Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ về một số biện pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi và dịch bệnh Covid-19 gây ra, thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã chủ động nắm bắt tình hình, rà soát từng đối tượng để đánh giá mức độ thiệt hại, từ đó áp dụng biện pháp hỗ trợ, cho vay kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của ngân hàng về mức độ thiệt hại, khả năng trả nợ của người vay. Trên cơ sở đó, ngân hàng áp dụng theo từng mức quy định và xác định món nợ bị ảnh hưởng để thống nhất biện pháp triển khai hỗ trợ trong toàn hệ thống. Các TCTD chủ động tự quyết định và chịu trách nhiệm trước việc hỗ trợ trên tinh thần bảo đảm chặt chẽ, an toàn, đúng đối tượng. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ. Mặt khác, xây dựng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ chế hỗ trợ vay vốn đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để phòng đối tượng phản ánh sai lệch thông tin, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và hoạt động của ngân hàng.
Với khách hàng vay vốn nuôi lợn do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, kể từ ngày 20/3/2019 đến 31/10/2020 tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn đã giải ngân 1.858 tỷ đồng, trong đó cho vay chăn nuôi là 1.585 tỷ đồng và 273 tỷ đồng cho vay sản xuất thức ăn chăn nuôi. Căn cứ tình hình thực tế về mức độ thiệt hại cụ thể, đến nay tổng dư nợ bị thiệt hại được hỗ trợ là 605 tỷ đồng. Trong đó, cho vay mới 496 tỷ đồng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ 109 tỷ đồng, miễn giảm lãi vay 10 tỷ đồng. Đến ngày 22/12/2020, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 được các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 364 khách hàng, tổng dư nợ 1.017 tỷ đồng; dư nợ được miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 5.447 tỷ đồng với 1.800 khách hàng, số lãi được miễn giảm là 25,4 tỷ đồng; cho vay mới 17.208 tỷ đồng với 8.300 khách hàng.
Bà Đỗ Thị Thu Huê, Phó Giám đốc Công ty P. C, thành phố Phủ Lý cho biết: Doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng thêu mỹ nghệ, phần lớn sản phẩm phụ thuộc vào đối tác nước ngoài. Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất của công ty gặp khó khăn. Được Vietinbank Hà Nam cho vay mới, công ty đã kịp thời giải quyết các khoản chi phí nguyên liệu đầu vào, hoạt động của doanh nghiệp đã cơ bản ổn định. Mới đây, doanh nghiệp tiếp tục ký kết thêm một số hợp đồng mới phục vụ cho sản xuất năm 2021.
Tại Chi nhánh Agribank thị xã Duy Tiên, hiện tổng dư nợ cho vay do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 là 60,2 tỷ đồng với 7 khách hàng được vay vốn. Trong đó, khách hàng dư nợ lớn nhất là 35 tỷ đồng và thấp nhất là 500 triệu đồng. Theo báo cáo của chi nhánh, qua kiểm tra, đánh giá, tất cả khách hàng vay vốn đều đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, từng bước khôi phục sản xuất, bước đầu mang lại doanh thu khá.
Không chỉ thực hiện các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, từ đầu năm 2020 các TCTD luôn bám sát sự chỉ đạo của ngành, địa phương áp dụng mức lãi suất cho vay linh hoạt, phù hợp, nhất là các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên được hưởng ưu đãi về lãi suất, khách hàng ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19 gây ra. Tính đến ngày 22/12/2020, mức lãi suất cho vay từ 7%/năm trở xuống của các TCTD trên địa bàn đã giải ngân 7.225 tỷ đồng, chiếm 15,6%; từ 7 - 10% là 27.873 tỷ đồng, chiếm 60,2% tổng dư nợ.
Đặc biệt, thời gian qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các khu công nghiệp về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi lãi suất 0%/năm theo quy định của Chính phủ để trả lương ngừng việc cho người lao động. Hiện nay, chi nhánh làm việc với hơn 400 doanh nghiệp bằng các hình thức khác nhau, như: phỏng vấn trực tiếp, qua các kênh điện thoại, email, zalo dựa trên cơ sở bảo đảm đúng nguyên tắc, tránh bỏ sót đối tượng, ảnh hưởng quyền lợi của doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các TCTD trên địa bàn giảm so với những năm gần đây, nhưng năm 2020 Hà Nam vẫn là địa phương có mức tăng trưởng cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Hoạt động của các ngân hàng cơ bản an toàn, ổn định, đã khẳng định được vai trò "bà đỡ” của khách hàng vay vốn khi gặp khó khăn do đại dịch gây ra.
Phùng Thống