Nan giải vấn đề xử lý rác thải ở nông thôn

Mấy năm gần đây, đời sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, tuy nhiên kèm theo đó là hệ lụy về môi trường như: rác thải sinh hoạt, chất thải, nước thải do chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các làng nghề… chưa được xử lý triệt để.

Đây là vấn đề đặt ra không chỉ đối với các cấp, ngành chức năng trong xây dựng nông thôn mới hiện nay mà còn là yếu tố sống còn cần phải giải quyết nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Đường làng thôn Vực, xã Liêm Cần (Thanh Liêm). Ảnh: Điện Biên

Báo động ô nhiễm rác thải nông thôn

Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Thụy Lôi (Kim Bảng) đã đầu tư xây dựng 3 bể thu gom rác thải tập trung ở các thôn: Gốm, Hồi Trung, Trung Hòa. Theo quan sát, bãi trung chuyển rác ở thôn Hồi Trung và Trung Hòa đang chất thành đống cao ngất, bốc mùi hôi thối khắp nơi. Các tuyến đường và mương máng ở khu vực xung quanh cũng ngập tràn các loại rác thải gây ô nhiễm và mất mỹ quan. Nhiều tháng qua, bãi tập trung rác thải ở thôn Gốm cũng như các tổ thu gom rác thải ở các xóm thuộc thôn này đã dừng hoạt động để giảm tải lượng rác tập kết ra bãi trung chuyển. Chính quyền địa phương đã yêu cầu các xóm của thôn Gốm tự phân loại, xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân các xóm 1, 2, 3, 4 thuộc thôn Gốm, do lượng rác sinh hoạt hằng ngày quá lớn, không có người thu gom, người dân cũng không thể tự xử lý tại gia đình được nên tự ý mang rác ra đồng vứt. Bà Nguyễn Thị Hương, một người dân ở xóm 2 cho hay: Người dân không chỉ mang rác ra vứt ở quanh khu vực các bãi trung chuyển mà sẵn sàng xả ra ở bất cứ đâu, tập trung nhiều nhất là ở hai bên đường, đoạn gần trụ sở UBND xã. Rất nhiều người thiếu ý thức tranh thủ lúc trời nhá nhem tối chở các bao tải rác trên xe máy rồi đến đoạn đường vắng vứt bừa ra đường hay xuống kênh mương.

Còn tại thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa (Kim Bảng), địa phương có nhiều làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh, ô nhiễm do rác thải cũng trong tình trạng báo động. Không thể đốt vì quá nhiều, bãi tập trung rác thải của thôn Lạc Nhuế (tập kết rác thải của các xóm: 2, 3, 4, 5) hiện đã cao gấp 2-3 lần đầu người. Nhiều người dân trong thôn phàn nàn: Cứ một vài tháng, địa phương lại thuê máy xúc cào rác đi chôn lấp với kinh phí từ 2-3 triệu đồng/lần. Số tiền này do các hộ dân trong thôn đóng góp. Tốn kém đã đành nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện. Chị Nguyễn Thị Lan, người thu gom rác thải thôn Lạc Nhuế cho biết: Tôi đi thu gom rác thải mỗi tháng 6 lần, mỗi lần phải chở đến 3 xe đầy mới hết (hơn 3 tạ rác/xe). Đó là chưa kể hằng ngày, các hộ làm nghề trong thôn chở cả ô tô với lượng rác hàng tấn đổ ra bãi. Với bãi rác chất cao lên vài mét như thế này, mỗi lần thu gom rác mang ra bãi, tôi phải đứng lên trên xe để bốc rác quăng lên trên.

Thực tế, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở xã Thụy Lôi hay thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa chỉ là một ví dụ về những khó khăn trong công tác xử lý rác thải nông thôn trên địa bàn tỉnh. Rất nhiều địa phương đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do lượng rác xả ra ngày một nhiều nhưng không có biện pháp xử lý. Trên nhiều tuyến đường làng, xã, không khó để bắt gặp những bãi rác "công cộng" được tạo ra ngay bên lề đường không đúng nơi quy định, thậm chí là ngay dưới biển báo "Cấm đổ rác"!

Tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí số 17 về môi trường được đánh giá là một trong những tiêu chí khó hoàn thành nhất, đặc biệt là đối với việc thực hiện chỉ tiêu: chất thải, nước thải được thu gom, xử lý theo đúng quy định. Đây là nguyên nhân khiến cho nhiều xã chưa thể đạt chuẩn tiêu chí số 17. Một số xã thì đang "loay hoay" trong việc giữ gìn tiêu chí khó này.

