Tăng cường độ tin cậy trong sản xuất rau an toàn

Hà Nam hiện có khoảng 7.000 ha đất trồng rau. Thay đổi nhận thức trong sản xuất rau là một giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho loại cây trồng này.

Dự án “Tăng cường độ tin cậy trong sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc, giai đoạn 2016-2020” được thực hiện từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế JICA triển khai từ tháng 11/2016. Mục tiêu tổng thể của dự án đó là: Các sản phẩm cây trồng an toàn tại các mô hình thí điểm được tăng cường về mức độ an toàn và độ tin cậy.

Hai điểm được lựa chọn để triển khai mô hình ở Hà Nam là Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Hạ Vỹ, xã Nhân Chính (Lý Nhân) và HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp ở xã Thi Sơn (Kim Bảng). Sau đó, dự án mở rộng tại các xã: Thanh Sơn (Kim Bảng), Bình Nghĩa (Bình Lục), Thanh Tân (Thanh Liêm), Phù Vân (Phủ Lý) và thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân).  

Tăng cường độ tin cậy trong sản xuất rau an toàn
Đại diện người sản xuất, các nhóm hộ tham quan mô hình sản xuất rau an toàn tại HTX Nông sản an toàn Cát Lại (Bình Lục).

Trong quá trình thực hiện dự án, Ban quản lý Dự án JICA Trung ương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, tổ chức 03 khóa tập huấn tại Nhật Bản cho cán bộ Ban quản lý Dự án JICA của tỉnh; hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế và trang thiết bị, vật dụng phục vụ cho việc sơ chế đóng gói tại một số điểm; hỗ trợ tem nhãn mác, túi đựng sản phẩm. Các hộ nông dân tham gia dự án được tham gia tập huấn kỹ thuật về sản xuất rau an toàn, công tác phát triển thị trường… 

Ông Phạm Hoàng Hiệp, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp chia sẻ: HTX được dự án hỗ trợ ngay từ lúc mới chập chững đi vào hoạt động. Đến nay, chúng tôi đã vững vàng hơn trong tổ chức sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm (bắp cải, cà chua, dưa chuột, dưa hấu...). Từ lúc sản xuất không theo tiêu chuẩn, đến nay, HTX đã sản xuất rau đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, diện tích được mở rộng từ 1,5 lên 4 ha; áp dụng phủ màng phủ giảm chi phí đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm. Với kỹ thuật này, bắp cải được cấp nước từ từ, rau có vị đậm, giòn và ngon hơn. HTX đã có điều kiện phục vụ sản xuất đáp ứng được những đơn hàng khó tính. 

Để góp phần làm nên thành công của dự án, Ban quản lý Dự án JICA tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ các nhóm mục tiêu sản xuất rau 03 vụ trong năm và không lặp lại ở các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm cũng được thực hiện, như: phát tờ rơi quảng bá, giới thiệu về sản phẩm rau an toàn đến người tiêu dùng, hỗ trợ bao gói và 92.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 6 nhóm tham gia dự án, lấy 28 mẫu rau quả gửi đi kiểm nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm... Qua đó góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động thị trường trong chuỗi cung ứng rau, quả; giúp các hộ nông dân từng bước chuyển từ tiêu thụ nhỏ lẻ, tự phát sang bán hàng tập trung, có sự điều hành của HTX. 

Hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) tổ chức thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại tỉnh Hà Nam”, quy mô 10 ha, triển khai trong hai năm 2019 – 2020. Các hộ nông dân tham gia dự án được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về xử lý đất bằng nhiệt mặt trời, ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm sinh học, thử nghiệm lắp đặt và vận hành hệ thống tưới tự động, kỹ thuật sử dụng vòm che nilon, kỹ thuật sử dụng vải không dệt, kỹ thuật sản xuất một số loại rau an toàn theo GAP cơ bản.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) xây dựng 02 mô hình, diện tích 2 ha tại xã Liêm Túc (Thanh Liêm) và Thanh Sơn (Kim Bảng) áp dụng tiến bộ kỹ thuật màng phủ không dệt vào sản xuất rau, nhằm hạn chế sự phá hại của côn trùng và giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Hiệu quả kinh tế của mô hình tăng 1,9 lần so với việc gieo trồng truyền thống của người dân.

Theo đánh giá của Ban quản lý JICA tỉnh Hà Nam, sản lượng bình quân mỗi nhóm tham gia dự án khoảng 7,2 tấn/nhóm/tháng. Chất lượng sản phẩm tốt, độ đồng đều cao. Hiện nay, các nhóm đang cung cấp cho 14 đối tác, là các cửa hàng kinh doanh rau an toàn, các bếp ăn tập thể, công ty thu mua rau xuất khẩu... Giá bán rau bình quân từ 7-8 nghìn đồng/kg, cao gấp 1,7 lần so với thời điểm trước khi triển khai dự án, cao hơn 1,3 lần so với giá thị trường tự do. Trong vụ đông năm 2018-2019, nhóm tổ hợp tác tham gia dự án tại xã Thanh Tân sản xuất cà chua bán được giá từ 10-12 nghìn đồng/kg, bình quân mỗi hộ thu được hàng trăm triệu đồng. Sản xuất rau hiệu quả, diện tích sản xuất ở các mô hình đã được mở rộng. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, dự án đã đạt được những mục tiêu đề ra. Bài học rút ra trong quá trình thực hiện dự án, đó là: Phải có sản phẩm chất lượng (bao gồm sản phẩm hàng hóa và dịch vụ), có liên kết sản xuất tốt để hoàn chỉnh các khâu sản xuất - tiêu thụ có hợp đồng - mở rộng thị trường. Để phát triển ổn định, ngoài yêu cầu về sự đa dạng chủng loại sản phẩm, đẹp về mẫu mã, nông dân và các HTX cần có kế hoạch sản xuất, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Những kết quả dự án đạt được là một bước khởi điểm để Hà Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững với tất cả các mặt hàng nông sản trong thời gian tới. 

Tháng 4/2021, Dự án “Tăng cường độ tin cậy trong sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc, giai đoạn 2016-2020” sẽ kết thúc. Ban quản lý Dự án JICA tỉnh Hà Nam đề nghị các nhóm tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động sản xuất và bán hàng tập trung, sản xuất sản phẩm an toàn, khai thác có hiệu quả nhà sơ chế đã được dự án hỗ trợ, nâng cao năng lực cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. 

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy