Các doanh nghiệp tích cực tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Kết quả triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là CVĐ) trên địa bàn tỉnh thời gian qua có đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Để khuyến khích doanh nghiệp hưởng ứng CVĐ, tỉnh Hà Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm, hàng hóa Việt chất lượng, giá cả phải chăng đến với người tiêu dùng, nhất là người dân vùng nông thôn.

Các doanh nghiệp tích cực tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Khách hàng tìm mua sản phẩm có xuất xứ Việt Nam trong quầy bán quần áo tại chợ Hoà Mạc, thị xã Duy Tiên.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất và tiêu dùng về lợi ích của việc sử dụng hàng Việt. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 80% người tiêu dùng thường xuyên lựa chọn sản phẩm có xuất xứ trong nước khi đi mua sắm; 85% sản phẩm hàng hóa được bày bán trong các cửa hàng bán lẻ; trên 90% sản phẩm hàng hóa phục vụ học tập của học sinh do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Tham gia CVĐ, các doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp phân phối, cửa hàng tiện ích cũng đã ưu tiên nhập hàng hóa được sản xuất trong nước về bán.

Bà Đỗ Lan Hương, chủ cửa hàng tiện ích Hưng Hương (TP Phủ Lý) cho biết: Khách hàng đang có xu hướng lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm mang thương hiệu Việt bởi chất lượng và giá thành phù hợp. Vì thế, khoảng 5 năm trở lại đây, chúng tôi đã có nhiều thay đổi trong việc cơ cấu lại hàng hóa. Hiện nay, hàng Việt đang chiếm trên 80% tổng sản phẩm, hàng hóa được bày bán tại cửa hàng, nhất là với những mặt hàng được sử dụng thường xuyên như bánh kẹo, nước giải khát, giấy vệ sinh, nước giặt…

Qua trao đổi với đồng chí Trần Thị Ngân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Hà Nam được biết, thời gian qua, các sở, ngành của tỉnh đã thực hiện tốt công tác tham mưu ban hành các văn bản để thực hiện các văn bản của Trung ương với nội dung trọng tâm là thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, tạo cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp vào đầu tư tại tỉnh; tăng cường phối hợp, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh ứng dụng máy móc hiện đại để đa dạng hóa mặt hàng, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong nước có chất lượng; hướng dẫn doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam để giới thiệu, bày bán sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn.

Các doanh nghiệp tích cực tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Khách hàng mua hàng tại của hàng tạp hoá Trung Hải, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý.

Đơn cử như Sở Công thương, từ khi triển khai thực hiện CVĐ đến nay đã tổ chức gần 100 hội chợ trong tỉnh và khoảng 30 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi tại các huyện, thu hút hàng nghìn lượt doanh nghiệp tham gia. Hằng năm, sở đều hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tham gia hội chợ triển lãm ở các tỉnh, thành phố trên cả nước; hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng hóa về các trung tâm thương mại, chợ và điểm bán hàng hóa tại các địa phương trong tỉnh. Hoạt động này đã giúp các doanh nghiệp thấy được tiềm năng của thị trường nông thôn ở Hà Nam, từ đó thiết lập hệ thống bán hàng phù hợp tại các địa bàn.

Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Công thương đã đăng ký 2 đề án phát triển thương mại điện tử quốc gia trên địa bàn tỉnh, gồm: Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử tỉnh Hà Nam; đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các bộ giải pháp hoàn tất đơn hàng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Đặc biệt, trong những năm qua, sở còn hỗ trợ Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ Lan Chi Hà Nam xây dựng, duy trì hiệu quả mô hình “Điểm bán hàng Việt” với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam’’ tại Siêu thị Lan Chi (Lý Nhân) với hàng nghìn mặt hàng Việt, trong đó có nhiều thương hiệu Việt uy tín và các sản phẩm được sản xuất tại Hà Nam, góp phần quan trọng làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân cũng như nhận thức của doanh nghiệp đối với thị trường nội địa. Ông Lê Văn Phòng, Giám đốc Siêu thị Lan Chi Lý Nhân cho biết: Được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, những năm qua, Lan Chi Lý Nhân luôn dành một gian hàng lớn để trưng bày, giới thiệu hàng Việt chất lượng đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Lan Chi cũng tích cực phối hợp với Sở Công thương tham gia các đợt đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi với giá ưu đãi. Tại các quầy hàng, gian hàng tham gia hội chợ hay ở điểm bán hàng Việt trong siêu thị, chúng tôi đã nhận được sự phản ánh của khách hàng về những mặt được, mặt còn hạn chế về mẫu mã, giá cả, chất lượng các mặt hàng. Điều này cho thấy người tiêu dùng đang rất quan tâm đến hàng hóa Việt.

Với sự quan tâm, hỗ trợ của ngành chức năng và địa phương, bên cạnh Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ Lan Chi Hà Nam, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện khá nhiều doanh nghiệp điển hình trong việc tham gia hưởng ứng CVĐ bằng các hình thức như: tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm; cung ứng đưa hàng Việt về bán tại các thôn, xóm; giảm giá bán cho hộ nghèo, gia đình chính sách; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mình để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường; các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thực hiện tốt chính sách khuyến mại, hậu mãi để thu hút khách hàng…

Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các doanh nghiệp trong tỉnh đã thấy được trách nhiệm của mình và tích cực tham gia CVĐ. Đáng ghi nhận là nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai, bảo đảm phục vụ thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán. Trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung liên quan đến công tác quản lý, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng kênh phân phối.

Có thể thấy, sau hơn 10 năm thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhận thức của doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về CVĐ đã có sự thay đổi đáng kể. Tâm lý tiêu dùng hàng “nội” đã trở thành thói quen của đại bộ phận người dân từ thành thị đến nông thôn. Theo đó, sức tiêu thụ hàng Việt ở các chợ nông thôn, trung tâm thương mại, siêu thị liên tục tăng trưởng. Kết quả đó  đã và đang tạo hiệu ứng lan tỏa, “tiếp sức” cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước đầu tư thiết bị hiện đại, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đa dạng về mẫu mã để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và bắt kịp xu thế mới của thị trường.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy