kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Thúc đẩy giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt

Thúc đẩy giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt

Với nhiều lợi ích thiết thực, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong mua sắm thông qua các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số ngày càng được nhiều người dân lựa chọn sử dụng. Qua đó, giúp cho ngành ngân hàng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thúc đẩy giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt
Quét mã QR Code ngày càng được nhiều khách hàng sử dụng trong giao dịch thanh toán. Ảnh: Hân Hân

Một số hình thức TTKDTM được sử dụng chủ yếu trong ngành bán lẻ hiện nay là chuyển khoản, quẹt thẻ ngân hàng, quét mã QR Code, sử dụng ví điện tử như Momo, Moca, Shopee Pay, ViettelPay… Trong đó, chuyển khoản được ghi nhận là hình thức TTKDTM phổ biến nhất vì có tính ứng dụng cao. Chị Nguyễn Thị Hạnh nhân viên giao hàng của Viettel Post (Bưu cục TP Phủ Lý) cho biết: Khoảng gần hai năm nay, hầu hết khách hàng khi nhận sản phẩm đặt mua online đều sử dụng hình thức chuyển khoản để thanh toán. Thanh toán bằng hình thức này tạo thuận lợi cho cả người giao hàng và người nhận hàng. Nhân viên giao hàng như chúng tôi không cần phải chuẩn bị quá nhiều tiền mặt với các mệnh giá khác nhau để trả lại tiền thừa cho khách hàng như trước đây. Công việc giao nhận hàng từ đó cũng nhanh chóng, đơn giản hơn rất nhiều.

Dạo qua một vòng TP Phủ Lý có thể thấy, không chỉ các siêu thị, trung tâm thương mại hay cửa hàng, đại lý phân phối lớn có ứng dụng quét mã QR Code hay quẹt thẻ thanh toán mà nhiều quán ăn nhanh, cửa hàng tạp hoá, quầy thuốc tân dược, quán cắt tóc… cũng đã chủ động triển khai các ứng dụng này nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc thanh toán. Anh Lương Đức Duy, chủ cửa hàng Bánh mỳ Mít trên Đường Lê Lợi (TP Phủ Lý) cho biết: Trước đây, khi đến mua bánh mỳ, một số khách hàng đã đề nghị cửa hàng tạo mã QR Code để họ thanh toán. Do đó, từ đầu năm 2022, cửa hàng đã đăng ký sử dụng ứng dụng quét mã QR Code và được nhiều khách hàng sử dụng. Từ đó, tỷ lệ khách hàng thanh toán bằng hình thức quét mã QR Code ngày càng tăng. Ứng dụng đã mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là vào thời điểm cửa hàng có đông khách như đầu giờ sáng và chiều tối. Khách hàng không còn phải xếp hàng đợi thanh toán rồi chờ nhân viên trả lại tiền. Nhân viên của cửa hàng cũng không mất thời gian nhận tiền rồi tính toán trả lại tiền thừa cho khách như trước đây.  Hiện, tỷ lệ khách hàng thanh toán bằng hình thức quét mã QR Code trong mua hàng chiếm xấp xỉ 40%.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Hà Nam, khoảng 2 năm trở lại đây, hoạt động TTKDTM trên địa bàn tỉnh có sự phát triển nhanh chóng. Trong 9 tháng năm 2022, doanh số TTKDTM đạt trên 143.500 tỷ đồng, tăng gần 24.000 tỷ đồng so với đầu năm 2022. Tính đến hết tháng 9/2022, số đơn vị mở tài khoản thanh toán trên địa bàn tỉnh là gần 751.000 đơn vị (tăng gần 53.000 đơn vị so với đầu năm 2022). Toàn tỉnh hiện có 127 máy ATM, 444 máy POS (máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn dịch vụ) và gần 700.000 thẻ ATM đã được phát hành. Các phương tiện, dịch vụ thanh toán của các đơn vị được vận hành thông suốt, ổn định, khả năng xử lý các giao dịch thanh toán với tốc độ cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền nhanh chóng, thuận tiện, an toàn cho khách hàng. Đặc biệt, lĩnh vực thanh toán điện tử trong dịch vụ hành chính công cũng được đẩy mạnh, đem lại sự thuận tiện cho người dân. Có thể kể đến các dịch vụ thu hộ: thuế, điện, nước, cước viễn thông, học phí, viện phí, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm…

Để phát triển TTKDTM trong giao dịch mua bán, NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Nam đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển TTKDTM trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1364/QĐ-UBND ngày 11/7/2022 nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về TTKDTM với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện TTKDTM trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Phấn đấu đến năm 2025, từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; tăng số lượng điểm chấp nhận TTKDTM lên trên 2.000 điểm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 20%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%; từ 80-90% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức TTKDTM; từ 90-100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức TTKDTM; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM…

Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế; giao dịch thương mại điện tử; thu phí, lệ phí, thủ tục hành chính; thanh toán cước, phí cho các dịch vụ thường xuyên, định kỳ như: điện, nước, điện thoại, internet, truyền hình cáp… Đồng thời, khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hoá, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử và hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử trong quá trình mua bán hàng hoá, dịch vụ; tiếp tục nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh thanh toán điện tử trong dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong TTKDTM, thanh toán điện tử.

Là cơ quan đầu mối tổ chức triển khai kế hoạch, NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Nam đang tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động; tiếp tục phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng; tập trung hoàn thành chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip, bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; tăng cường cơ chế hợp tác, phối hợp, trao đổi thông tin giữa NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Nam với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan để kịp thời phát hiện, phòng ngừa, điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong TTKDTM; vận động, khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ có các hình thức miễn, giảm phí, khuyến mại, giảm giá đối với khách hàng sử dụng hình thức TTKDTM để thanh toán khi mua sắm, sử dụng dịch vụ...

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy