Sáng 16/4, Văn phòng Chính phủ, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về LOGISTICS – các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo Giao thông
Tại điểm cầu Hà Nội, tới dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương.
Tại điểm cầu Hà Nam, đồng chí Trương Quốc Huy, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, hiện vận chuyển một container hàng hóa từ cảng Hải Phòng về Hà Nội (và ngược lại) chỉ khoảng 100km, nhưng chi phí đắt gấp 3 lần so với vận chuyển một container hàng hóa từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.
Tỷ trọng chi phí dịch vụ logistics trong cơ cấu chi phí kinh doanh của Việt Nam còn rất cao, chiếm khoảng 20,9% GDP, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa cũng như sản xuất của doanh nghiệp. Giá thành sản phẩm hàng hóa Việt Nam thường bị đội lên nhiều lần khi đến tay người tiêu dùng do chi phí vận chuyển không ổn định và luôn ở mức cao.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.
Nguyên nhân khiến chi phí logistics của Việt Nam còn cao do cơ sở hạ tầng như hệ thống cảng biển, kho bãi kết nối còn hạn chế, bất cập. Thủ tục hải quan dù đã triển khai một cửa, điện tử hóa, giảm kiểm tra hàng hóa, song quy trình xuất nhập khẩu vẫn phức tạp hơn nhiều các nước khác.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam thường vẫn phải chịu sự áp đặt mức giá vận chuyển cao từ các hãng vận tải biển nước ngoài, thậm chí còn phải trả thêm nhiều khoản phụ thu không hợp lý do năng lực đàm phán còn hạn chế, trong khi đó năng lực vận tải của các doanh nghiệp tàu biển trong nước còn yếu chưa cạnh tranh được với các hãng vận tải quốc tế.
Khắc phục những tồn tại trên, tại hội nghị nhiều ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương đề xuất: Trước mắt cần rà soát và có biện pháp kiểm soát chi phí liên quan đến các khoản phí và phụ thu tại cảng biển Việt Nam; cần có các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam giảm lệ thuộc vào sự độc quyền của các hãng vận tải tàu biển quốc tế khi xuất nhập khẩu hàng hóa; tăng cường năng lực hoạt động cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp logistics trong nước thông qua việc phát huy hơn nữa hiệu quả, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề.
Về lâu dài, Chính phủ cần quy hoạch lại hệ thống logistics ở Việt Nam nhằm phát huy hết công suất các cảng biển thông qua cải thiện kết nối. Cần có các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế theo các cụm ngành/cụm liên kết giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như trong quá trình phân phối hàng hóa đầu ra làm sao có thể rút ngắn nhất được thời gian, không gian khi vận chuyển, lưu kho.
Tiếp tục nâng cấp hạ tầng giao thông và phát triển hạ tầng giao thông đa dạng bao gồm: đường bộ; đường thủy; đường sắt; đường hàng không. Đối với các doanh nghiệp logistics trong nước, cần phải tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá phí các dịch vụ.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ đã tổ chức 15 hội nghị toàn quốc bàn giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh; giảm chi phí; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, dịch vụ…nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay dịch vụ LOGISTICS ở Việt Nam còn rất cao gây khó khăn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương phải vào cuộc rà soát lại cơ chế chính sách, xây dựng và triển khai phương án kết nối hạ tầng giao thông và kết nối hạ tầng giao thông với cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ LOGISTICS bảo đảm giảm chi phí trong dịch vụ vận chuyển hàng hóa; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp làm dịch vụ LOGISTICS trong nước phát triển, nâng cao sức cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế.
Trần Hữu
Trần Thoan, Hải Phong