Công Lý chú trọng phát triển đa dạng ngành nghề

Những năm gần đây, xã Công Lý (Lý Nhân) đã chú trọng phát triển đa dạng các ngành nghề, hướng đi quan trọng được lựa chọn giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Cơ sở sản xuất sản phẩm thảo dược tỏi đen Linh An của chị Nguyễn Thị Huyên, thôn Trung Tiến thành lập được 2 năm nay. Các sản phẩm từ tỏi của chị Huyên khá đa dạng: tỏi đen ngâm mật ong, siro tỏi đen... Hiện những sản phẩm này được cung ứng rộng rãi ra thị trường, có mặt tại một số cửa hàng, hiệu thuốc, siêu thị ở trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc. Được biết đây là nghề mới được chị Huyên lựa chọn phát triển theo công nghệ Nhật Bản. Nguyên liệu tỏi cô đơn (tỏi trắng) được chị mua từ cơ sở sản xuất tại tỉnh Hải Dương đưa về chế biến (ủ lên men, sấy)… Bước đầu, hiệu quả từ nghề sản xuất tỏi đen đã đem lại hiệu quả, lợi nhuận đạt 30% – 40% giá trị sản phẩm. Lượng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ ổn định, có chiều hướng tăng lên.

Chị Huyên chia sẻ: Lựa chọn nghề sản xuất loại thảo dược tỏi đen hướng đến chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng và nhu cầu thực tế trên thị trường. Sản phẩm tỏi đen của cơ sở đang đăng ký ý tưởng và làm hồ sơ tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023. Từ đó, hướng đến mở rộng hơn nữa quy mô sản xuất. Tôi đang tính toán liên kết với người dân địa phương trồng giống tỏi trắng nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm tỏi đen thảo dược.

Công Lý chú trọng phát triển đa dạng ngành nghề
Sản phẩm tỏi đen của cơ sở Linh An, xã Công Lý (Lý Nhân). Ảnh: Thành Nam

Trước đó, trên địa bàn xã Công Lý đã thành lập Công ty TNHH dược thảo Minh Đức chuyên sản xuất sản phẩm đông trùng hạ thảo. Đây là nghề sản xuất mới, nhưng đã phát triển khá thành công. Các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo Minh Đức đã đứng vững trên thị trường, với doanh thu từ sản xuất mỗi năm lên đến 3 – 5 tỷ đồng. Cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho từ 4 – 5 lao động, thu nhập đạt 10 – 12 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm đông trùng hạ thảo sản xuất trên địa bàn xã đã được công nhận sản phẩm OCOP năm 2021.

Cùng với đó, các ngành nghề khác trên địa bàn xã Công Lý khá phát triển. Nổi bật là nghề chế biến nông sản (làm giò, chả, bánh dày, bánh cuốn…), xã có tổng số 200 hộ tham gia làm nghề, trong đó có khoảng 30 – 40 hộ sản xuất quy mô lớn (mỗi ngày cung cấp ra thị trường từ 300 kg sản phẩm trở lên/hộ), tập trung chính tại làng Mạc Hạ. Tổng số lao động tham gia nghề chế biến nông sản khoảng 500 người, mức thu nhập ổn định, bình quân 6 – 7 triệu đồng/người/tháng.

Ở làng Phú Đa phát triển mạnh nghề sản xuất đồ gỗ gia dụng, như: Giường, tủ, cửa, bàn ghế… Tại đây có đến 60 cơ sở sản xuất đồ gỗ, thu hút 400 lao động. Sản phẩm đồ gỗ của Công Lý có mặt trên khắp thị trường trong và ngoài tỉnh. Mức thu nhập bình quân của lao động làm nghề sản xuất đồ gỗ khoảng 8 – 10 triệu đồng/người/tháng, thợ kỹ thuật đạt 15 – 18 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, trên địa bàn xã phát triển một số ngành nghề khác thu hút khá nhiều lao động, như: May mặc, cơ khí, điện tử, xây dựng…

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Công Lý cho biết: Địa phương xác định phát triển đa dạng các ngành nghề là hướng đi mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Từ đây, thu nhập, đời sống của người dân được nâng lên. Chính vì vậy xã luôn tạo điều kiện cho người dân mở rộng, phát triển ngành nghề, kể cả nghề mới.

Từ phát triển đa dạng các ngành nghề, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của xã mỗi năm đạt trên 230 tỷ đồng, chiếm hơn 35% tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế. Ngành nghề phát triển đã kéo theo cơ cấu lao động thay đổi đáng kể, tỷ lệ lao động làm nông nghiệp giảm xuống khoảng 25%, còn lại là ngành nghề, dịch vụ… Đa số lao động trẻ trong độ tuổi đều tham gia phát triển ngành nghề. Ngành nghề phát triển, thu nhập bình quân của người dân trong xã được nâng lên đáng kể. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 42 triệu đồng, bằng 55,77% kế hoạch năm, dự kiến cả năm đạt hơn 77 triệu đồng/người. Mức thu nhập bình quân của người dân địa phương đã đạt được theo tiêu chí xã NTM nâng cao đang được địa phương phấn đấu hoàn thành trong năm 2023.

Trong thời gian tới, xã Công Lý đặt mục tiêu tiếp tục thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả các ngành nghề, nhất là những nghề có thế mạnh. Đồng thời tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để người dân tích cực mở thêm các nghề mới phù hợp. Từ đó, thu hút, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy