Sau gần 4 năm thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế. Nhờ có nguồn vốn này, nhiều hộ đã mở rộng sản xuất, kinh doanh vươn lên làm ăn hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập gia đình.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Kim Bảng.
Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam đến thời điểm này, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 18.500 tỷ đồng, trong đó phần lớn nguồn vốn giải ngân cho vay theo Nghị định 55 của Chính phủ. Đây là một chính sách lớn, không chỉ tạo điều kiện cho hộ nông dân nâng cao được mức vay vốn, mà còn khuyến khích các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng mở rộng giải ngân vốn đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Cụ thể, đối với khách hàng vay vốn đến 100 triệu đồng không phải làm thủ tục thế chấp tài sản, thay vì trước đây chỉ vay được 50 triệu đồng. Thủ tục vay vốn cũng đơn giản và được miễn phí giao dịch tài sản bảo đảm nếu vay trên 100 triệu đồng, trước đây nhiều ngân hàng thu phí rất cao.
Anh Nguyễn Xuân Luật ở xã Đồng Lý (Lý Nhân) cho hay: Gia đình tôi thường xuyên sử dụng nguồn vốn của ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nuôi lợn, nuôi thủy sản. Khi Nghị định 55 của Chính phủ có hiệu lực, tôi đã nghiên cứu rất kỹ và tiến hành xây dựng dự án phát triển chăn nuôi lợn nái, nuôi cá thịt. Được ngân hàng hướng dẫn và tạo điều kiện cho vay theo hợp đồng hạn mức tín dụng, tôi đã mạnh dạn vay vốn một lần với định mức hơn 1 tỷ đồng, sau đó khi cần vốn rút dần trong hạn mức đầu tư. Nhờ đó, gia đình đã bớt được khó khăn trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, hàng tháng nâng cao được mức thu nhập.
Gần 4 năm qua, thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ, hàng chục nghìn lượt hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã được vay vốn của ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng trang trại chăn nuôi, mở rộng cửa hàng kinh doanh dịch vụ thương mại, nâng cao được mức thu nhập cho gia đình.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Hà Nam, ngân hàng đã mở rộng giải ngân vốn cho vay ở nhiều lĩnh vực như: Cho vay các chi phí phát sinh phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ; phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ trên địa bàn nông thôn; sản xuất giống trong trồng trọt, chăn nuôi và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp; phát triển ngành nghề tại địa bàn nông thôn; phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; các nhu cầu phục vụ đời sống của cư dân trên địa bàn nông thôn và cho vay theo các chương trình kinh tế liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Trung, ngay khi Nghị định 55 có hiệu lực, chi nhánh đã phối hợp với các huyện, thành phố triển khai tuyên truyền phổ biến tới toàn thể cán bộ chủ chốt ở các xã, thị trấn. Đồng thời, các chi nhánh trực thuộc đơn vị đã cử cán bộ tín dụng thường xuyên khảo sát nhu cầu vay vốn, kịp thời hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn. Với cách làm này, thời gian cao điểm chi nhánh đã giải ngân khoảng 65 - 70% nguồn vốn cho vay theo Nghị định 55 của Chính phủ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, hỗ trợ kịp thời vốn cho khách hàng đầu tư phát triển kinh tế. Hầu hết các hộ nông dân đã sử dụng nguồn vốn của ngân hàng đầu tư sản xuất, kinh doanh đều đem lại hiệu quả kinh tế cao. Agribank Hà Nam phấn đấu đầu tư nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đưa tỷ lệ cho vay lĩnh vực này chiếm khoảng 90% tổng dư nợ.
Đánh giá về hiệu quả triển khai Nghị định 55 của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam cho biết: Đây là một chính sách lớn đã thực sự đi vào cuộc sống, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Đồng thời, chính sách này cũng đã khuyến khích được các tổ chức tín dụng mở rộng nguồn vốn giải ngân đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Tại Hà Nam, rất nhiều hộ dân đã nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và đầu tư nguồn vốn sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Có được kết quả này là do có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và các tổ chức tín dụng trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời khách hàng trong việc giải ngân vốn và quản lý nguồn vốn. Trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam tiếp tục đề nghị các ngân hàng thương mại tập trung vào cuộc giải ngân vốn cho khách hàng vay theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, trong đó quan tâm đến khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, chú trọng cho vay kinh tế hộ, bảo đảm đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho khách hàng đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Trần Hữu
Trần Thoan