Xã Hoàng Tây (Kim Bảng) nằm trong vùng trũng, sản xuất nông nghiệp trước chủ yếu chỉ trông vào hai vụ lúa. Những năm gần đây, địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, trọng tâm là phát triển cây dưa chuột hàng hóa cho giá trị cao trên đất lúa. Hướng đi này góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác, đem lại nguồn thu chính cho nhiều hộ dân.
Cây dưa chuột tại Hoàng Tây được chính thức đưa vào sản xuất từ vụ đông năm 2008, với diện tích chưa nhiều. Khi đó, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Hoàng Tây đã tổ chức ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp (Công ty TNHH Hoàng Hương – Hải Dương) cho người dân. Ngay vụ sản xuất đầu tiên, cây dưa chuột đã cho thấy phù hợp với đồng đất địa phương, giá trị sản xuất từ cây dưa chuột vụ đông đem lại cao gấp 3 lần vụ lúa. Từ đó, cây dưa chuột tiếp tục được mở rộng, trở thành cây trồng chính trong vụ đông, diện tích tăng lên từ 5 đến 10 và hơn 20 ha mỗi vụ.
Khoảng 5 năm trở lại đây, cây dưa chuột tại Hoàng Tây có bước phát triển mới, khi được trồng ở cả vụ xuân, vụ hè thu và vụ đông có tổng diện tích lên đến 80 ha. Trong đó, vụ đông trồng 55 ha, vụ xuân 15 ha, vụ hè thu 10 ha. Ở cả 5 thôn trong xã người dân đều tham gia trồng dưa chuột song song với cấy lúa. Nhiều hộ đã lựa chọn trồng dưa chuột trở thành nghề chính với diện tích từ 5 – 7 sào/hộ/vụ trở lên. Một số hộ mượn thêm ruộng trồng hơn 1 mẫu dưa chuột/vụ.
Như hộ chị Bùi Thị Hiền, thôn Yên Lão có 2 lao động luôn duy trì trồng 7 sào dưa chuột/vụ. Chị Hiền cho biết: Hai vợ chồng chị đều gần 60 tuổi nên lựa chọn trồng dưa chuột để phát triển kinh tế gia đình. Gần 10 năm tham gia trồng, cây dưa cho giá trị sản xuất và thu nhập khá ổn định, chưa bao giờ thua lỗ.
Thực tế sản xuất cho thấy, giá trị đem lại từ cây dưa chuột vượt trội so với cấy lúa trước đây. Do phù hợp với đồng đất nên năng suất dưa chuột luôn được bảo đảm hàng vụ. Người dân lựa chọn trồng loại dưa quả to (cả phục vụ chế biến xuất khẩu và dưa bán chợ) đều đạt khoảng 2 tấn quả/sào/vụ. Giá trị sản xuất bình quân đem lại 8 – 10 triệu đồng/sào/vụ, trừ chi phí còn lãi 6 – 8 triệu đồng. Đặc biệt, cây dưa chuột vụ hè thu đạt giá trị cao hơn, bình quân trên 10 triệu đồng/sào (do ít có địa phương sản xuất). Với những hộ trồng 7 sào dưa chuột như chị Hiền thu được lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/vụ. Cũng theo chị Hiền: Trồng dưa chuột như hiện nay công lao động không thua kém đi làm công nhân, thời gian lại thoải mái do mình chủ động.
Ông Vũ Văn Khuynh, Giám đốc HTXDVNN Hoàng Tây cho biết, để trồng cây dưa chuột trên đất lúa cả 3 vụ trong năm, khâu tổ chức sản xuất luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của HTX. Theo đó, hàng vụ các vùng sản xuất cây dưa chuột đều được quy hoạch gọn ở những nơi có cốt đất cao thuận lợi tưới tiêu, giao thông đi lại (dưa chuột không được trồng cố định mà luân chuyển các diện tích khác nhau mỗi vụ). Hệ thống thủy lợi cũng được đầu tư nạo vét, khơi thông dòng chảy hàng vụ đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu khắt khe của loại cây trồng này. Khi có mưa úng xảy ra, HTX sử dụng máy bơm điện dã chiến hỗ trợ người dân tiêu nước cục bộ trên vùng sản xuất. Hằng vụ, HTXDVNN Hoàng Tây đều ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp cho người dân theo giá ổn định cả vụ. Đồng thời, hướng dẫn nông dân kỹ thuật sản xuất, phòng trừ sâu, bệnh cho cây dưa chuột. Ngay với diện tích trồng dưa chuột thương phẩm HTX đóng vai trò điều tiết để không xảy ra tình trạng tranh mua, bán trên địa bàn…
Do đó, diện tích sản xuất dưa chuột chuyển đổi trên đất 2 lúa tại Hoàng Tây luôn được duy trì và phát triển. Giá trị sản xuất trên đồng ruộng của xã Hoàng Tây nhờ đó được nâng lên, đạt bình quân 120 triệu đồng/ha/năm. Những diện tích trồng dưa chuột đạt 180 – 200 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập và đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Mạnh Hùng