Hiệu ứng tích cực từ việc đưa cơ giới vào đồng ruộng

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không chỉ thay thế sức lao động thủ công, đáp ứng yêu cầu thời vụ, giảm chi phí, nâng cao năng suất lúa, cây trồng mà còn góp phần thay đổi tư duy của người nông dân sản xuất trên đồng ruộng; thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác.

Từ chủ trương đúng đắn

Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 8/4/2016 của Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn 2035” đặt mục tiêu, đến năm 2020 cơ giới hóa trong sản xuất ở khâu làm đất đạt 100%, thu hoạch 50%, gieo trồng 60%, bảo quản chế biến 50%; đến năm 2025 thu hoạch 80%, gieo trồng 80%, bảo quản chế biến 50%; tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu của sản xuất nông nghiệp gắn với đẩy mạnh chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ. Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” cũng nhấn mạnh đến năm 2025 tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa: Thu hoạch đạt 90%, gieo trồng đạt 60%, bảo quản chế biến đạt 50%; đến 2030 tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa: Thu hoạch đạt 95%, gieo trồng đạt 70%; bảo quản chế biến đạt 60%...

Trước đó, từ năm 2010, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh đã bố trí nguồn vốn lồng ghép hỗ trợ các địa phương đầu tư máy móc cơ giới. Đến năm 2011, thực hiện Quyết định 15/2011/QĐ-UBND ngày 24/5/2011 của UBND tỉnh “Ban hành Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các xã xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2015 tỉnh Hà Nam”, nguồn vốn hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Theo quyết định, hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp cho các địa phương xây dựng NTM, kinh phí mỗi xã không quá 1,5 tỷ đồng, bao gồm:  Máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, máy sạ hàng... Mức hỗ trợ các loại máy cũng có quy định cụ thể. Việc hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các xã xây dựng NTM được điều chỉnh và tiếp tục được triển khai trong các năm tiếp theo.

 Năm 2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 20/4/2022 “Ban hành Quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam”. Quyết định quy định điều kiện và mức hỗ trợ máy móc, cơ giới trong sản xuất nông nghiệp, gồm: Máy cấy, máy cuộn rơm, hệ thống giàn gieo khay mạ tự động phục vụ cấy máy, máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật... Nhờ đó, máy móc cơ giới nông nghiệp đã được các địa phương, người dân đầu tư đồng bộ, hiệu quả. Chỉ tính riêng lượng máy nông nghiệp được hỗ trợ từ năm 2010 – 2020 toàn tỉnh được 449 chiếc, gồm: 189 máy làm đất, 228 máy gặt đập liên hợp, 32 máy cấy động cơ. Hiện nay, chỉ tính riêng máy cấy động cơ tại tỉnh có khoảng hơn 100 chiếc và hàng trăm máy cá nhân cầm tay…

Ông Trương Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) cho biết: Có được sự lãnh đạo đúng đắn và cơ chế hỗ trợ phù hợp của tỉnh thời gian qua đã đẩy mạnh đưa cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng. Hiện máy móc cơ giới được đầu tư đã trở thành chủ lực, thay thế cơ bản lao động thủ công ở nhiều khâu sản xuất; từng bước đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất trên đồng ruộng.

Sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa tại xã Thi Sơn (Kim Bảng). Ảnh: Kim Chi

Những chuyển biến tích cực trên đồng ruộng

Cơ giới hóa được đưa vào đã thay đổi căn bản sản xuất trên đồng ruộng của tỉnh. Với 2 vụ lúa, máy móc cơ giới được đưa vào tất cả các khâu sản xuất thay thế sức người. Cụ thể, khâu làm đất được thực hiện 100% diện tích bằng máy, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đạt trên 90% diện tích, lúa cấy bằng máy đạt gần 17% diện tích…

Các địa phương đang tiếp tục áp dụng phương pháp phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay điều khiển từ xa và mở rộng diện tích sản xuất sử dụng máy ở các khâu khác. Đặc biệt, khâu thu hoạch vốn được coi là nặng nhọc, cần nhiều lao động nếu làm thủ công và kéo dài thời gian, hiện máy gặt đập liên hợp đã thay thế cơ bản sức người. Tiền công dịch vụ thu hoạch bằng máy xoay quanh 100 – 110 nghìn đồng/sào. Thời gian thu hoạch chỉ mất 10 phút/sào, người dân chỉ mang bao đựng và nhận thóc về phơi bảo quản.

Bác Phạm Thị Thơm, thôn Quang Thừa, xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) chia sẻ: Gia đình bác cấy 4 sào ruộng và đã dồn đổi còn 1 thửa, khi máy gặt đập liên hợp được đưa vào chỉ cần mang bao ra ruộng chờ máy gặt xong trong khoảng hơn 30 phút thuê xe chở về. Trước đây, khi thu hoạch thủ công bác phải mượn thêm 3 lao động gặt trong 2 ngày và chờ đợi thuê máy tuốt mất thêm 1 buổi. Tiền công thuê lao động và thuê máy tuốt cao hơn máy gặt hiện nay.

Cùng với cơ giới hóa trong thu hoạch thì việc cơ giới hóa trong gieo cấy cũng đang được đẩy mạnh. Hiện nay, máy cấy đã được áp dụng và mở rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Hiệu quả của đưa máy cấy vào đồng ruộng được thể hiện rõ qua việc giải quyết lao động thời vụ. Tại các địa phương, người dân phải thuê công cấy lên đến 350 – 450 nghìn đồng/sào, vẫn phải mất công làm đất, gieo, chăm sóc và nhổ mạ đưa ra ruộng. Với việc áp dụng phương pháp cấy máy chi phí hết khoảng 300 nghìn/sào gồm cả giống lúa, gieo, chăm sóc mạ khay và công cấy. Thời gian cấy bằng máy được đẩy nhanh, 1 máy cấy bình quân có công suất cấy 3 – 5 ha/ngày. Khi áp dụng cơ giới hóa vào khâu gieo cấy năng suất lúa tăng 15 – 20% so với lúa gieo thẳng, tương đương giá trị 7 – 10 triệu đồng/ha/vụ. Đồng thời, giảm từ 1 – 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với lúa gieo thẳng. Cùng với khâu gieo cấy, khâu phun thuốc bảo vệ thực vật đang được mở rộng qua hàng vụ...

Có thể khẳng định, máy móc cơ giới đã tạo hiệu ứng tích cực trên đồng ruộng. Nhiều mô hình tập trung ruộng đất đưa máy móc cơ giới vào sản xuất được hình thành tại các địa phương. Đây cơ bản là những mô hình sản xuất lúa hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp giúp nâng cao giá trị.

Theo ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN & PTNT), đưa cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng là yêu cầu tất yếu giúp thúc đẩy sản xuất trên đồng ruộng phát triển. Về chi phí sản xuất khi áp dụng máy móc cơ giới giảm chi phí trung bình từ 20 – 30% so với thuê lao động thủ công. Hiện, Trung tâm Khuyến nông đang tiếp tục xây dựng các mô hình cơ giới hóa đồng bộ hướng đến mở rộng và đạt được mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy