kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Một ngày ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên

Một ngày ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên

Tháng Bảy năm nay nắng nóng, mưa nhiều! Mưa trải rộng cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Khách ở mọi nơi về thăm Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên bắt đầu đông từ giữa tháng 7. Có ngày có hàng chục đoàn đến thăm, “Thế nhưng năm nay các bác thương binh buồn lắm, tâm trạng lắm! Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm cho các bác không còn vui vẻ như mọi năm...”.

Thương binh Nguyễn Văn Lục ngồi đăm chiêu ở cửa phòng. Ông buồn bã nói với tôi: “Bác Trọng mất hôm 19 vừa rồi, ngày hôm đó có nhiều đoàn đến trung tâm thăm chúng tôi. Cũng từ lúc được tin bác mất, dường như trong ai cũng có một khoảng trống không thể lấp đầy. Sinh hoạt ở trung tâm cũng không ồn ào như mọi khi. Chúng tôi ngồi cạnh nhau, chẳng nói chuyện gì ngoài chuyện về bác. Tiếc thương vô cùng... Ông trời cũng như thấu hiểu tâm trạng của nhân dân hay sao, mưa sụt sùi mấy ngày qua”. Ông Lục quê ở Ba Vì. Năm 19 tuổi, ông vào bộ đội, tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam Bộ, chống Khmer Đỏ và bị thương khi tham gia trận đánh ở chợ Xa Mát (Tây Ninh), bên bờ sông Vàm Cỏ vào cuối tháng 12/1978. Tháng 12/1980, ông được đưa về điều trị, ăn dưỡng tại trung tâm, sau đó lập gia đình, sinh con và gắn bó với mảnh đất Yên Nam này.

Tôi hỏi thương binh Nguyễn Văn Lục chuyện gia đình, vợ con của ông cốt để phá vỡ sự im lặng. Ông kể: Lúc tôi về trại (tên gọi của trung tâm lúc đó) khá đông thương binh. Vì chỉ có ở trại mới có điện,  trên lại sắm cho trại vô tuyến để anh em xem phim, thời sự. Bà con nhân dân ở quanh đây không có điện, thường vào đây xem nhờ. Trong số đó có nhiều cô gái làng chưa chồng, gặp chúng tôi, cảm mến nhau. Tôi cũng gặp vợ tôi bây giờ, nhà ở dưới khu chợ Đệp. Một năm sau ngày quen nhau, chúng tôi kết hôn. Đó là năm 1986. Cho đến bây giờ, ăn ở với nhau 40 năm trời, tôi rất hạnh phúc và coi đất Yên Nam này là quê hương của tôi!

Các thương binh ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên rất buồn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chuyện tình của thương binh ở trung tâm này như vậy, giản dị và chân tình. Thương binh Phạm Minh Liên, người tham gia hai cuộc chiến chống Mỹ và chống Khmer Đỏ. Sau khi bị thương cũng được đưa về đây, gắn bó với trung tâm mấy chục năm nay. Ông Liên nói rằng, con gái Yên Nam có rất nhiều cô lấy chồng là thương binh. Tình cảm các cô ấy dành cho thương, bệnh binh rất đặc biệt. Ông Lục cũng khẳng định: “Con gái ở đây rất đặc biệt. Họ đến với thương binh tự nhiên, bằng tình cảm chân thành, yêu thương và chia sẻ. Tất nhiên, với anh em thương binh cũng vậy, khi gặp gỡ các cô ấy, phải tìm hiểu, thực sự cảm thấy yêu thương nhau mới cưới...”.

Gần 70 năm được thành lập, trung tâm là mái nhà hạnh phúc của hàng trăm thương, bệnh binh, cán bộ, nhân viên phục vụ. Thời điểm thương, bệnh binh được điều dưỡng đông nhất ở trung tâm lên tới gần 800 người với vài trăm cán bộ, nhân viên phục vụ. Các thương, bệnh binh quê quán rải rác ở các tỉnh thành trong cả nước, thương tật nặng, hạng ¼, liệt hoàn toàn hai chi hoặc mù hai mắt. 

Bác sỹ Đoàn Văn Kiện, Phó Giám đốc phụ trách về y tế, người đã gắn bó với đơn vị 32 năm chia sẻ: Thời gian qua, mặc dù được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để chăm sóc, phục vụ những người đã hy sinh, cống hiến một phần thân thể của mình cho nền độc lập, tự do, hòa bình của đất nước, nhưng trung tâm vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đời sống của thương, bệnh binh và cán bộ, nhân viên với đồng lương, trợ cấp ít ỏi, eo hẹp... Do ảnh hưởng của vết thương cột sống, hỏng 2 mắt, cụt 2 chi nên hằng ngày thương, bệnh binh rất cần tới sự chăm sóc, giúp đỡ 24/24 giờ của y, bác sĩ, hộ lý và cán bộ, nhân viên trong toàn trung tâm. Hơn nữa, tuổi đời thương binh cao, tình trạng thương tật nặng, diễn biến  ngày càng phức tạp, khi trái nắng trở trời vết thương cũ hay tái phát, đòi hỏi chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên, tích cực. Trong khi đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chăm sóc, điều trị, sinh hoạt hằng ngày cho thương, bệnh binh còn hạn chế.

Công việc một ngày của cán bộ, nhân viên trung tâm bắt đầu từ 6h sáng. Đội ngũ hộ lý, nhân viên y tế đến các phòng thương binh dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị ăn sáng cho các bác có nhu cầu, sau đó là thăm khám sức khỏe cho các thương binh bị ốm, có bệnh nền cần chăm sóc đặc biệt. Những thương binh nào không ăn cơm nhà bếp, nhân viên trung tâm sẽ chuẩn bị thực phẩm sẵn để các bác tự chế biến theo khẩu vị của mình. Buổi chiều, nhân viên trở lại phòng dọn dẹp, vệ sinh bát đũa, đồ dùng, giặt quần áo  cho các bác...

Bác sỹ Đoàn Văn Kiện cho biết, hiện tại trung tâm có 3 phòng chức năng, trong đó phòng y tế có 16 cán bộ, nhân viên, chiếm gần 50% quân số cán bộ, nhân viên đơn vị, có trình độ từ cao đẳng trở lên. Nhiều người là con em thương binh. Việc chăm sóc, điều trị cho thương binh chỉ dừng lại ở mức độ nhất định, khi các bác bệnh nặng, cần đến kỹ thuật chuyên sâu, trung tâm sẽ đưa các bác đến các bệnh viện lớn như 103 hay bệnh viện 108 để phục vụ.  Tình cảm của đội ngũ nhân viên y tế với các bác thực sự gắn bó. Chúng tôi hiểu rõ tâm tính từng người, hoàn cảnh từng người. Vậy nên, giữa thương binh và y bác sỹ, nhân viên phục vụ giống như cha mẹ và con cái. Bác sỹ Kiện nói: “Bản thân tôi luôn coi các bác ấy là cha mẹ mình. Nhiều lần cảm xúc của họ thay đổi, có những biểu hiện thất thường, mắng mỏ chúng tôi, nhưng tôi luôn nghĩ, cha mẹ mắng chửi con cái là chuyện bình thường, có gì đâu mà bận tâm chứ!”.

Một ngày ở trung tâm, theo dõi các hoạt động của thương binh và cán bộ, nhân viên nơi đây mới thấy, cuộc sống khá bình dị, nhưng lại ngập tràn yêu thương. Ông Phan Minh An, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng Tổ chức hành chính của trung tâm tất bật tiếp khách. 35 năm gắn bó với công việc ở đây, ông An dành mọi tình cảm kính trọng nhất, thân ái nhất cho các bác thương, bệnh binh. Ông bảo, từ vài trăm thương binh giờ trung tâm chỉ còn 55 người. Tôi luôn tự hào, đây là nơi nhận được rất nhiều sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đó là đơn vị chăm sóc, điều dưỡng thương binh đầu tiên của cả nước được xây dựng, đầu tư hiện đại với 5 toà nhà 2 tầng kiên cố, có nhà máy nước riêng, trạm điện cao thế riêng. Tuy nhiên, vô vàn khó khăn chúng tôi đã vượt qua, để hôm nay các bác, các cô, các chú thương binh còn sống tiếp tục hưởng trọn niềm vui, niềm hạnh phúc được bù đắp... Tháng 7 năm nay thật buồn. Mấy ngày qua, các đoàn đến thăm, tặng quà thương binh và trung tâm đông như mọi năm, nhưng các bác ai cũng mang một tâm trạng khó tả vì sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều bác bật khóc khi xem ti vi, nghe đài hay lướt mạng xã hội...

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy