kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế Hà Nam

Những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế Hà Nam

Nhìn lại bức tranh kinh tế Hà Nam 7 tháng năm 2023 dễ dàng nhận thấy, mặc dù trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn; thị trường bất động sản “đóng băng”; sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; hậu quả của dịch Covid-19 kéo dài đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân. Nhưng với sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân, nhiều giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế đã được triển khai, nhờ đó bức tranh kinh tế Hà Nam 7 tháng đầu năm đã có những gam màu sáng.

Những con số nổi bật

Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nam, trong 7 tháng năm 2023, do những tác động khách quan, chủ quan, sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn; đơn hàng và thị trường xuất khẩu một số ngành có sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn khá chậm. Chi phí nguyên liệu đầu vào đã giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Hơn nữa, phần lớn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài; tình trạng cắt điện luân phiên ở một số địa phương thời gian qua cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động và sản lượng hàng hóa sản xuất của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhờ có cơ chế, chính sách linh hoạt của tỉnh, sự chủ động, tích cực từ phía doanh nghiệp trong việc ứng phó với những khó khăn, nhìn chung ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh cơ bản vẫn giữ được đà tăng trưởng so với cùng kỳ. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 7 tháng năm 2023 tăng 11,0% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 11,85%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11,26%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,52%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,27%.

Những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế Hà Nam
Sản xuất bộ dây dẫn điện xe ô tô tại Công ty TNHH Yura Harnetss Việt Nam (KCN Châu Sơn, thành phố Phủ Lý). Ảnh: Tiến Đoàn

Có 17/26 ngành cấp 2 có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất tăng cao như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 19,55% do các doanh nghiệp vẫn giữ được ổn định về đơn hàng sản xuất và xuất khẩu; sản xuất thiết bị điện tăng 17,81%; khai khoáng khác tăng 11,85% do một số doanh nghiệp tiếp tục được cấp phép khai thác và mở rộng khai thác đáp ứng nguyên liệu cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 10,28%.

Theo ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Kinh tế tổng hợp, Cục Thống kê Hà Nam, 7 tháng năm 2023, mặc dù, gặp khó khăn ở một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, Phi-lip-pin... song một số doanh nghiệp sản xuất VLXD (chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất xi măng) trên địa bàn đã chủ động tìm kiếm và mở rộng sang các thị trường khác như: Bangladesh, khu vực các nước châu Mỹ… Do vậy, sản lượng tiêu thụ của ngành vẫn tăng cao so với cùng kỳ; cụ thể: xi măng và clanke tăng 12,4%; trong đó, Nhà máy xi măng Xuân Thành tăng 19%, Nhà máy xi măng Thành Thắng tăng 23%...

Cùng với sản xuất công nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ cũng cơ bản giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định. Giá trị sản xuất nông nghiệp (giá SS 2010) đạt 4.648,3 tỷ đồng, tăng 0,4% so cùng kỳ, đạt 54,1% so kế hoạch năm. Tính chung trong 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 22,6% so cùng kỳ năm 2022. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 4.091,1 tỷ đồng, tăng 60,3% so cùng kỳ năm 2022.

Nhìn tổng thể tình hình phát triển kinh tế của Hà Nam những tháng đầu năm có thể thấy, với những con số nổi bật trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp, bức tranh kinh tế Hà Nam 7 tháng đầu năm đã có những gam màu sáng. Mặc dù, những con số tăng trưởng kinh tế của một số ngành, một số lĩnh vực còn chưa cao so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra nhưng đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động mới thấy những nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt, là sự chủ động, linh hoạt của các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm khai thác, mở rộng thị trường.

Chủ động, linh hoạt vượt khó

Những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế Hà Nam
Dây chuyền dệt hàng thổ cẩm tại cơ sở thêu máy Thôn 2 (Lạc Nhuế, Đồng Hóa, Kim Bảng). Ảnh: Thu Minh

Tuy nhiên, bên cạnh những con số nổi bật trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ... vẫn còn một số chỉ tiêu kinh tế chưa đạt 50% so kế hoạch năm, như: tốc độ tăng trưởng GRDP; GRDP bình quân đầu người; năng suất lao động; vốn đầu tư phát triển xã hội; giải quyết việc làm. Thu hút đầu tư giảm so với cùng kỳ; tiến độ đầu tư phát triển sản xuất ở một số doanh nghiệp còn chậm, hiệu quả thấp, số doanh nghiệp thành lập mới giảm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 63,1%; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng đột biến (tăng 22,6% so cùng kỳ)... Đây chính là những khó khăn, thách thức không nhỏ đặt ra đối với Hà Nam trong việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 đã đề ra.

Theo Cục Thống kê Hà Nam, bước sang quý III năm 2023, nền kinh tế trong nước sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; các biến động về kinh tế, chính trị của thế giới, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh bất thường, khó dự báo. Do đó, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 là thách thức rất lớn, cần sự nỗ lực, quyết tâm rất cao, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Hà Nam nói riêng, cả nước nói chung. Vì vậy, để đạt các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023, đòi hỏi các ngành, các cấp trong tỉnh cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, kịp thời ứng phó trong mọi tình huống, tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thường xuyên rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp. Bảo đảm nguồn điện cho sản xuất, tiêu dùng. Kịp thời có giải pháp hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực chịu tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới suy giảm. Triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại, dịch vụ, phát triển du lịch; thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường truyền thống; mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chất lượng cao.

Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tích cực đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị; xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, tập trung xử lý ngay những điểm nghẽn, nút thắt chính trong hoạt động đầu tư công như công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng. Tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; chủ động phương án phòng, chống thiên tai, hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân; thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Tập trung triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Tam Chúc, xây dựng quy hoạch các phân khu chức năng Khu du lịch Tam chúc. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, gắn kết hợp tác để phát triển du lịch bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương. Được biết, từ đầu năm đến nay, nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược quảng bá, thu hút đầu tư, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến đầu tư tại một số thị trường lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mỹ... Hy vọng, với những chính sách ưu đãi, Hà Nam sẽ thực sự là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy