Tăng cường liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam

Tham luận của đồng chí Đinh Thị Lụa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội! 
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!
Kính thưa Đại hội!

Được sự nhất trí của Đoàn Chủ tịch Đại hội, thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, tôi xin được tham luận với nội dung “Tăng cường liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam”.

Tăng cường liên kết vùng tạo động lực phát triển kinh tế  xã hội tỉnh Hà Nam
Đồng chí Đinh Thị Lụa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham luận tại Đại hội. Ảnh: Thế Trang

Liên kết vùng là phát triển mối quan hệ giữa không gian kinh tế với không gian tự nhiên, sinh thái, xã hội và không gian chính sách, thể chế để tạo ra lợi thế cạnh tranh cao hơn cho vùng, quốc gia, là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nhận thức rõ tầm quan trọng của liên kết vùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đồng thời ưu tiên phát triển các vùng kinh tế động lực, tạo sức lôi cuốn, lan tỏa phát triển đến các địa phương trong vùng và đến các vùng khác... Thực hiện quy hoạch vùng, chính sách vùng; sớm xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối, liên kết vùng theo hướng xác định rõ vai trò đầu tàu và phân công cụ thể trách nhiệm cho từng địa phương trong vùng. Khắc phục tình trạng nền kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính, hoặc đầu tư dàn trải, trùng lặp. Xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá”.

Kính thưa Đại hội!

Hà Nam là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, diện tích tự nhiên 860km2, dân số hơn 86 vạn người. Được xác định là một tỉnh thuộc vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng, vì vậy trong xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hà Nam luôn tuân thủ chặt chẽ định hướng phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong các quy hoạch vùng, đó là:
Phát huy lợi thế cửa ngõ Thủ đô và hệ thống giao thông hướng biển, phát triển các dịch vụ công nghiệp - đô thị kết nối trung tâm vùng Thủ đô Hà Nội với cửa ngõ kinh tế biển; phát triển các khu công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, logistics, trung tâm thương mại.

Tập trung phát triển đô thị tỉnh lỵ và các đô thị chuyên ngành, có vai trò tạo động lực trong vùng trên cơ sở tăng cường sự liên kết và khai thác hiệu quả đường vành đai 4, vành đai 5; các trục, hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Hà Nam; Hà Nội - Thái Nguyên; Hưng Yên - Đồng Văn - Phủ Lý. Phát triển thành phố Phủ Lý là trung tâm cấp vùng về y tế, giáo dục đào tạo. Tập trung cải tạo, nâng cấp, kết hợp xây dựng mới mạng lưới giao thông hiện đại, đồng bộ; phát triển đa dạng các loại hình vận tải, kết nối liên thông giữa các phương thức vận tải với các cảng biển, sân bay, cửa khẩu.
Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến sản phẩm.

Phát triển khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử. Thiết lập các tuyến du lịch cấp vùng, trên cơ sở kết nối các di sản tự nhiên và văn hóa.

Kính thưa Đại hội!

Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, thời cơ song cũng có không ít khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định và phát triển. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Xuất, nhập khẩu đạt khá, thu ngân sách tăng cao; thu hút đầu tư đạt kết quả tốt. Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Để có được kết quả đó, bên cạnh việc nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tỉnh đã xác định liên kết nội vùng, liên vùng là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vì vậy đã triển khai các giải pháp đồng bộ và đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, cụ thể:

Thứ nhất, về phát triển nông nghiệp - nông thôn:
Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 ngày 08/4/2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2016-2025, định hướng đến 2035; trên cơ sở đó đã phê duyệt 16 chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tỉnh đã chủ động thực hiện hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước, các quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản đất trồng lúa; xây dựng mô hình sản xuất lúa, rau, củ, quả, hoa, cây dược liệu, tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch. Phê duyệt 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích trên 650 ha, đến nay một số doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế đã đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, về phát triển công nghiệp:

Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 08/4/2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, tập trung thu hút doanh nghiệp có năng lực tài chính, công nghệ tiên tiến đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo. Giai đoạn 2016-2020, thu hút đầu tư luôn nằm trong tốp các địa phương dẫn đầu cả nước; lũy kế đến ngày 10/9/2020, trên địa bàn tỉnh có 1.011 dự án đầu tư còn hiệu lực với vốn đăng ký trên 4,2 tỷ USD và 134 nghìn tỷ đồng.

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, xây dựng đồng bộ hạ tầng, thuận tiện trong kết nối giao thông. Đến nay, đã có 07/08 khu công nghiệp theo quy hoạch được triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 75%.

Thứ ba, về phát triển thương mại, dịch vụ:

Chỉ đạo tổ chức triển khai Nghị quyết số 07 ngày 30/6/2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, đào tạo nguồn nhân lực và du lịch. Tập trung huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ, đặc biệt là Khu trung tâm y tế chất lượng cao, Khu Đại học Nam Cao, Khu du lịch Tam Chúc.

Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, gắn kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng để phát triển, kết nối các tuyến du lịch, đặc biệt là hình thức du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Thiết lập tuyến du lịch cấp vùng trên cơ sở kết nối chùa Hương (Hà Nội) - chùa Tam Chúc (Hà Nam) - chùa Bái Đính (Ninh Bình).

