Liêm Cần băn khoăn tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi

Sau hơn 3 tháng ghi nhận có dịch, đến ngày 18/7/2019, UBND huyện Thanh Liêm đã có quyết định công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn xã Liêm Cần. Tuy dịch bệnh bước đầu được khống chế, song chính quyền xã và cả người dân vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng về nguy cơ bùng phát bệnh dịch trở lại.

Khu chăn nuôi của hộ ông Trần Hồng Hải, thôn Ngũ Cõi, xã Liêm Cần thường xuyên được phun thuốc khử trùng tiêu độc.

Toàn xã Liêm Cần có hơn 100 hộ chăn nuôi lợn với quy mô vừa và nhỏ.  Tổng đàn lợn thời điểm ghi nhận xuất hiện DTLCP ở xã có khoảng 850 con. Theo báo cáo, toàn xã có 49 hộ chăn nuôi bị lây nhiễm DTLCP và phải tiêu hủy 496 con, tổng trọng lượng 33.242 kg. Trong thời gian có dịch, chính quyền và người dân trong xã đã thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh lây lan, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới, tiêu hủy số lợn bị mắc bệnh.

Đã qua những ngày căng thẳng gồng mình chống dịch, không còn các chốt kiểm dịch trên các tuyến đường lớn đi vào địa bàn xã, cuộc sống của người dân nơi đây đã bình yên trở lại và yên tâm hơn khi tiêu dùng các thực phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn. Dù vậy, với những hộ kinh doanh có liên quan, DTLCP vẫn gây tác động không nhỏ, đặc biệt là hoạt động kinh doanh của các đại lý cám luôn trong trạng thái bán cầm chừng, nhỏ giọt vì chăn nuôi lợn chưa được khôi phục trở lại.

Bà Nguyễn Thị Hòa, cán bộ phụ trách lĩnh vực xây dựng nông thôn mới ở xã chia sẻ: DTLCP đã “càn quét” từ những hộ chăn nuôi nhỏ đến những hộ chăn nuôi quy mô lớn. Nhiều hộ quyết tâm giữ đàn lợn bằng nhiều giải pháp, nhưng do nguồn lây nhiễm đa dạng, không thể xác định chính xác, vì vậy cuối cùng vẫn không bảo vệ được đàn lợn.

Ông Phạm Văn Độ, Chủ tịch UBND xã Liêm Cần khẳng định: Đến giờ, DTLCP vẫn ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người dân, nhất là đối với các hộ chăn nuôi lợn, thiệt hại về kinh tế chưa thể khắc phục. Mặc dù đã công bố hết dịch, nhưng người chăn nuôi vẫn hoang mang, lo lắng. Nhiều hộ sốt ruột vì để trống chuồng nhiều ngày, nhưng lại không biết đã nên tiếp tục đầu tư tái đàn hay chưa? Lúc nào dịch bệnh mới được khống chế hoàn toàn. Chúng tôi đã tuyên truyền đến các hộ dân về chủ trương không nên tái đàn lợn trong thời điểm này, nên chờ hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Các hộ có thể chuyển sang đầu tư chăn nuôi gia cầm, trâu bò, hoặc chuyển hẳn sang kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, dù còn lo ngại, song có hộ đã đầu tư nuôi lợn trở lại với quy mô nhỏ. Chính quyền xã đang theo dõi sát sao tình hình chăn nuôi trên địa bàn để tiếp tục hướng dẫn người dân phòng, chống dịch bệnh.

Tổng đàn lợn ở Liêm Cần không lớn, nhưng so với các xã trong huyện Thanh Liêm, Liêm Cần vẫn là xã chăn nuôi lợn phát triển. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong những năm qua đã làm cho tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp của xã thay đổi. Chăn nuôi lợn vẫn đóng một phần quan trọng đối với công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều nông dân xã Liêm Cần tỏ rõ sự lo lắng. Năm 2016, lợn mất giá khiến nhiều hộ thiệt hại nặng nề về kinh tế. Chưa ổn định trở lại thì DTLCP ập đến khiến cho niềm tin của người dân vào sự ổn định trong đầu tư nuôi lợn đang bị giảm mạnh.

Dịch bệnh chăn nuôi diễn biến phức tạp, thiệt hại kinh tế là điều không mong muốn, song đây là thời điểm thuận lợi để các địa phương tùy điều kiện cơ cấu lại ngành chăn nuôi phù hợp, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, hạn chế từng bước chăn nuôi nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường.

Với Liêm Cần, nếu không tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi nông hộ, thì sẽ làm gì để giải quyết việc làm cho người lao động? Ông Phạm Văn Độ phân trần: Điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ ở Liêm Cần vẫn còn. Lực lượng lao động trung niên tham gia sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp còn không ít. Nếu vận động người dân dừng ngay việc chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung e là không dễ, chuyển sang đầu tư phát triển sản xuất theo hướng khác thì không phải hộ nông dân nào cũng có điều kiện.

Thôn Ngũ Cõi là nơi có nhiều hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại do DTLCP. Sau một thời gian để trống chuồng, thời điểm này nhiều hộ vẫn nghe ngóng tình hình dịch bệnh.

Hộ ông Trần Hồng Hải là một trong số ít hộ ở thôn Ngũ Cõi thực hiện tái đàn lợn sớm nhất. Có 55 con lợn bị tiêu hủy do DTLCP, ông Hải cho biết: Tôi đã xác định được nguyên nhân đàn lợn bị nhiễm bệnh, đó là do tiếp xúc từ hoạt động bán thức ăn chăn nuôi của gia đình. Khi quyết định tái đàn, gia đình đã làm tốt khâu khử trùng tiêu độc. 5 lần phun thuốc khử trùng với thời gian cách ly bảo đảm, song tôi vẫn luôn lo lắng về khả năng bùng phát bệnh dịch trở lại. Hiện, khu chuồng trại của gia đình có thể nuôi từ 80-90 lợn thịt nhưng tôi mới chỉ nhập về 20 con lợn giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh.

DTLCP gây thiệt hại lớn về kinh tế. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương quan tâm thực hiện các giải pháp để bù lại một phần những tổn thất do DTLCP gây ra. Liêm Cần mong muốn tìm được giải pháp tốt nhất để thúc đẩy nông dân đầu tư chăn nuôi, sản xuất hiệu quả, thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy