Hiệu quả của những mô hình phát triển kinh tế tập thể ở Lý Nhân

Thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lý Nhân đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chủ động liên kết thành lập các tổ hợp tác, tổ, chi hội nghề nghiệp. Mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần làm thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho hội viên.

Cơ sở sản xuất đồ gỗ của gia đình anh Nguyễn Vũ Thiện, thành viên Tổ hợp tác đồ gỗ dân dụng, xã Nhân Khang (Lý Nhân) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình Tổ hợp tác đồ gỗ dân dụng xã Nhân Khang được thành lập từ năm 2017 với 10 thành viên là những hộ sản xuất đồ gỗ tại thôn 1 và thôn 5. Trước đây khi chưa có tổ hợp tác do thiếu vốn, quy trình sản xuất nhỏ lẻ nên sản phẩm của các hộ khá đơn điệu, khó cạnh tranh với thị trường, dẫn tới thu nhập thấp. Sau khi tổ hợp tác thành lập được hỗ trợ vốn vay, khoa học kỹ thuật (KHKT) và đầu ra cho sản phẩm đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như giá trị thu nhập cho các thành viên. 

Anh Nguyễn Vũ Thiện, một thành viên trong tổ hợp tác chia sẻ: Trước đây, do thiếu vốn để đầu tư máy móc cũng như nguyên vật liệu sản xuất nên mỗi năm gia đình tôi chỉ có thể sản xuất khoảng 10 bộ trường kỷ và 50-60 bộ bàn ghế các loại, thu nhập khoảng 80-100 triệu đồng/năm. Sau khi tham gia tổ hợp tác, được vay gần một tỷ đồng để đầu tư máy móc, nguyên liệu sản xuất nên hiện nay cơ sở sản xuất của tôi trung bình mỗi năm suất ra thị trường từ 250-300 bộ trường kỷ, bàn ghế các loại, cho doanh thu trên 2 tỷ đồng, trừ chi phí cho lãi 300-350 triệu đồng/năm. Ngoài ra, cơ sở sản xuất của tôi còn giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 5-7 lao động địa phương với mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Đức Minh, Tổ trưởng Tổ hợp tác đồ gỗ dân dụng Nhân Khang cho biết: Việc thành lập tổ hợp tác đã tạo ưu thế cạnh tranh hơn so với sản xuất nhỏ lẻ. Ngoài việc được hỗ trợ vốn ưu đãi sản xuất, các thành viên còn có cơ sở pháp lý để vay vốn ngân hàng mở rộng sản xuất, kinh doanh mà không cần tài sản thế chấp như trước đây. Khi có vốn, ngoài việc đầu tư máy móc hiện đại, các thành viên còn tập trung mua gỗ nguyên liệu với khối lượng lớn đã giúp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh và luôn bảo đảm cung ứng sản phẩm với số lượng ổn định. Hiện nay, trung bình mỗi năm tổ hợp tác cung cấp hàng nghìn sản phẩm gỗ ra thị trường với doanh thu khoảng 20 tỷ đồng và thường xuyên giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương...

Cũng thành lập từ năm 2017, Tổ hội trồng bưởi theo quy trình VietGap xã Chính Lý có 27 thành viên tham gia với diện tích 10 ha. Đến nay, tổ hội đã phát triển với 39 thành viên tham gia trồng 35 ha. Tính trung bình mỗi năm, tổ hội cung cấp ra thị trường từ 350 – 400 tấn bưởi các loại, ước doanh thu đạt 8 tỷ đồng, trừ chi phí cho lãi từ 2,5- 3 tỷ đồng. Khi thành lập, tổ hội được Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh cho vay vốn ưu đãi 1,2 tỷ đồng, hỗ trợ về KHKT, xây dựng thương hiệu sản phẩm. 

Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch HND xã Chính Lý cho biết: Việc trồng bưởi ở địa phương đã được một số hộ đưa vào trồng từ lâu, song chủ yếu là thâm canh theo phương pháp truyền thống, hiệu quả chưa cao. Sau thi thành lập tổ hội, được hỗ trợ vốn sản xuất và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật đã góp phần tăng năng suất và giá trị thu nhập cho các thành viên.

Với mục đích tạo điều kiện cho nông dân sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, hằng năm, HND huyện đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất trong nhiều lĩnh vực phù hợp với từng địa bàn, ngành nghề được xác định là thế mạnh tại địa phương. 

Bên cạnh việc giao chỉ tiêu cụ thể và lấy đó làm thước đo để phân loại, bình xét thi đua hằng năm, HND huyện còn chỉ đạo các cơ sở hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT và hệ thống loa truyền thanh của xã. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành chức năng tìm nhiều giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tập thể. 

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, các cấp HND trong toàn huyện đã thành lập được 36 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 5 tổ hợp tác, 31 tổ, chi hội nghề nghiệp với sự tham gia của 1.114 thành viên. Các mô hình chủ yếu trồng cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và dịch vụ thương mại với số vốn ban đầu từ 100 triệu đến 2 tỷ đồng. 

Cũng từ năm 2017 đến nay, các cấp hội đã tín chấp với các ngân hàng cho 1.002 thành viên vay tổng số 86,7 tỷ đồng và hơn 3 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân; phối hợp tổ chức 168 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT thu hút trên một nghìn lượt thành viên tham gia; cung cấp trên 600 tấn phân bón trả chậm các loại cho các thành viên. Ngoài ra, HND huyện còn phối hợp đưa 6 mô hình đi tham quan các hội chợ, phiên chợ trong và ngoài tỉnh để tạo cơ hội giúp hội viên nông dân quảng bá thương hiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bà Trần Minh Huệ, Chủ tịch HND huyện cho biết: Mô hình kinh tế tập thể do HND huyện thành lập bước đầu phát huy hiệu quả và mang nhiều lợi ích cho nông dân. Tham gia mô hình, hội viên được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tiếp cận với kiến thức KHKT để ứng dụng vào sản xuất. Để mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia, HND huyện sẽ chủ động trong việc liên kết “4 nhà” nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nông dân phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức tập thể.

Trần  Ích

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy