Cân nhắc gieo trồng hợp lý các loại cây màu vụ xuân

Chị Nguyễn Thị Hiền, thôn An Lạc, xã Kim Bình (thành phố Phủ Lý) trồng 7 sào dưa chuột vụ xuân 2023. Vào vụ, chị Hiền nhận định yếu tố thời tiết, nên đã lùi thời gian trồng muộn hơn 10 ngày so với mọi năm, hiện cây dưa chuột đang cho thu hoạch rộ. Mỗi ngày bình quân chị thu từ 500 – 700 kg dưa chuột, ngày cao điểm khoảng 1 tấn. Đại lý đến đầu bờ ruộng thu mua với giá 7 nghìn đồng/kg, tăng 2 nghìn đồng so với vụ xuân trước. Với giá bán như hiện nay, mỗi sào trồng dưa chuột vụ xuân này của chị Hiền cho năng suất khoảng 1.700 kg, đạt hơn 10 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, lợi nhuận đem lại đạt 7 – 8 triệu đồng/sào.

Cân nhắc gieo trồng hợp lý các loại cây màu vụ xuân
Sản phẩm dưa chuột vụ xuân của chị Nguyễn Thị Hiền, thôn An Lạc (Kim Bình - thành phố Phủ Lý). Ảnh: Kim Chi

Không chỉ ở thành phố Phủ Lý, sản phẩm dưa chuột tại các vùng trồng khác trong tỉnh cũng được giá. Ông Phạm Đình Quang, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhân Nghĩa (Lý Nhân) cho biết: Vụ xuân năm nay dưa chuột vẫn là cây trồng chủ lực của địa phương, diện tích sản xuất đạt hơn 10 ha. Hiện, giá rau, củ, quả, nhất là dưa chuột cao (khoảng 7 – 8 nghìn đồng/kg, tương đương thời điểm đầu vụ, cao hơn giá bình quân chung của vụ xuân trước), bù lại được phần năng suất bị giảm do ảnh hưởng thời tiết, giúp người dân duy trì và tái đầu tư sản xuất…

Qua tìm hiểu, các loại nông sản vụ xuân khác đều đang được giá. Với sản phẩm ngô nếp, ngô ngọt loại 1, người dân bán tại ruộng mức 9 – 11 nghìn đồng/kg, tăng 2 – 3 nghìn đồng so với vụ xuân trước. Ngô nếp loại 2 giá 5 – 6 nghìn đồng/kg. Các loại rau ăn lá do đợt mưa kéo dài vừa qua gây hỏng nhiều, giá tăng khá nhanh, có loại gấp 2 – 3 lần đầu vụ.

HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp, xã Thi Sơn (Kim Bảng) sản xuất 5 ha. Do mưa, một số diện tích rau ăn lá bị hỏng, hiện HTX đang tập trung vào các sản phẩm chính, gồm: Rau ngót, rau muống, rau lang và rau đay. Mỗi ngày, HTX bán cho các bếp ăn đã ký hợp đồng khoảng 70 kg rau xanh. Nguồn cung của HTX hiện nay không đủ nhu cầu thị trường. Theo ông Phạm Hoàng Hiệp, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp, rau xanh hiện nay khá khan hiếm, để có lứa rau mới cần khoảng 10 ngày. Tuy nhiên, HTX đang cân nhắc diện tích trồng mới do rau ăn lá sẽ khôi phục và lên nhanh nên giá có khả năng xuống thấp trong giai đoạn tới.

Hiện, diện tích sản xuất rau màu vụ xuân của tỉnh gần 4.700 ha, gồm cả trên đất chuyên màu và đất lúa chuyển đổi. Trong đó, diện tích trồng các loại rau, củ, quả khá lớn, như: Rau xanh các loại gần 2.100 ha, dưa chuột 400 ha, bí xanh và bí đỏ hơn 100 ha, ngô (gồm cả ngô nếp và ngô sinh khối) 1.639 ha… Việc giá nông sản vụ xuân giai đoạn cuối vụ tăng lên do tác động chính của thời tiết.

Cụ thể, cây dưa chuột vụ xuân trồng sớm gặp thời tiết ấm năng suất không cao, thời gian cho thu quả ngắn. Với cây ngô nếp, ngô ngọt trỗ đúng thời điểm gặp mưa nên tỷ lệ kết hạt không cao, ngô loại 1 chỉ chiếm khoảng 60%. Các loại rau ăn lá (bắp cải, cải canh…) bị hỏng nhiều do thời gian vừa qua mưa kéo dài. Ngoài ra, giai đoạn chuyển vụ là thời điểm thường xảy ra khan hiếm rau.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá: Việc khan hiếm rau, củ, quả chỉ diễn ra trong thời điểm ngắn. Khi lứa rau mới gieo trồng cho thu hoạch, giá bán sẽ hạ nhiệt và trở về ổn định.

Sản xuất nông nghiệp nói chung và rau, củ, quả nói riêng vẫn đang phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết và thị trường tự do. Hiện chỉ có một số diện tích trồng theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP vẫn ổn định được nguồn cung và giá. Tuy giá nông sản vụ xuân vẫn đang cao, nhưng người dân khi đầu tư sản xuất cần cân nhắc thời điểm để đạt hiệu quả kinh tế cao, hạn chế rủi ro của việc được mùa, mất giá.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.