Khó khăn trong việc kiểm soát giết mổ động vật

Trong tháng 6 vừa qua, Chi cục Thú y Vùng 1 (Cục Thú y – Bộ NN & PTNT) đã tiến hành giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) thịt lợn và thịt gà tiêu thụ đợt 1 năm 2020 tại một số cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh. Xét nghiệm giám sát cho thấy, có trên 50% số mẫu không bảo đảm với một số chỉ tiêu về vi sinh vật và Salmonella. Điều này đặt ra vấn đề về bảo đảm vệ sinh thú y trong công tác giết mổ, khi mà việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đang gần như bị bỏ trống.

Theo ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở NN & PTNT), việc kiểm soát giết mổ động vật hiện nay đơn vị chỉ tập trung thực hiện tại Nhà máy chế biến thịt mát Meat Deli (Tập đoàn Masan) tại KCN Đồng Văn IV. Với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tư nhân gần như không thực hiện được.

Tìm hiểu tại thị xã Duy Tiên, nơi trước đây thực hiện mô hình kiểm soát giết mổ tại hộ ở phường Hòa Mạc, phường Tiên Nội, phường Châu Giang, xã Yên Nam và xã Trác Văn, với hơn 20 cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay, việc kiểm soát giết mổ tại hộ chỉ còn được duy trì ở phường Hòa Mạc với 2 hộ và phường Châu Giang 3 hộ. Thực tế, trên địa bàn thị xã Duy Tiên hiện có tổng số 67 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tư nhân đang hoạt động. Lượng thịt gia súc, gia cầm giết mổ hằng ngày không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân, một số cơ sở còn cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn của doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn với số lượng lên đến hàng nghìn công nhân.

Ông Phạm Đăng Khôi, Phó Trưởng phòng Kinh tế, thị xã Duy Tiên cho biết:  Số hộ và địa phương thực hiện kiểm soát giết mổ trên địa bàn giảm mạnh từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi đầu năm 2019, một phần do số cơ sở giết mổ tư nhân trên địa bàn giảm rất nhiều. Tính chung cả thị xã giảm đến 114 cơ sở giết mổ so với cuối năm 2018. 

Khó khăn trong việc kiểm soát giết mổ động vật
Một gian hàng bán thịt lợn ở chợ Bầu, thành phố Phủ Lý.

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NN & PTNT), hiện nay toàn tỉnh có gần 800 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tư nhân. Trước đây, việc kiểm soát giết mổ được thực hiện khá tốt trên địa bàn thành phố Phủ Lý và các xã trong mô hình giết mổ tại hộ của thị xã Duy Tiên. Tuy nhiên, hiện nay ngoài thị xã Duy Tiên còn duy trì kiểm soát giết mổ ở một số hộ, thành phố Phủ Lý đã ngừng thực hiện. Việc thực hiện kiểm soát giết mổ tại các cơ sở tư nhân đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì trở lại ở các điểm đã làm, chưa nói đến mở rộng ra toàn địa bàn.

Được biết, từ khi trạm thú y (trực thuộc Chi cục Thú y trước đây) chuyển về địa phương quản lý và thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp không còn chức năng kiểm dịch giết mổ động vật. Riêng thị xã Duy Tiên do đang thực hiện mô hình giết mổ tại hộ vẫn duy trì. Về phía Chi cục Chăn nuôi – Thú y, hiện nay do lực lượng cán bộ kiểm dịch mỏng, lại tập trung chính cho nhà máy giết mổ của Tập đoàn Masan nên không đủ lực lượng triển khai kiểm soát giết mổ tại các cơ sở tư nhân. Việc kiểm soát giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ cũng gặp khó khăn, do để kiểm soát được giết mổ, cán bộ thú y phụ trách phải đi làm từ 3 – 4 giờ sáng, đây là thời điểm thực hiện giết mổ gia súc, gia cầm. Trong khi đó, thù lao rất thấp do mức thu phí kiểm dịch theo đầu con (lợn, gia cầm) không đáng kể. Ngoài ra, địa bàn rộng, các hộ giết mổ động vật nằm rải rác; cán bộ thú y lại là nữ nên rất khó khăn trong việc đi làm quá sớm và di chuyển xa…

Việc tỷ lệ mẫu xét nghiệm giám sát tại các cơ sở giết mổ của Chi cục Thú y Vùng 1 vừa qua không đạt chất lượng ở mức cao là cảnh báo tình trạng mất vệ sinh ATTP tại khâu giết mổ trên địa bàn tỉnh. Điều này đòi hỏi cần phải tăng cường hơn nữa kiểm soát giết mổ tại các cơ sở tư nhân. Muốn làm tốt công việc này thì hiện nay yếu tố nhân lực được đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, việc giết mổ gia súc, gia cầm hầu hết nhỏ lẻ, rải rác tại các địa phương đang là hạn chế đáng kể cho công tác kiểm soát. 

Nên chăng Nhà nước cần có chính sách đưa công tác kiểm soát giết mổ thành dịch vụ công, có thể giao cho trung tâm dịch vụ nông nghiệp các địa phương thực hiện… Đồng thời, có biện pháp hình thành các điểm giết mổ tập trung tại mỗi xã nhằm bảo đảm vệ sinh thú y. Có như thế mới không để trống mảng kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm như hiện nay.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy