Quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn tem hợp quy (CR) trên một số sản phẩm hàng hoá trước khi lưu thông trên thị trường có hiệu lực từ ngày 15/9/2010. Thế nhưng đến nay, quy định này vẫn đang bị thả nổi.
Thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em và thiết bị điện, điện tử, tất cả đồ chơi trẻ em cùng các loại thiết bị điện (dụng cụ đun nước nóng tức thời, dụng cụ đun và chứa nước nóng, máy sấy tóc và các dụng cụ làm tóc, ấm đun nước, nồi cơm điện, quạt điện…) được sản xuất, nhập khẩu khi lưu thông trên thị trường phải có hồ sơ chứng nhận, công bố hợp quy và được gắn tem CR.
Qua khảo sát thị trường cho thấy, hiện vẫn còn không ít sản phẩm thuộc diện phải dán tem CR vẫn đang được kinh doanh, bày bán công khai mà không thực hiện quy định về chứng nhận hợp quy và dán tem CR. Thậm chí, ngay cả các trung tâm thương mại, siêu thị điện máy, số sản phẩm có tem CR cũng không nhiều.
Tìm hiểu tại các cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em trên đường Trường Chinh, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Lợi… (thành phố Phủ Lý), nhận thấy, đồ chơi trẻ em đa phần là hàng nhập từ Trung Quốc với giá dao động từ 30.000 đến trên 200.000đồng/sản phẩm. Các loại đồ chơi như xe điện, ô tô điều khiển, rô bốt, máy bay, siêu nhân... đều không có nhãn mác, không dán tem CR.
Ông Nguyễn Hữu Bình, một tiểu thương kinh doanh hàng đồ chơi trẻ em lâu năm trên đường Trường Chinh (thành phố Phủ Lý) cho biết: Qua các đợt kiểm tra, phổ biến quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh đồ chơi trẻ em của các lực lượng chức năng tỉnh, tôi cũng đã nắm bắt được quy định về việc phải có chứng nhận, hồ sơ công bố hợp quy và dán tem CR cho sản phẩm. Theo đó, khi nhập hàng về bán, chúng tôi đã hỏi nhà phân phối và họ chỉ đưa cho tem CR chứ cũng không có giấy chứng nhận hay hồ sơ công bố hợp quy.
Trên thực tế, không chỉ người kinh doanh mà hầu hết người tiêu dùng cũng đang bỏ qua quy định này. Thông thường, khi đi mua đồ chơi cho con, khách hàng thường chỉ chú ý đến mẫu mã, giá cả chứ ít quan tâm đến chất lượng, quy chuẩn, xuất xứ của sản phẩm.
Về vấn đề này, ông Đinh Văn Dương, Quyền Cục trưởng Cục quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết: Trong những năm gần đây, số đơn vị đăng ký chứng nhận hợp quy có tăng lên. Tuy nhiên, sản phẩm đồ chơi trẻ em có chứng nhận hợp quy vẫn chưa nhiều. Việc kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm về thực hiện công bố sản phẩm hợp quy và dán tem CR còn nhiều khó khăn.
Để đối phó với các cơ quan chức năng, nhiều cửa hàng trưng bày sản phẩm có dán tem CR ở bên ngoài, còn nhiều sản phẩm không dán tem thì được bày bên trong nhà. Trong khi đó, quy định về mức phạt hành chính đối với sản phẩm đồ chơi trẻ em không có tem CR lại phụ thuộc vào quy mô, số lượng hàng lớn mới tiến hành xử lý. Do đó, qua mỗi đợt kiểm tra, lực lượng chức năng mới chỉ chủ yếu nhắc nhở, tịch thu sản phẩm. Riêng trong dịp Tết Trung thu 2019, lực lượng QLTT đã tịch thu trên 2.000 sản phẩm đồ chơi không hợp quy chuẩn.
Tương tự, tình trạng kinh doanh đồ điện gia dụng, điện tử không dán tem CR cũng vẫn diễn ra khá phổ biến từ thành thị đến các thị trường nông thôn. Chị Trần Thu Hiền, chủ cửa hàng kinh doanh các mặt hàng điện, điện tử (xã La Sơn, Bình Lục) cho hay: Sản phẩm có dán tem CR hay không phụ thuộc vào đơn vị sản xuất, lắp ráp có quan tâm đến việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu CR cho sản phẩm hay không. Chúng tôi nhập hàng theo nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng và ít quan tâm đến vấn đề đó. Đơn vị sản xuất, phân phối nào đưa giấy chứng nhận, tem CR thì cửa hàng có, còn không thì tôi cũng không rõ là quy định bắt buộc phải có nên cũng không yêu cầu nhà phân phối.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, tình hình thực hiện gắn dấu CR trên sản phẩm điện, điện tử trước khi lưu thông, kinh doanh tại các cửa hàng đã có nhiều chuyển biến so với trước đây. Tuy nhiên, trong các đợt kiểm tra, lực lượng QLTT vẫn phát hiện nhiều cửa hàng kinh doanh sản phẩm điện gia dụng bày bán nồi cơm điện có dấu hiệu giả mạo một số nhãn hiệu: Sanyo, Sunhouse, Panasonic, Sharp… Các loại nồi cơm điện bị phát hiện giả mạo chủ yếu ở dung tích 1,2 và 1,8 lít, không có hồ sơ công bố hợp quy, không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Và điều đáng nói là lực lượng kiểm tra còn phát hiện các sản phẩm giả mạo được dán cả tem CR. Lý giải về điều này, ông Đinh Văn Dương, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết thêm: Hiện không có căn cứ gì để kiểm định tem CR là thật hay giả. Việc in giả tem CR cũng rất dễ dàng. Vì vậy, nhiều cửa hàng dán tem CR giả để đối phó với cơ quan chức năng và người tiêu dùng.
Được biết, trong 9 tháng năm 2019, lực lượng QLTT tỉnh đã tiến hành kiểm tra, xử lý trên 2.000 vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh. Trong số đó, số vụ vi phạm về công bố hợp quy và dán tem hợp quy chỉ chiếm xấp xỉ 5%.
Tuy nhiên, theo Cục QLTT tỉnh, số điểm kinh doanh mà các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vẫn còn ít so với vi phạm thực tế trên thị trường. Tem CR không những thể hiện được chất lượng hàng hóa mà còn góp phần chống hàng nhái, hàng giả. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh xác định, sẽ làm tốt hơn công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về công bố hợp quy và dán tem CR cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần nắm bắt rõ quy định này để bảo vệ quyền lợi của mình. Chính thói quen “khắt khe” trong mua sắm của người tiêu dùng sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường.
Nguyễn Oanh
Nguyễn Oanh