Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này, có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh. Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp đó là sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm, chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn, thiếu vốn quay vòng. Trước tình trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Theo ước tính đến thời điểm này toàn tỉnh có hơn 6.000 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đợt dịch thứ 4 kéo dài đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đã có nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu gọn sản xuất, kinh doanh. Khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp gặp phải, đó là: nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm mạnh, dòng tiền luân chuyển chậm; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển hàng hóa ngày một tăng dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào; chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ; lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông hàng hóa trong nước, do các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thiếu nguồn lao động có tay nghề và thiếu chuyên gia nước ngoài vào làm việc.
Ông Trần Doãn Hinh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Hòa (Lý Nhân) cho biết: Ảnh hưởng của dịch Covid – 19, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi mà sản phẩm sợi kéo ra phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Thời gian dịch bệnh, các nước trên thế giới kiểm soát chặt chẽ giao thương, ảnh hưởng đến việc nhập khẩu bông, dẫn tới giá nguyên liệu tăng cao, trong khi đó sản phẩm làm ra tiêu thụ trong nước lại gặp rất nhiều khó khăn, do các tỉnh, thành phố lớn thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu sử dụng của người dân hạn chế.
Cũng như Công ty TNHH Hiệp Hòa, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp trong tỉnh gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Trước tình trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc, nhanh chóng hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Tại tỉnh ta, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã giảm 1% lãi suất cho khách hàng.
Ông Trần Duy Vinh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương (VietinBank) Hà Nam cho biết: Dư nợ của chi nhánh đến thời điểm này đạt hơn 14 nghìn tỷ đồng, trong đó phần lớn nguồn vốn giải ngân cho doanh nghiệp vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, chi nhánh thường xuyên nắm bắt thông tin, bám sát quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ... cho nhiều khách hàng. Trong thời gian tới, đơn vị chỉ đạo các bộ phận trực thuộc tăng cường bám sát quá trình hoạt động của khách hàng, nắm bắt kịp thời những khó khăn vướng mắc, xây dựng phương án cơ cấu lại thời gian trả nợ và có kế hoạch miễn giảm lãi suất cho khách hàng.
Ngoài các ngân hàng thương mại, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng: rà soát, điều chỉnh, nắm bắt kịp thời kiến nghị của các doanh nghiệp; củng cố nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ các khu công nghiệp; thực hiện tốt 10 cam kết của UBND tỉnh với nhà đầu tư. Trong thu hút đầu tư, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng bố trí quỹ đất để các nhà đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất theo nhóm, nhằm giảm chi phí vận chuyển hàng hóa và nâng cao hiệu quả trong sản xuất công nghiệp; khảo sát nhu cầu nhập linh kiện, thiết bị của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn FDI để có giải pháp kết nối giữa các doanh nghiệp trong việc sản xuất sản phẩm cung cấp cho nhau; kêu gọi các nhà đầu tư nhập khẩu dây chuyền, máy móc có công nghệ tiên tiến để sản xuất sản phẩm hỗ trợ phổ biến cho các doanh nghiệp; vận động các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI dùng sản phẩm phụ trợ của doanh nghiệp nội nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển và tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp trong nước.
Đối với các ngành, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ công, chi nhánh các ngân hàng thương mại, tập trung: Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; kịp thời giải ngân nguồn vốn hỗ trợ khách hàng là các doanh nghiệp. Chi cục Hải quan Hà Nam tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp đăng ký sản xuất năm 2021 nhập khẩu thiết bị máy móc, nhập nguyên vật liệu đầu vào.
Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 12,6%/năm. Đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ trọng 30%; công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng 20%; công nghiệp chế tạo, lắp ráp chiếm tỷ trọng 23,5% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Để đạt được kết quả trên, trong giai đoạn 2021 – 2025, ngành công thương tham mưu với UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn; rà soát bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước; tập trung thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư vào sản xuất các nhóm ngành có giá trị gia tăng cao… phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tin rằng trong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ từng bước phục hồi sản xuất, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Trần Thoan