Điểm tập kết rác thải sinh hoạt của thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa (Kim Bảng) đang  gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: Hân Hân

Thời điểm này, xã An Lão (Bình Lục) mới đạt chuẩn 14/19 tiêu chí NTM. Trong 5 tiêu chí mà xã An Lão chưa đạt, có tiêu chí môi trường. Vướng mắc trong thực hiện tiêu chí này là do vấn đề thu gom, xử lý rác thải nông thôn chưa được xử lý đúng quy định. Trao đổi với ông Văn Tất Lượng, Chủ tịch UBND xã An Lão được biết, những năm qua, cùng với các tiêu chí trong nhóm xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân, xã  cũng rất quan tâm thực hiện tiêu chí môi trường. Đến nay, các chỉ tiêu trong tiêu chí môi trường như: có từ 90% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; trên 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đạt tiêu chuẩn về môi trường; đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh - sạch - đẹp, nghĩa trang có quy hoạch và quản lý theo quy hoạch đều đã đạt theo quy chuẩn. Chỉ còn chỉ tiêu: không có hoạt động làm suy giảm môi trường; rác thải và nước thải thu gom và xử lý theo đúng quy định còn nhiều khó khăn, chưa thể hoàn thiện. An Lão phấn đấu về đích NTM vào cuối năm 2017. Trong mục tiêu phấn đấu, từ nay đến cuối năm, xã sẽ hoàn thành đạt chuẩn các tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người, cơ sở vật chất trường học và môi trường. Theo đó, môi trường đang là tiêu chí  khiến cho địa phương trăn trở, lo ngại không thể hoàn thành vì chưa có biện pháp xử lý triệt để vấn đề rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Dù địa phương đã nỗ lực "tháo gỡ" bằng nhiều giải pháp như: chỉ đạo các tổ thu gom rác thải các thôn thực hiện thu gom, vận chuyển rác 1-2 lần/tuần; trích kinh phí  từ ngân sách địa phương để mua thuốc khử mùi hôi thối từ các bãi rác tập trung. Cùng với đó, chỉ đạo mỗi thôn đào một hố chôn lấp rác ngoài đồng; huy động các hội, đoàn thể, lực lượng công an, quân sự thường xuyên ra quân tổng vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm; vận động các hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại hộ nhằm hạn chế lượng rác thải ra môi trường... Tuy nhiên, tình trạng xả rác thải bừa bãi ra môi trường gây ô nhiễm vẫn diễn ra phổ biến.

Xử lý rác thải nông thôn không chỉ là chỉ tiêu khó đối với các xã trong việc hoàn thành tiêu chí môi trường để cán đích NTM đúng kế hoạch mà còn là thách thức đối với các xã NTM cũng như các xã đã đạt chuẩn tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. Trong một lần làm việc về nội dung xây dựng NTM tại xã An Nội (Bình Lục), lãnh đạo xã An Nội đã khẳng định rằng: Trong xây dựng NTM, môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất, đặc biệt là với địa phương phát triển chăn nuôi như An Nội. Và khi đã đạt chuẩn rồi thì đây cũng là tiêu chí "động", dễ "trượt" hơn so với các tiêu chí khác bởi cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, đó là do đời sống được nâng lên, kinh tế phát triển, lượng rác thải sinh hoạt, chất thải từ làng nghề, chăn nuôi xả ra ngày một nhiều, trong khi chưa có biện pháp xử lý triệt để. An Nội đã đạt chuẩn tiêu chí môi trường với cả 5 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu về chất thải, nước thải nông thôn được thu gom, xử lý đúng quy định. Với chỉ tiêu này, ranh giới giữa đạt và không đạt chuẩn là rất mong manh bởi nó phụ thuộc phần lớn vào nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân...

Trước khó khăn chung trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt do một thời gian dài không được Công ty cổ phần Môi trường Ba An vận chuyển, An Nội xác định, việc duy trì, chống "trượt" tiêu chí môi trường đang là nhiệm vụ quan trọng đối với chính quyền, nhân dân địa phương. Để duy trì, giữ vững tiêu chí môi trường đã đạt chuẩn, thời gian qua, An Nội đã phải tìm nhiều hướng giải quyết. Cụ thể, chính quyền địa phương chỉ đạo các hội, đoàn thể, các thôn, xóm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình hạn chế sử dụng túi nilon, thực hiện phân loại rác thải tại hộ, hướng dẫn các hộ dân có diện tích đất vườn rộng đào hố chôn lấp rác tại vườn và sử dụng chế phẩm vi sinh ủ rác thành phân hữu cơ bón cho cây trồng. Bên cạnh đó, mỗi thôn cũng tiến hành đào thêm hố chôn rác và vận động các hộ dân thực hiện mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học nhằm giảm ô nhiễm môi trường... Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt phần nào được cải thiện, bảo đảm đạt chuẩn chỉ tiêu về lượng chất thải, nước thải được thu gom, xử lý.

Giải pháp nào để xử lý rác thải nông thôn?

Mô hình đốt rác tại chỗ ở xóm 7, Hội Động (Đức Lý, Lý Nhân) phát huy hiệu quả trong việc xử lý rác thải nông thôn. Ảnh: Thế Trang

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), vài năm trở lại đây, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn về cơ bản đã đi vào nền nếp. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 150 bể trung chuyển rác thải được xây dựng và đưa vào vận hành, thành lập được khoảng 1.083 tổ thu gom rác thải trên tổng số 1.320 thôn xóm, với trên 3.100 người và gần 1.800 xe tham gia hoạt động thu gom rác thải. Trước đây, đối với khu vực nông thôn, có khoảng 80% tổng lượng rác thải được thu gom tập kết đúng nơi quy định, trong đó có khoảng 60% được bốc xúc, vận chuyển về nơi xử lý đạt yêu cầu, còn lại 20% lượng rác thải được tập trung tại các bãi rác tạm, hình thức xử lý là đốt và chôn lấp lộ thiên không bảo đảm vệ sinh môi trường gây ô nhiễm, mất mỹ quan quan. Từ tháng 6/2016 đến nay, rác thải tại các địa phương chỉ được tập kết ra bãi trung chuyển của xã mà không được vận chuyển đi đã khiến môi trường nông thôn ô nhiễm nghiêm trọng. Thực trạng rác thải tràn lan và bốc mùi hôi thối khắp các tuyến đường, kênh mương... không chỉ gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường sống mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạch nước ngầm.

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn, những năm qua, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã trích ngân sách phục vụ sự nghiệp bảo vệ môi trường, điển hình là các dự án xử lý, cải thiện chất lượng môi trường như: Dự án xử lý nước thải và rác thải bệnh viện; dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực thị trấn Đồng Văn, Hoà Mạc; xử lý nước thải một số làng nghề, khu vực sản xuất nông nghiệp, khu vực đông dân nghèo bị ô nhiễm nặng (các xã: Hoàng Đông, Hoàng Tây, Nhật Tân, Bạch Thượng, Đọi Tam, huyện Duy Tiên; xã  Mỹ Thọ, huyện Bình Lục; xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý…) ; dự án thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tại các thị trấn của tỉnh; xây dựng hệ thống xử lý nước thải đầu mối tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Song song với đó, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường cũng được các cấp, ngành, địa phương quan tâm hơn. Ở các huyện, các hội, đoàn thể phát huy ngày càng tốt vai trò của mình trong công tác bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen xử lý rác thải của người dân.

Tuy nhiên, hiện nay, việc thu gom, xử lý rác thải nông thôn đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do rác thải không được vận chuyển, xử lý. Trước thực tế này, tại các địa phương, rác thải chủ yếu được xử lý bằng hình thức đốt và đào hố chôn lấp tại chỗ. Biện pháp này không xử lý triệt để do lượng rác thải sinh hoạt xả ra hằng ngày quá lớn. Nhiều xã không tìm được vị trí để đào hố chôn lấp. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nông thôn nói riêng hằng năm còn thiếu, chưa tương xứng với thực tế lượng rác thải phát sinh. Nhiều thôn, xóm hiện nay dù đã thành lập được tổ thu gom rác thải nhưng chưa thể hoạt động do kinh phí hỗ trợ đối với người làm công tác thu gom còn thấp. Cũng không thể phủ nhận thực trạng, nhiều tổ viên thu gom rác thải còn thiếu trách nhiệm, không tập kết rác đúng nơi quy định, rác thải vẫn vứt bừa bãi phía ngoài bể trung chuyển gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.

Theo Thông báo số 18/TB-UBND ngày 2/3/2017 của UBND tỉnh, Công ty cổ phần Môi trường Ba An sẽ hoạt động trở lại vào cuối tháng 3/2017. Đây là tin vui cho nhiều địa phương khi các bãi tập kết rác thải đang trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Tuy nhiên, vấn đề xử lý rác thải nông thôn chỉ được xử lý triệt để khi có sự cộng đồng trách nhiệm của cả cơ quan quản lý nhà nước và người dân. Vì vậy, để từng bước giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các nhà quản lý trong việc thu gom, xử lý rác thải. Cùng đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy