Thời gian gần đây, giá lợn hơi xuất chuồng đang tăng trở lại, người chăn nuôi có lãi hơn so với trước. Cùng với đó, dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi đang từng bước được kiểm soát hiệu quả. Những tín hiệu vui đó là cơ hội để đàn lợn của tỉnh phục hồi và phát triển.
Trang trại chăn nuôi của anh Phạm Đăng Hồng Minh, thôn Đồng Tâm, xã Đồng Du (Bình Lục) có quy mô nuôi hơn 100 lợn nái và trên 1.000 lợn thịt. Đây là một trong số không nhiều trang trại chăn nuôi hộ gia đình quy mô lớn của tỉnh hiện nay. Từ khi giá lợn hơi xuất chuồng tăng ở mức 68 – 70 nghìn đồng/kg, anh Minh đã xuất bán được 250 con lợn thịt có trọng lượng hơn 100 kg/con, thu được lợi nhuận cao. Được biết, trang trại của anh Minh chăn nuôi theo mô hình khép kín, từ phát triển đàn lợn nái tự sản xuất con giống chuyển sang nuôi lợn thịt.
Từ khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7/2022, giá lợn hơi xuất chuồng trên thị trường tăng lên xung quanh 68 – 70 nghìn đồng/kg, có ngày đạt 73 – 75 nghìn đồng/kg, cao nhất đối với lợn hơi xuất chuồng trong khoảng 3 năm trở lại đây. Theo tính toán, để nuôi được con lợn thịt có trọng lượng 100 kg, cần chi phí khoảng 5 triệu đồng, gồm: 3,5 triệu đồng tiền thức ăn, 800 nghìn – 1 triệu đồng tiền giống, 500 nghìn tiền thuốc thú y, điện, nước và chi phí một phần hao hụt (nếu có). Như vậy, trừ mọi chi phí, người chăn nuôi còn lãi khoảng 1,5 triệu đồng/100 kg (gồm cả công lao động).
Điều đáng mừng là giá lợn hơi xuất chuồng tăng cao, nhưng giá lợn giống vẫn duy trì khá ổn định, chủ yếu do phần lớn các hộ nuôi đều chủ động được con giống. Đây là yếu tố để chăn nuôi lợn thịt có khả năng phát triển trở lại. Những hộ không tự sản xuất được con giống vẫn có thể tái đàn với mức đầu tư hợp lý.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, sau thời gian dài triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, người chăn nuôi cơ bản đều có kinh nghiệm. Đơn cử, hệ thống chuồng trại hiện nay được khử trùng, tiêu độc định kỳ bằng vôi bột, hóa chất. Với các trang trại quy mô tập trung, việc cách ly được thực hiện gần như tuyệt đối, chỉ những người trực tiếp chăm sóc mới vào chuồng và không tiếp xúc các nguồn bệnh từ bên ngoài.
Chăn nuôi lợn hiện nay đã có sự thay đổi đáng kể theo quy mô trang trại, gia trại, giảm việc nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ. Cụ thể, hiện toàn tỉnh có 9 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn, 120 trang trại quy mô đàn trên 300 con và hơn 720 trang trại, gia trại có quy mô đàn từ 50 – 300 con. Sau đợt giá lợn thịt giảm sâu năm 2017 – 2018 và dịch tả lợn châu Phi đỉnh điểm năm 2019 đã có đến 10 nghìn hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trong tỉnh chuyển sang nuôi các đối tượng gia súc, gia cầm khác hoặc chuyển đổi nghề. Do vậy, chăn nuôi lợn được phục hồi và phát triển theo hướng tập trung, thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi hiện nay đang được thử nghiệm trên diện rộng, dự kiến đưa ra thị trường trong thời gian tới. Đây là vấn đề được người chăn nuôi lợn mong chờ vì giúp bảo đảm việc phòng, chống dịch được bền vững.
Theo ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chăn nuôi lợn hiện nay đang có tín hiệu khởi sắc cho người chăn nuôi từ chi phí con giống đầu vào, giá lợn hơi xuất chuồng đến phòng, chống dịch bệnh. Về phía đơn vị, khuyến cáo người dân việc phục hồi chăn nuôi lợn cần tuân thủ chặt chẽ biện pháp an toàn sinh học, nhất là kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.
Thực tế, đã có thời điểm chăn nuôi lợn gặp nhiều bất lợi do giá bán xuống thấp, dịch bệnh diễn biến phức tạp… Đặc biệt, từ đầu năm 2021 giá thức ăn liên tục tăng cao lên trên 30% so với trước. Vì thế, những yếu tố thuận lợi nhất là giá lợn hơi tăng đối với chăn nuôi lợn hiện nay là cơ hội để phát triển đàn. Vấn đề chính là người dân cần theo dõi sát sao diễn biến thị trường, giá cả, phát triển đàn lợn phù hợp trong điều kiện, khả năng có thể. Cùng với đó, thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh để chủ động phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả.
Mạnh Hùng