Chiều 25/12, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án Xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” sản xuất theo chuỗi liên kết năm 2018-2019. Đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị.
Năm 2018, mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ "Sông trong ao" được triển khai thực hiện tại huyện Lý Nhân và Bình Lục. Năm 2019, mô hình được nhân rộng ra huyện Kim Bảng, Duy Tiên và thành phố Phủ Lý. Đến nay, toàn tỉnh có 9 mô hình, tổng diện tích ao nuôi 15,9 ha với 25 bể.
Trong quá trình thực hiện, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương khảo sát, thẩm định, lựa chọn các hộ tham gia mô hình. Đồng thời, hướng dẫn chuyển giao, theo dõi, chỉ đạo kỹ thuật. UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ, định mức 50% tiền mua cá giống, 30% tiền mua chế phẩm xử lý cải tạo môi trường, thuốc phòng ngừa chữa bệnh cho cá, với tổng kinh phí hỗ trợ 210,2 triệu đồng/mô hình, hình thức hỗ trợ sau đầu tư.
Mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” được thực hiện đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của đề án. Năng suất đạt từ 15-20 tấn/bể, 25-30 tấn/ha/vụ, cao gấp 4 lần so với cách nuôi truyền thống. Sản phẩm đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” khắc phục được tình trạng khó khăn về nguồn nước cấp cho chăn nuôi thủy sản, giảm tác động gây ô nhiễm môi trường nước, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Bên cạnh những kết quả đạt được, ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” cũng gặp phải một số khó khăn, nhất là yêu cầu diện tích ao, vốn đầu tư lớn, đòi hỏi chủ mô hình phải có trình độ kỹ thuật, quản lý, kinh doanh tốt.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, cũng như yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, Sở NN&PTNT đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp hướng dẫn trình tự, thủ tục chứng nhận nguồn gốc, chất lượng sản phẩm cho các hộ nuôi cá có đủ điều kiện về an toàn thực phẩm; các địa phương hướng dẫn duy trì hoạt động của các mô hình đã xây dựng. Sở NN&PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép các địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ xây dựng mô hình năm 2020 như cơ chế đã áp dụng trong năm 2018 và 2019, có cơ chế hỗ trợ nhân rộng mô hình.
Tại hội nghị, lãnh đạo một số địa phương, nông dân và HTX tham gia mô hình đã chia sẻ về kinh nghiệm trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao”.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương các địa phương và các hộ gia đình tham gia đề án; ghi nhận sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của HTX Thủy sản Xuyên Việt (Hải Dương) trong việc hỗ trợ các hộ nông dân và HTX thực hiện mô hình. Sau gần 2 năm thực hiện thí điểm đề án, mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” đã đem lại kết quả bước đầu tích cực, đảm bảo được chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế, kỹ thuật. Năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị sản xuất của mô hình vượt trội so với phương thức nuôi truyền thống.
Ghi nhận những kết quả đạt được, đồng chí Trương Minh Hiến cũng chỉ rõ hạn chế: Kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng về phát triển chăn nuôi thủy sản của tỉnh; công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương chưa quyết liệt nên hiệu quả nhân rộng mô hình chưa cao; số HTX thành lập mới trong lĩnh vực này còn ít.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí cao đề xuất của Sở NN&PTNT về việc tiếp tục thực hiện đề án trong năm 2020; khuyến khích các địa phương tổ chức cho nông dân tham quan mô hình tại các xã trong tỉnh; các huyện chủ động đăng ký số lượng mô hình sẽ xây dựng trong năm tới. Đồng chí Trương Minh Hiến giao cho các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí, cơ chế tiếp tục thực hiện đề án...
Bích Huệ - Mạnh Hùng
Bích Huệ - Mạnh Hùng