Phát triển nghề làm bánh đa nướng ở thị trấn Kiện Khê

Ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào nghề sản xuất bánh đa truyền thống ở thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh Liêm) đang từng bước nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp các hộ dân thêm gắn bó với nghề truyền thống của địa phương.

 Phát triển nghề làm bánh đa nướng ở thị trấn Kiện Khê
Nghề sản xuất bánh đa tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm.

Thấy được những bất cập, hạn chế của cách làm bánh đa nướng thủ công, ông Đặng Huy Tấn - cơ sở sản xuất bánh đa Tấn Huệ, Tiểu khu Ninh Phú, thị trấn Kiện Khê đã mạnh dạn thay đổi cách làm cũ bấy lâu nay, từng bước áp dụng KHKT vào sản xuất, nâng cao hiệu quả nghề truyền thống của gia đình.

Ông Tấn cho biết: “Do thời tiết không ổn định mưa gió thất thường mà đơn hàng ngày càng nhiều, việc làm bánh thủ công không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách, tôi đã đầu tư hơn 100 triệu đồng mua máy tráng và nướng bánh đa tự động, máy xay bột cỡ lớn để phục vụ việc sản xuất hằng ngày của gia đình". Nhờ có máy móc hiện đại, mỗi ngày, gia đình có thể làm được 3.000 - 4.000 tấm bánh xuất ra thị trường. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, ông Tấn cũng đã tiến hành làm giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

 Phát triển nghề làm bánh đa nướng ở thị trấn Kiện Khê
Ứng  dụng công nghệ vào sản xuất bánh đa ở thị trấn Kiện Khê.

Hiện nay, với quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng nhờ máy móc hiện đại thay thế nhiều công đoạn quan trọng, một tấm bánh đa thành phẩm với giá bán 8 - 15 nghìn đồng giúp gia đình ông Tấn có thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/tháng, từng bước phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu bằng chính nghề truyền thống của cha ông. Không những thế, nhờ có máy móc hiện đại sản phẩm sản xuất ra nhiều, hàng đi liên tục gia đình ông Tấn còn giải quyết việc làm cho 6 lao động địa phương với mức lương cơ bản từ 5 - 7 triệu đồng.

Với gần 100 năm hình thành làng nghề, trải qua nhiều thăng trầm, để tiếp tục duy trì phát triển nghề truyền thống và tạo thương hiệu riêng cho bánh đa nướng, năm 2019, HTX bánh đa nướng Sở Kiện đã ra đời, đi vào hoạt động thu hút 33 hộ gia đình tham gia sản xuất bánh tại địa phương. Vốn điều lệ đạt 1 tỷ 650 triệu đồng. Việc thành lập HTX nằm trong chương trình mỗi làng nghề một sản phẩm (OCOP). Có nhãn hiệu tập thể, được tập huấn các quy trình xây dựng và bảo vệ thương hiệu, giúp những người dân nơi đây bảo vệ được nghề truyền thống, có công ăn việc làm ổn định. 

Ông Trương Việt Hoàng - Giám đốc HTX Bánh đa Sở Kiện, Trưởng tiểu khu Ninh Phú cho biết: Từ khi HTX ứng dụng KHKT vào làm nghề, mỗi ngày thị trấn Kiện Khê xuất ra thị trường trên 60.000 chiếc bánh đa các loại. Hầu hết các cơ sở sản xuất bánh lớn đều bán buôn cho các cửa hàng, quán ăn đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh,...

Theo ông Hoàng, đến nay sản phẩm bánh đa Sở Kiện đã được tỉnh, huyện hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm nên đầu ra cho sản phẩm thuận lợi hơn. Tuy vậy, bà con nhân dân trong HTX Bánh đa Sở Kiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất do không gian chật hẹp, vốn đầu tư chưa cao nên rất mong được nhận nhiều hơn chính sách hỗ trợ, để bà con có cơ hội phát triển hiệu quả, bền vững; giúp giữ gìn và bảo vệ ngành nghề truyền thống của địa phương.  

Trần Giang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy