Không để chuột trở thành dịch phá hoại mùa màng

Chuột luôn là một trong những đối tượng gây hại chính cho cây trồng trên đồng ruộng và đang có chiều hướng gia tăng. Đã có không ít diện tích cây trồng, nhất là lúa bị chuột cắn ảnh hưởng đến năng suất. Để hiểu rõ về tình hình chuột phát sinh, gây hại và biện pháp diệt trừ, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã trao đổi với ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT) xung quanh vấn đề này.

Cán bộ HTXDVNN Cát Lại (Bình Nghĩa - Bình Lục) đóng túi mồi bả diệt chuột trên đồng ruộng. Ảnh: Thành Nam

P.V: Xin ông cho biết thực trạng và mức độ gây hại của chuột trên đồng ruộng hiện nay?

Ông Nguyễn Hải Nam: Qua theo dõi, điều tra của đơn vị, chuột đang ngày càng phát sinh mạnh trên môi trường đồng ruộng và gia tăng nhanh trên diện rộng ở nhiều địa phương. Một cặp chuột bố mẹ trong vòng 1 năm có thể sinh sản ra 1.000 con chuột… Thức ăn của chuột trên các cánh đồng phong phú tạo điều kiện gia tăng nhanh số lượng. Chuột phát sinh mạnh cũng do sự gia tăng mạnh chủ yếu từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp (hạn hán, lũ nhỏ hoặc không có lũ, thời tiết mùa đông ấm...). Đồng thời, việc canh tác đa dạng và luân canh gối vụ liên tục tại các địa phương (khép kín các vụ trong năm ở nhiều diện tích) cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của chuột. Cùng với đó, sự suy giảm của các loài thiên địch như: rắn, chim cú mèo, mèo… góp phần vào tình trạng này. Một vấn đề nữa, tại không ít địa phương có diện tích ruộng người dân bỏ không sản xuất đan xen trên cánh đồng trở thành nơi trú ngụ, sinh sản của chuột.

Về mức độ gây hại của chuột được đánh giá ở mức cao, đã có một số diện tích nhỏ lẻ bị mất mùa cục bộ. Vụ xuân 2023 diện tích lúa bị chuột gây hại theo ngưỡng thống kê cao hơn gần 3 lần so với vụ xuân 2022; vụ mùa 2023 diện tích lúa bị chuột gây hại theo ngưỡng thống kê cao hơn 7 lần so với vụ mùa trước.

P.V: Trước tình trạng chuột phát sinh và gây hại mạnh, công tác diệt chuột trên địa bàn tỉnh đã được triển khai và thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hải Nam: Đối với công tác diệt chuột, hằng năm, hàng vụ, chi cục đều hướng dẫn các địa phương tổ chức diệt chuột bảo đảm hiệu quả cao. Về phía các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) trong tỉnh đều có kế hoạch và tổ chức diệt chuột bằng nhiều hình thức như sử dụng bẫy, mồi bả… Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 40 HTX ký hợp đồng với đơn vị chuyên diệt chuột.

Năm 2024 này, dự báo lượng chuột trên đồng ruộng tăng cao và gây hại mạnh cho lúa, cây trồng, Chi cục đã tham mưu với Sở NN & PTNT trình UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ thuốc chuột cho các HTXDVNN, Tổ hợp tác thực hiện diệt chuột tập trung. Mức hỗ trợ tối đa 130 nghìn đồng/ha/vụ (tương đương 260 nghìn đồng/ha/năm). Trong vụ xuân 2024, các HTXDVNN, Tổ hợp tác đã tổ chức từ 2 – 3 đợt diệt chuột tập trung. Ngoài ra, lượng chuột bắt thủ công hơn 81 nghìn con.

Việc tập trung các biện pháp giúp hạn chế được nguồn chuột trên đồng ruộng, góp phần bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, lượng chuột trong môi trường tự nhiên vẫn nhiều và sinh sản nhanh đòi hỏi phải tiếp tục có biện pháp diệt trừ hiệu quả.

P.V: Để diệt trừ chuột phá hoại mùa màng, cần phải tiếp tục thực hiện những biện pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Hải Nam: Việc diệt chuột cần chủ động và triển khai thực hiện đồng bộ, thường xuyên trên đồng ruộng. Về biện pháp canh tác, vệ sinh đồng ruộng, phát quang bờ, bụi, làm sạch cỏ ven bờ, tìm hạn chế nơi trú ngụ và phá ổ chuột ngay từ đầu vụ. Đồng thời, xác định thời vụ thích hợp, gieo trồng và thu hoạch đồng loạt nhằm cắt đứt nguồn thức ăn và tổ chức diệt chuột đồng loạt. Với cây lúa nếu có thể giữ nước cao trong ruộng vào giai đoạn lúa đòng – trỗ để hạn chế chuột hại và làm tổ ven bờ.

Việc sử dụng bả, thuốc cần lựa chọn theo danh mục được cho phép sử dụng; ưu tiên những loại thuốc ít độc hại với người, vật nuôi và môi trường. Đối với các biện pháp khác, quá trình đặt bẫy thực hiện theo đúng kỹ thuật hướng dẫn, như: sử dụng bẫy bán nguyệt, bẫy lồng… Cùng với đó, khuyến khích người dân nuôi mèo để diệt chuột.

Hiện nay, biện pháp ký hợp đồng với đơn vị chuyên diệt chuột đang phát huy tốt hiệu quả. Đây là mô hình cần được các HTXDVNN xem xét, áp dụng giúp nâng cao hiệu quả, bảo vệ sản xuất, hạn chế tối đa tình trạng chuột gây hại.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Mạnh Hùng (Thực hiện)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy