Khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng ở Kim Bảng

Thời gian qua, các cấp, ngành của huyện Kim Bảng đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm tạo đồng thuận từ phía người dân trong việc sớm bàn giao đất phục vụ thi công các dự án trên địa bàn. Theo kế hoạch một số công trình giao thông trọng điểm sẽ hoàn thành GPMB trong năm 2023 để chủ đầu tư triển khai xây dựng các hạng mục. Song, đến nay do những nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến việc thu hồi đất gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng ở Kim Bảng
Dự án đường song hành QL21 đoạn qua xã Khả Phong hiện chưa bàn giao mặt bằng, đơn vị thi công tạm dừng thi công.

Hiện nay, UBND huyện Kim Bảng đang triển khai một số công trình giao thông trọng điểm như: Dự án đường song hành QL 21; dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL 21B; dự án tuyến đường vào khu vực các công trình quân sự tỉnh Hà Nam tại xã Thanh Sơn (tuyến ngoài); dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường vành đai 4 (đường trục kinh tế phía nam kết nối QL38 của thành phố Hà Nội) với đường vành đai 5 (theo quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội) trên địa bàn tỉnh Hà Nam (giai đoạn 1)… Theo kế hoạch các dự án này sẽ hoàn thành GPMB trong năm 2023 nhưng đến nay, một số dự án vẫn đang gặp khó khăn. Được biết, hiện Kim Bảng đã bố trí quỹ đất đối với 16 dự án khu tái định cư nhưng hiện mới có 7 dự án đang thi công; 3 dự án được phê duyệt quy hoạch; 5 dự án đang thẩm định quy hoạch; 1 dự án đang lập nhiệm vụ quy hoạch. Mặt khác, một số dự án tái định cư hiện đang phát sinh những tồn tại về quy hoạch thiết kế đô thị; tại các khu tái định cư chưa có trạm xử lý nước thải tập trung; thời gian đánh giá tác động môi trường kéo dài. Quá trình xin ý kiến về thiết kế cơ sở, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy, những quy định về đường kính ống cấp nước, áp suất, lưu lượng nước cấp vẫn còn một số bất cập.

Khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng ở Kim Bảng
Vị trí GPMB tại Công ty bê tông Thịnh Cường và Công ty dệt Hải Nam ở thị trấn Quế thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu du lịch chùa Bà Đanh đang vướng mắc do chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Ảnh: Phùng Thống

Cùng với đó, những tồn tại khác ảnh hưởng đến công tác GPMB và tiến độ thi công. Điển hình như, dự án đầu tư xây dựng cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng nối từ đường nối vành đai 4, vành đai 5 qua QL 38 đến QL 21, trong quá trình triển khai thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần, cắt giảm, bổ sung một số hạng mục theo quy hoạch... Dự án Cụm công nghiệp Lê Hồ tại xã Đại Cương đến nay chưa có trích đo diện tích và Xã Lê Hồ chưa bố trí quỹ đất xây dựng nghĩa trang nhân dân để các hộ di chuyển mộ bàn giao mặt bằng. Riêng dự án khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đồng Sơn; Khu đô thị đồi Hoa Sen tại xã Liên Sơn do công tác quản lý đất đai trước đây chưa chặt chẽ, đồng bộ và thiếu hồ sơ quản lý theo quy định, các hộ sử dụng đất từ lâu, xây dựng công trình vi phạm nhưng không xử lý dứt điểm. Bản đồ địa chính hiện trạng qua các thời kỳ ở nhiều vị trí thể hiện không thống nhất với kết quả xác định thời điểm sử dụng đất. Nhiều diện tích các hộ lấn chiếm trồng cây lâu năm, nếu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, chặt cây trồng trên đất sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý diện tích rừng...

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, bảo đảm bàn giao mặt bằng triển khai các dự án đúng tiến độ, theo ông Nguyễn Thành Thăng, Chủ tịch UBND huyện, về phía UBND tỉnh và các ngành chức năng cần sớm phê duyệt và công bố quy hoạch các phân khu đô thị để làm cơ sở thu hồi đất triển khai các dự án. Đồng thời, hướng dẫn quản lý, sử dụng, xử lý vướng mắc đất nông trường Ba Sao, phê duyệt phương án, GPMB của 21 hộ (khu vực vòng xuyên giao với QL 21) và các hộ ảnh hưởng dự án tiểu khu I thuộc dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng cao cấp Ba Sao; xử lý về tài chính đối với bể bùn số 1, số 3 phục vụ dự án đường cầu Tân Lang; sớm bàn giao tuyến D1 (đường kè dạo sông Ba Sao) thực hiện dự án tái định cư tại Ba Sao (vị trí Bưa Trên); hoàn trả, mở rộng nghĩa trang nhân dân tập trung xã Lê Hồ tại Cụm công nghiệp Lê Hồ và giao đất tái định cư cho các hộ ảnh hưởng bởi dự án tuyến đường vào khu quân sự tỉnh có thu hồi đất ở xã Thanh Sơn. Đối với vùng quy hoạch dự án khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đồng Sơn, khu đô thị đồi Hoa Sen tại xã Liên Sơn cần hướng dẫn huyện xử lý diện tích rừng sản xuất trong khu vực quy hoạch; cơ chế giao đất ở có thu tiền sử dụng đất đối với các hộ xây dựng nhà ở và sinh hoạt ổn định nhưng không có nơi ở nào khác do ảnh hưởng bởi dự án. Huyện cũng đề nghị các sở, ngành khẩn trương hướng dẫn xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại đối với những trường hợp đất thầu, đất đa canh, đất vượt lập của các dự án.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, sự nỗ lực của chính quyền địa phương; sự đồng thuận của nhân dân, tin rằng những khó khăn trên sớm được tháo gỡ; bảo đảm bàn giao mặt bằng sạch để các dự án được triển khai theo đúng tiến độ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển toàn diện và bền vững.

Phùng Thắng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy