Thực hiện mục tiêu số hóa ngành hải quan, Chi cục Hải quan Hà Nam đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan trên tất cả các lĩnh vực, bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Thông qua chuyển đổi số đã giúp cho cả doanh nghiệp và ngành hải quan giảm được thời gian thông quan, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.
Chuyển đổi số của ngành hải quan được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, gồm: hiện đại hóa, tự động hóa công tác quản lý điều hành nghiệp vụ hải quan; nâng cao công tác tham mưu, thực thi nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; số hóa các quy trình thủ tục hải quan; các lĩnh vực nghiệp vụ được tích hợp, liên thông, tự động hóa mức độ cao; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan. Công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan theo hướng tập trung, ứng dụng tối đa công nghệ, trang thiết bị hiện đại vào trong quá trình thực hiện phục vụ chuyển đổi số ngành hải quan, trong đó thực hiện mô hình hải quan số, hải quan thông minh, hải quan xanh.
Trong quá trình hoạt động nghiệp vụ, Chi cục Hải quan Hà Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu cho các doanh nghiệp, như: tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho cộng đồng doanh nghiệp về các chính sách mới; đối thoại thường niên với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế.
Ông Cao Quế Phong, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hà Nam cho biết: Việc chuyển đổi số sẽ giúp đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, nâng cao năng suất lao động của cán bộ, công chức hải quan; cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp, việc thực hiện chuyển đổi số của ngành hải quan mang lại nhiều lợi ích, như: thông quan hàng hóa nhanh chóng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tại Hà Nam thường xuyên có khoảng gần 65% tờ khai thuộc luồng xanh, hơn 30% số tờ khai thuộc luồng vàng, còn lại khoảng 5% tờ khai thuộc luồng đỏ. Việc chuyển đổi số vào trong quá trình điều hành nghiệp vụ, quản lý khai quan, đối với các doanh nghiệp thuộc luồng xanh, sau khi khai quan đầy đủ, chỉ mất vài giây là có thể thông quan ngay.
Ngoài các lợi ích trên, việc chuyển đổi số toàn diện còn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện. Doanh nghiệp chỉ thực hiện khai thông tin hàng hóa một lần để thực hiện nhiều thủ tục hành chính thông qua hệ thống “một cửa” quốc gia. Cách làm này sẽ nâng cao tính minh bạch, phòng chống tham nhũng và doanh nghiệp dễ dàng theo dõi tiến trình xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong chuỗi cung ứng.
Trong thời gian tới, Chi cục Hải quan Hà Nam tiếp tục bám sát chỉ đạo của ngành, tập trung đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên, bảo đảm làm chủ được công nghệ thông tin trong kế hoạch chuyển đổi số. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm cập nhật tờ khai, số liệu, truyền tin đầy đủ, kịp thời, phục vụ tốt cho công tác quản lý rủi ro của ngành.
Trần Hữu