Sáng 15/5, Trung tâm Nghiên cứu và Hành động vì sự Phát triển hòa nhập (IDEA) phối hợp với Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam tổ chức tọa đàm, chia sẻ kết quả nghiên cứu đánh giá về sự tham gia của phụ nữ khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số trong tiến trình xây dựng, vận động chính sách về chuyển đổi số tại Việt Nam.
Dự tọa đàm có ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam; đại diện Sở Lao động, Thương binh và xã hội, Hội LHPN tỉnh, Công an tỉnh và đại diện các cấp hội người khuyết tật địa phương, cơ sở.
Tại tọa đàm, cán bộ IDEA đã thông tin về kết quả khảo sát, đánh giá ở 3 tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Lai Châu. Bên cạnh những lợi ích của công nghệ số và chuyển đổi số mang lại cho người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số như tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ công, giáo dục, việc làm, y tế, dịch vụ tài chính, thúc đẩy sự tham gia vào các hoạt động xã hội, khả năng sống độc lập... nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống nói chung thì các nhóm này cũng gặp không ít khó khăn như không ai hướng dẫn hoặc trợ giúp sử dụng các ứng dụng phức tạp, khó thao tác, ngôn ngữ khó hiểu hay khác biệt. Đặc biệt đối với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số không hiểu nhiều tiếng phổ thông, người khuyết tật khiếm thị, việc sử dụng cũng như tiếp cận các ứng dụng trên các thiết bị số thông minh vẫn còn là rào cản chính.
Tại Hà Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nam cho biết, nhờ chuyển đổi số, người khuyết tật trên địa bàn đã từng bước tham gia vào các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng một cách thuận tiện, nhiều người khuyết tật đã tự thực hiện một số dịch vụ trực tuyến như nhận trợ cấp xã hội qua ATM, ngân hàng trực tuyến, tìm kiếm cơ hội việc làm, mua sắm online, kết nối người thân và bạn bè…
Với chủ đề “Cùng hành động để người khuyết tật tiếp cận và sống độc lập”, các đại biểu là người khuyết tật được nghe những chia sẻ, khuyến nghị của đại diện một số sở, ngành mong muốn thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng yếu thế như người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật hay đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và kinh tế số. Tham gia xây dựng những chế độ, chính sách để người khuyết tật được thụ hưởng các dịch vụ thiết yếu. Việc chuyển đổi số đang không ngừng lan tỏa, mở ra nhiều cơ hội để người khuyết tật chủ động hơn trong việc tiếp cận, thích ứng và hòa nhập cộng đồng, tạo sự bình đẳng trong xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Lê Dũng