Hướng tới tự chủ tài chính bền vững

Theo báo cáo của Sở Tài chính, năm 2022 toàn tỉnh phấn đấu thu cân đối ngân sách từ kinh tế trên địa bàn đạt 12.420 tỷ đồng, tăng 140 tỷ đồng so với dự toán Trung ương giao. Đây cũng là năm đầu tiên, sau 25 năm tái lập tỉnh, Hà Nam đề nghị Trung ương tự chủ ngân sách. Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất.

Nâng cao nguồn thu ngân sách từ khai thác đá

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực. Những chỉ tiêu kinh tế quan trọng đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, thu nhân sách đạt cao, tăng 34,76% so với kế hoạch năm. Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu thu cân đối ngân sách từ kinh tế trên địa bàn đạt 12.420 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 10.625 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu 1.795 tỷ đồng. 

Để hoàn thành được kế hoạch trên và tự chủ được ngân sách, trước hết UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, nâng cao hiệu quả nguồn thu ngân sách từ khai thác, chế biến đá. Căn cứ vào đó, các ngành đã tập trung thực hiện việc quy hoạch vùng khai thác tài nguyên khoáng sản phía Tây sông Đáy, hạn chế tối đa việc cấp phép khai thác ngắn hạn, tập trung cấp phép khai thác khoáng sản lâu dài; đo đạc lại núi, đánh giá trữ lượng đá còn lại và khối lượng đá đã khai thác để làm căn cứ truy thu nguồn thuế; quy định hệ số quy đổi từ đá nguyên khai sang đá dăm các loại để làm căn cứ tính thuế. Cách làm này đã thu hút được các doanh nghiệp có năng lực về tài chính, đầu tư dây chuyền khai thác, chế biến đá hiện đại, hạn chế được tai nạn lao động và nâng cao nguồn thu ngân sách. Nhiều doanh nghiệp được cấp phép đã thực hiện các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật có liên quan khác.

Hướng tới tự chủ tài chính bền vững
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực huyện Thanh Liêm – Bình Lục hướng dẫn người dân làm thủ tục nộp ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đá xây dựng Transmeco (Thanh Liêm) cho biết: Trung bình một năm doanh nghiệp khai thác gần 1 triệu m3 đá và nộp ngân sách hơn 6 tỷ đồng. Khi được cấp phép khai thác mỏ lâu dài, doanh nghiệp đã có chiến lược đầu tư dài hạn, xây dựng phương án nộp ngân sách hằng năm, tính các khoản phải nộp vào đơn giá của đá khi khai thác, bảo đảm duy trì sản xuất kinh doanh hiệu quả. Để khai thác khoáng sản an toàn, đóng góp tích cực cho phát triển của tỉnh, ông Nguyễn Văn Mạnh kiến nghị, để bảo đảm công bằng, các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng thì Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp không có ý thức bảo vệ môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu, tổ chức khai thác không đúng với dự án đăng ký. 

Nâng cao hiệu quả từ nguồn thu khoáng sản, trong năm 2021 – 2022, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tập trung: tuyên truyền, phổ biến các chính sách thuế đến doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý khai thác đá, hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục liên quan đến việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các khoản thu nộp ngân sách khác. Qua đó đã đưa hoạt động khai thác khoáng sản từng bước đi vào nền nếp, góp phần nâng cao hiệu quả nguồn thu ngân sách. Ước trong năm 2022, toàn tỉnh có 89 điểm mỏ khai thác đá, trong đó có gần 70 mỏ được cấp phép dài hạn sẽ nộp ngân sách nhà nước khoảng 800 – 1.000 tỷ đồng, bao gồm tiền thuế, phí và tiền truy thu ngân sách của các doanh nghiệp. 

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Cùng với tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, năm 2022, UBND tỉnh  chỉ đạo các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, trong đó tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tăng nhanh tỷ trọng thu nội địa trong cơ cấu nguồn thu. Bên cạnh đó, tùy theo từng lĩnh vực, các ngành tập trung rà soát lại các thủ tục hành chính, tham mưu cho cấp trên, cắt giảm những thủ tục còn rườm rà, chồng chéo nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư; công khai minh bạch, cập nhật các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

Đối với doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ nhà đầu tư thứ cấp, các doanh nghiệp trong KCN. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng: Tập trung nghiên cứu đề xuất các chương trình nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và thuận lợi hơn; thường xuyên nắm bắt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, chủ động xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn về vốn cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19; tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó ưu tiên cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch.

Hướng tới tự chủ tài chính bền vững
Thu ngân sách từ thuế, phí và lệ phí có xu hướng tăng. Trong ảnh: Kinh doanh dịch vụ thương mại tại Siêu thị Vincom (TP Phủ Lý).

Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Năm 2022, tại các KCN trong tỉnh có khoảng hơn 300 doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, trong đó ước ngân sách các doanh nghiệp sẽ nộp theo kế hoạch khoảng hơn 5.500  - 6.000 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch trên, Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên nắm bắt những khó khăn từ phía các doanh nghiệp, tham mưu UBND tỉnh kịp thời hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết những vướng mắc, nhanh chóng đi vào ổn định sản xuất, nâng cao nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. 

Ngoài quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, các ngành và địa phương còn quan tâm đến công tác chống thất thu ngân sách. Đối với các huyện, thị xã và thành phố, các cơ quan chuyên môn, bám sát từng đối tượng nợ đọng ngân sách kéo dài, kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở, có biện pháp kiên quyết đối với các tổ chức, cá nhân cố tình trây ỳ không nộp ngân sách theo quy định. Cơ quan thuế, tài chính, ngân hàng vào cuộc phối hợp chặt chẽ trong việc tạm thu, tạm nộp thuế, sử dụng hệ thống thu qua ngân hàng, từng bước hạn chế tình trạng nợ đọng ngân sách kéo dài. Ngành hải quan tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả nguồn thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu. 

Năm 2022, tại các KCN trong tỉnh có khoảng hơn 300 doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, trong đó ước ngân sách các doanh nghiệp sẽ nộp theo kế hoạch khoảng hơn 5.500  - 6.000 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng phòng Quản lý ngân sách, Sở Tài chính cho biết: Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid – 19, song cơ cấu thu cân đối ngân sách từ kinh tế trên địa bàn năm 2022 dự báo có nhiều chuyển biến tốt. Các khoản thu từ thuế, phí và lệ phí sẽ phấn đấu tăng 5% so với kế hoạch được giao do các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất. Đây là tín hiệu vui để tỉnh tự chủ ngân sách bền vững và tăng số thu từ sản xuất, kinh doanh. Ngoài các giải pháp nâng cao nguồn thu thì tỉnh cũng chỉ đạo các ngành và đơn vị tiết kiệm chi thường xuyên, khuyến khích các đơn vị sự nghiệp tự chủ ngân sách.

Hướng tới tự chủ tài chính bền vững
Sản xuất tại Công ty cổ phần Norfolk  Hatexco, KCN Đồng Văn I (Duy Tiên). Ảnh: Lê Yến

Như vậy, sau 25 năm tái lập tỉnh, năm 2022 là năm đầu tiên Hà Nam thực hiện tự chủ cân đối ngân sách. Đây là bước tiến quan trọng, khẳng định sự phát triển liên tục. Thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước và với cách làm thận trọng, chắc chắn, mục tiêu của tỉnh là hướng tới cân đối ngân sách bền vững, hiệu quả và nâng cao nguồn thu hằng năm./. 

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy