Theo số liệu tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do ảnh hưởng của bão số 3, tổng diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả bị ảnh hưởng hơn 9.154 ha. Trong đó, diện tích lúa mùa 8.519,6ha (3.021 ha lúa bị đổ rạp); cây rau màu 432 ha; cây ăn quả 203 ha (chuối). Ngoài ra, có hơn 1.000 cây ăn quả khác bị gãy, đổ.
Để khắc phục kịp thời ảnh hưởng của bão số 3, các địa phương trong tỉnh cần tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh những diện tích lúa đã chín, nhất là diện tích bị đổ, ngập. Đồng thời, tiêu thoát nước nhanh nhất có thể trên trục chính, kênh mương và nội đồng (rút nước dưới cổ bông, cổ đòng) để bảo vệ đối với các diện tích lúa còn lại chưa thể thu hoạch. Những diện tích lúa đã trỗ bị đổ nhưng chưa thể thu hoạch cần khẩn trương dựng lúa lên, buộc túm từ 3-5 khóm để bảo đảm tỷ lệ kết hạt. Diện tích lúa chưa trỗ bị đổ, ngập, cần rút nước, dựng lúa để tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển.
Đối với cây rau màu, vận động nông dân khẩn trương thu hoạch diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch; phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi. Trên cây ăn quả, tập trung hướng dẫn chăm sóc trở lại sau mưa bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại như: Cắt tỉa cành bị gãy, các cây bị đổ nghiêng cần dựng, chằng, chống; xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt, giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới.
Cùng với đó, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, thị xã, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trong tỉnh điều tra, theo dõi diễn biến của các đối tượng sâu, bệnh hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Mạnh Hùng