Thủ tướng: Cần cơ chế đột phá tăng liên kết vùng đồng bằng sông Hồng

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị các địa phương, bộ ngành đưa ra cơ chế ưu đãi để tăng liên kết, tự lực, tự cường của vùng đồng bằng sông Hồng.

Yêu cầu này được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng, nêu tại hội nghị sáng 20/7. Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành, rộng 21.200 km2, dân số 23 triệu, thu nhập bình quân đầu người cao hơn 1,3 lần bình quân cả nước. Vùng được chia làm hai tiểu vùng là bắc đồng bằng sông Hồng (cũng là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ) và nam đồng bằng sông Hồng.

Vùng đóng góp gần 33% tổng thu ngân sách cả nước, nhưng khu vực này cũng đang đối mặt nhiều thách thức, như các địa phương phát triển không đồng đều, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn, lao động; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững. Các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành. Hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu bền vững. Mặt khác, sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, nhất là về lao động, thị trường tiêu thụ, kết nối giao thông.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, liên kết, kết nối vùng góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng), nên cần cơ chế đột phá, ưu tiên, ưu đãi vượt trội cho vùng để "làm là có hiệu quả, kết quả".

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, tuyến đường ven biển Thanh Hóa - Quảng Ninh; kết nối hạ tầng kỹ thuật về điện, nước, viễn thông.

"Cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước, phát huy vai trò vốn của các địa phương trong đầu tư và đẩy mạnh hợp tác công tư theo Luật PPP, thu hút FDI, sử dụng vốn ODA. Tinh thần là không phân mảnh, phát huy sức mạnh tổng hợp", Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị Hội đồng điều phối vùng hỗ trợ, xử lý các vấn đề còn vướng mắc để các địa phương tăng hiệu quả liên kết. "Hội đồng không làm thay việc của cấp ủy, chính quyền địa phương. Các tỉnh, thành phố cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại", ông nói.

Thủ tướng Cần cơ chế đột phá tăng liên kết vùng đồng bằng sông Hồng
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị điều phối vùng đồng bằng sông Hồng, ngày 20/7. Ảnh: Hoàng Phong

Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan này dự kiến phát triển vùng đồng bằng sông Hồng với 3 nhóm định hướng lớn, trong đó tổ chức lại không gian phát triển gắn với 4 hành lang kinh tế, 4 vùng động lực, đô thị và cực tăng trưởng, 2 tiểu vùng kinh tế.

Đồng bằng sông Hồng sẽ phát triển 8 ngành, lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp hiện đại, có lợi thế cạnh tranh, các ngành dịch vụ hàm lượng công nghệ cao, tài chính - ngân hàng, logistics, giáo dục, y tế gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hạ tầng là một trong điểm nghẽn của đồng bằng sông Hồng, vì thế Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết, vùng sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối, như các tuyến đường bộ cao tốc liên vùng, nội vùng, tuyến đường vành đai 4, vành đai 5 vùng Thủ Đô, đường sắt tốc độ cao, hạ tầng cảng biển.

Bộ trưởng Nguyễn Trí Dũng đề xuất cho phép phát hành trái phiếu quốc tế hoặc vay ODA để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội, hoặc cho phép áp dụng các mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) cho các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao liên vùng, các trục giao thông chính.

Đại diện các bộ ngành và đại biểu cũng đồng tình và đề xuất cơ chế để tránh phân mảnh, tăng liên kết vùng đồng bằng sông Hồng. Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đề nghị, cần cho phép "cơ chế mở" để các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng được dùng ngân sách đầu tư, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ, cũng như ưu tiên đầu tư các tuyến đường huyết mạch có tính chất kết nối vùng, liên vùng, như cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10, Quốc lộ 4B, tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đề xuất sớm nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và ga liên vận quốc tế tại Cẩm Giàng, Hải Dương để đưa hàng hóa tiếp cận sâu vào lục địa Trung Quốc thông qua tỉnh Vân Nam, gắn với các cảng biển như cảng Đình Vũ.

Ông cũng đề nghị các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ có tính chất đặc thù của từng vùng phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp phát triển.

Trong khi đó, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng việc có Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng giúp ông giải tỏa nhiều băn khoăn từ khi thông qua Luật Quy hoạch, trong đó quy hoạch vùng được xác định là một cấp quan trọng nhưng không biết ai là người có vai trò và trách nhiệm quản lý, điều hành.

"Hoạt động của Hội đồng cũng sẽ giúp khắc phục những vấn đề bất cập do không phối hợp được với nhau giữa các tỉnh trong vùng, dẫn đến những chồng chéo, nguồn lực phát triển đã hạn hẹp lại bị xé lẻ", ông Cường nói.

Để Hội đồng vùng phát huy vai trò điều phối, GS Hoàng Văn Cường lưu ý, Hội đồng phải nắm được khâu quy hoạch, nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng.

Trước những kiến nghị từ các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đổi mới, đặc thù, vượt trội cho vùng đồng bằng sông Hồng. Bộ này cũng cần sớm hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ông cũng yêu cầu đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng.

Các bộ, ngành nghiên cứu thành lập quỹ phát triển hạ tầng vùng, trước tiên chuẩn bị thủ tục triển khai dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Thủ tướng gợi mở các cơ quan nghiên cứu phát hành trái phiếu trong nước hoặc vay vốn ODA với cơ chế đột phá để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, đường sắt kết nối Hà Nội với Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hòa Lạc.

Bộ Công Thương cùng các địa phương tăng liên kết trong phát triển các khu công nghiệp, khu thương mại, bảo đảm không lãng phí nguồn lực.

Bộ Khoa học & Công nghệ hoàn thành việc chuyển giao quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội trong tháng 8, phát huy vai trò của Khu công nghệ cao Hòa Lạc với cả vùng. Bộ Nội vụ tham mưu, phối hợp để các địa phương đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Theo VnE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy