Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm

Hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa ẩm là điều kiện để dịch cúm gia cầm có cơ hội phát sinh và lây lan. Bộ NN & PTNT đã có công điện khẩn gửi các địa phương về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.

Để nắm rõ về tình hình chăn nuôi, dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng chống trên đàn gia cầm của tỉnh, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT xung quanh vấn đề này.

Lượng hóa chất được nhập về cấp cho các địa phương trong tháng khử trùng tiêu độc.

P.V: Xin ông cho biết tình hình chăn nuôi cũng như diễn biến dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh thời             gian qua?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Chăn nuôi gia cầm của tỉnh thời gian qua phát triển mạnh cả về số hộ chăn nuôi và quy mô đàn. Hiện tổng đàn gia cầm của tỉnh đạt 6,8 triệu con, tăng khoảng 10% so với năm 2018. Điều này xuất phát từ tác động của dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã chuyển sang nuôi gia cầm. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập được một số HTX chuyên ngành chăn nuôi gia cầm như tại xã Bình Nghĩa, Tiêu Động (Bình Lục)… 

Cùng với phát triển đàn, người chăn nuôi gia cầm đã thực hiện khá tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Phần lớn các hộ tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi từ chăm sóc, đến tiêm phòng các loại vắc - xin, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi… Do vậy, trong 2 năm 2018 và 2019 trên địa bàn tỉnh không xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1. Đây là thành công rất lớn trong phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này, nhất là khi vi rút cúm có thể lây   sang người.

Tuy nhiên, nguy cơ dịch cúm gia cầm xuất hiện trở lại rất cao. Đặc biệt, theo thông tin từ Bộ NN & PTNT dịch cúm gia cầm đã có ở nhiều nước trên thế giới, nhất là tại Trung Quốc xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1 từ tháng 1/2020. Với nước ta, trong tháng 1/2020 đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại tỉnh Quảng Ninh sang đầu tháng 2 chưa qua 30 ngày. Hay trong năm 2019 đã có 24 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1 và H5N6.

P.V: Để phòng chống dịch cúm gia cầm, ngành NN & PTNT đã triển khai những biện pháp gì thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Để phòng chống dịch cúm gia cầm, Sở NN & PTNT đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dịch cúm gia cầm, khả năng nguy hiểm có thể lây sang người. Người dân cần áp dụng nghiêm ngặt những biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là vệ sinh tốt chuồng trại, nơi chăn thả gia cầm tập trung; khi tái nhập đàn con giống được mua tại những cơ sở có uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Với chính quyền các địa phương chủ động giám sát dịch ngay từ cơ sở, triển khai những biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy trình kỹ thuật theo chỉ đạo của Bộ NN & PTNT. Quan trọng nhất là cần  tránh tư tưởng chủ quan trong một bộ phận cán bộ và người dân do trong thời gian khá dài trên địa bàn tỉnh không có dịch cúm gia cầm. Khi xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm thực hiện ngay biện pháp bao vây, khoanh vùng dập dịch không để lây lan ra diện rộng.

Về phía ngành chuyên môn, sẽ phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, nhất là chăn nuôi an toàn sinh học cho người dân. Cùng với đó,  thường xuyên lấy mẫu  giám sát lưu hành vi rút cúm trên đàn gia cầm của tỉnh để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống…

P.V: Theo kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh, tiêu độc, khử trùng luôn đóng vai trò quan trọng. Vậy công tác này được triển khai như thế nào trong thời điểm hiện nay?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Đối với công tác này, Sở NN & PTNT đã xây dựng kế hoạch triển khai tháng khử trùng tiêu độc đợt 1 năm 2020. Việc tiêu độc, khử trùng được thực hiện đồng loạt ở tất cả các địa phương, đặc biệt tại các ổ dịch cũ, nơi buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm. Thời gian thực hiện từ ngày 10/2 – 10/3/2020. Để thực hiện tháng tiêu độc, khử trùng, ngành NN & PTNT cấp hóa chất cho các địa phương từ nguồn dự trữ. 

Cụ thể, tổng số hóa chất cấp đợt này 3.200 lít, gồm: Huyện Lý Nhân được cấp 700 lít, Bình Lục 600 lít, Thanh Liêm 400 lít, Kim Bảng, thị xã Duy Tiên và thành phố Phủ Lý mỗi nơi được cấp 500 lít. Việc phun thuốc khử trùng tiêu độc được thực hiện theo đúng kỹ thuật, dọn vệ sinh trước để bảo đảm hiệu quả tối đa của hóa chất. Ngành xác định, đợt tiêu độc, khử trùng lần này không chỉ phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi mà còn giúp ngăn ngừa dịch bệnh nCoV.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Thành Nam (Thực hiện)

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy