Mở tài khoản giao dịch bằng thẻ, song lại thiếu các cây ATM, đó là tình trạng đang diễn ra tại nhiều khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nhiều người dân kiến nghị các ngân hàng thương mại cần bố trí cây ATM cho phù hợp để thuận tiện cho khách hàng mỗi lần rút tiền bằng thẻ.
Sử dụng thẻ ngân hàng trong nhiều năm qua, song chị Trần Thị Huyền, thị trấn Ba Sao (Kim Bảng) lại rất vất vả mỗi khi đi rút tiền mặt. Chị Huyền chia sẻ: Muốn rút tiền tôi đều phải xuống tận thị trấn Quế, cách nhà 5-7 km, mất rất nhiều thời gian. Thấy vậy, tôi chuyển sang sử dụng thêm dịch vụ Mobile banking nhưng cũng chưa phù hợp, nhiều cửa hàng lại chưa sử dụng dịch vụ này. Mỗi lần muốn có tiền mặt, tôi đành chuyển tiền vào tài khoản của người thân rồi nhờ họ chuyển tiền mặt cho mình. Tôi kiến nghị các ngân hàng thương mại trên địa bàn huyện đầu tư cây ATM phân bố khoảng cách phù hợp để người dân rút tiền cho thuận tiện.
Cũng như chị Trần Thị Huyền, hiện nay nhiều người dân ở vùng nông thôn gặp khó khăn khi đi rút tiền tại cây ATM do các cây ATM chỉ có ở khu vực thị trấn, thị tứ, các khu tập trung đông người và trong khu công nghiệp. Nhiều người dân cho biết, hầu hết các cơ quan hành chính sự nghiệp và nhiều doanh nghiệp đều trả lương qua tài khoản ngân hàng, song mỗi lần đến tháng lương đi rút tiền mặt lại mất rất nhiều thời gian. Mặc dù nhiều người cũng đã sử dụng dịch vụ ngân hàng Mobile banking, song không phù hợp với điều kiện thanh toán ở quê. Lý giải về vấn đề này, nhiều ngân hàng cho rằng nếu đầu tư một cây ATM ở khu vực nông thôn sẽ rất tốn kém, trong khi đó tỷ lệ giao dịch hằng tháng lại rất ít, khiến cho nhiều ngân hàng chưa mặn mà.
Ông Trần Hồng Việt, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Kim Bảng cho biết: Agribank Chi nhánh Kim Bảng đang quản lý 5 cây ATM, trong đó có 3 cây ở trung tâm huyện và 2 cây ở 2 phòng giao dịch xã Tân Sơn và Nhật Tân. Trung bình cứ 2 ngày chi nhánh phải tiếp tiền một lần, mỗi lần 1 cây tiếp từ 3,6 – 6,6 tỷ đồng. Qua đó cho thấy nhu cầu rút tiền mặt của người dân là rất lớn, đặc biệt là những ngày lễ, Tết, đầu tháng hoặc cuối tháng các doanh nghiệp trả lương. Tuy nhiên, để đầu tư thêm một cây ATM chi nhánh cũng phải tính toán rất kỹ. Bởi thực tế chi phí đầu tư một cây ATM tốn kém 1 tỷ đồng, tiền điện một tháng mất 4-5 triệu đồng, tiền bảo vệ 5-6 triệu đồng (chưa tính khấu hao máy móc). Với chi phí trên, nếu tỷ lệ người dân giao dịch ít ngân hàng sẽ thua lỗ nặng, khó có thể duy trì được. Thời gian tới, chi nhánh sẽ cân nhắc đầu tư cây ATM tại khu vực thị trấn Ba Sao.
Cùng quan điểm với ông Trần Hồng Việt, hầu hết các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đều cân nhắc khi đầu tư cây ATM ở những vùng xa, vùng thưa dân cư, ít giao dịch bằng thẻ. Một số ngân hàng cổ phần trong tỉnh chỉ đầu tư cây ATM ngay tại phòng giao dịch và trung tâm thành phố, còn lại ở các huyện, thị xã vẫn chưa đầu tư. Nhiều khách hàng phải rút tiền thông qua dịch vụ của ngân hàng khác dẫn tới chi phí cao hơn.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Nam, đến ngày 31/5/2022, trên địa bàn tỉnh có 1.404 đơn vị trả lương qua tài khoản với 181.525 cá nhân được trả lương qua tài khoản. Toàn tỉnh đến thời điểm này có 124 máy ATM được lắp đặt, tăng 02 máy so với đầu năm; 405 máy POS tăng 29 máy so với đầu năm. Hoạt động thanh toán của hệ thống ATM, POS ổn định, chất lượng dịch vụ được nâng cao.
Để bảo đảm thuận lợi cho người dân giao dịch khi rút tiền, các ngân hàng thương mại khuyến cáo khách hàng ở vùng xa cây ATM, hằng tháng rút tiền một lần tại cây ATM khu vực gần nơi mình làm việc như KCN, thị trấn, thị tứ. Đồng thời, kết hợp sử dụng dịch vụ internet banking hoặc Mobile banking để giao dịch, trao đổi tiền mặt sao cho thuận tiện nhất. Về lâu dài, các ngân hàng thương mại vẫn tính toán để đầu tư cây ATM bảo đảm phù hợp với điều kiện giao dịch ở các địa phương và hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.
Trần Hữu