Thứ tư, về công tác bảo vệ môi trường: 

Tập trung chỉ đạo, điều hành giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường như: xử lý chất thải chăn nuôi, chất thải y tế, rác thải đô thị và nông thôn, ô nhiễm môi trường khu vực Tây Đáy. Phối hợp chặt chẽ với Hà Nội tiếp tục thực hiện dự án kiểm soát ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy.
Thứ năm, về phát triển đô thị, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông liên vùng:

Tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án, trọng tâm là các dự án trọng điểm. Đề xuất, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai nhiều dự án giao thông có tính chất liên kết vùng như Dự án đường nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 38 đoạn Nhật Tựu - Chợ Dầu, cầu Thái Hà, cầu Hưng Hà, tuyến đường Ba Sao - Bái Đính... tạo sự liên hoàn, kết nối đồng bộ từ hệ thống đường thôn, xóm, xã đến huyện, tỉnh với hệ thống quốc lộ, kết nối Hà Nam với các tỉnh trong vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Ban hành và triển khai hiệu quả chương trình phát triển đô thị, chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh. Thành lập thị xã Duy Tiên; thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm; hình thành 09 đô thị mới đạt tiêu chí đô thị loại 5, thành phố Phủ Lý được công nhận là đô thị loại 2.

Kính thưa Đại hội!

Liên kết vùng không chỉ bù đắp những khoảng trống, thiếu hụt nguồn lực giữa các địa phương, mà còn gia tăng tính lợi ích nhờ hiệu quả kinh tế theo quy mô. Tuy nhiên, hiện nay liên kết nội vùng, liên vùng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng vốn có; nhiều địa phương vẫn duy trì cơ cấu sản xuất toàn diện và khép kín, triển khai xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, khu đô thị, khu đại học, khu công nghiệp và đầu tư sản xuất một số sản phẩm giống nhau trong một số lĩnh vực, do đó gây nên tình trạng dư cung, làm lãng phí nguồn lực; xử lý ô nhiễm môi trường liên vùng chưa hiệu quả do thiếu cơ chế ra quyết định và điều phối liên kết giữa các địa phương...

Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định 3 khâu đột phá trong đó nêu rõ “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy lợi thế liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ”. Với triết lý “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, trong thời gian tới Hà Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường liên kết vùng, coi đây là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao và bền vững. Trong đó tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:

Một là, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 bằng Chương trình hành động, các nghị quyết chuyên đề, các chương trình, đề án để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả.

Hai là, củng cố, tăng cường mạng lưới kết cấu hạ tầng kỹ thuật, trọng tâm là hạ tầng giao thông kết nối Hà Nam với các tỉnh trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng; khai thác hiệu quả năng lực cụm cảng Yên Lệnh, cảng ICD. Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Ba là, thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và xử lý các vấn đề phát sinh giữa tỉnh Hà Nam với các địa phương trong vùng, đặc biệt là thành phố Hà Nội: (1) Phát triển các ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, bảo đảm môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng liên kết, tham gia sâu vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất công nghiệp nội vùng và liên vùng. (2) Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, phối hợp, tạo điều kiện để các bệnh viện Trung ương, các cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao, các trường đại học, trường đào tạo nghề có thương hiệu triển khai đầu tư, đi vào hoạt động; đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển Khu du lịch Tam Chúc, tập trung khai thác tuyến du lịch tâm linh chùa Hương - chùa Tam Chúc - chùa Bái Đính, từng bước đưa Hà Nam trở thành trung tâm cấp vùng về y tế, đào tạo nguồn nhân lực và du lịch. (3) Tập trung phát triển đô thị tạo động lực cho vùng, trong đó, phấn đấu xây dựng huyện Kim Bảng là đô thị loại IV và thành lập thị xã Kim Bảng trước năm 2025; thành phố Phủ Lý là đô thị loại I trước năm 2030. (4) Xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp chế biến (rau, củ, quả, thịt, sữa...). (5) Phối hợp chặt chẽ với Hà Nội trong xây dựng và triển khai các phương án kiểm soát ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - Đáy...

Để giúp tỉnh triển khai có hiệu quả các giải pháp trên, chúng tôi trân trọng đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh Hà Nam: (1) Bố trí nguồn lực để sớm hoàn thành một số tuyến đường giao thông liên kết vùng theo quy hoạch như: Dự án tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2), Dự án đường vành đai 5-vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối QL38B đến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình... (2) Quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính và công nghệ tiên tiến vào đầu tư tại tỉnh Hà Nam. (3) Chỉ đạo các địa phương liên quan thực hiện các giải pháp kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Tôi tin tưởng rằng, các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XX được trúng cử lần này có đủ ý chí, bản lĩnh, năng lực, với tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, cùng tinh thần đoàn kết, sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả liên kết vùng để đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của tỉnh nhà, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xây dựng quê hương Hà Nam nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung ngày càng giàu đẹp, văn minh. 

Báo Hà Nam điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy