàng tiện ích, cơ sở bán lẻ truyền thống trên địa bàn tỉnh cũng từng bước ứng dụng thương mại điện tử và nền tảng số để đa dạng hoá hoạt động bán hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm. Chị Vũ Thị Liến, Chủ cửa hàng mỹ phẩm Kiên Liến, đường Quy Lưu, TP Phủ Lý cho biết: Nếu như trước đây, khách hàng của tôi chủ yếu đến trực tiếp cửa hàng để chọn lựa và mua sắm thì những năm gần đây, lượng khách hàng đặt mua trực tuyến và thanh toán bằng hình thức chuyển khoản tăng lên nhanh chóng. Để mang đến dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, tôi còn lưu thông tin, số điện thoại khách hàng và tạo các nhóm zalo phù hợp với từng nhóm khách hàng để làm tốt hơn chính sách hậu mãi cũng như tư vấn, giới thiệu sản phẩm. Nhờ đó, cửa hàng duy trì được số lượng lớn khách hàng truyền thống cũng như ngày càng mở rộng được khách hàng mới. Để đáp ứng mong muốn thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng, 2 năm trở lại đây, tôi đã lắp đặt máy POS và các ứng dụng quét mã QR Code, VN Pay.
Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 30% doanh nghiệp bán lẻ có website riêng, cập nhật thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, khoảng 70% khách hàng có sử dụng điện thoại thông minh đã tham gia hoạt động mua sắm thông qua nền tảng số. Để gia tăng lợi nhuận, đáp ứng nhu cầu mua sắm trong thời đại công nghiệp 4.0, các nhà bán lẻ cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho cả người bán và người mua, góp phần thúc đẩy ngành thương mại, dịch vụ phát triển, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid -19.
Nguyễn Oanh