Giá điện tăng ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp và người dân?

Thực hiện Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 9/11/2023 là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Với mức giá điện như hiện nay sẽ có tác động như thế nào đến sản xuất, sinh hoạt của người dân?

Ngay sau khi giá điện tăng, rất nhiều người dân, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã quan tâm tới mức tăng tiền điện hằng tháng của gia đình mình. Để tính toán mức tăng hằng tháng, EVN đã phân loại nhóm khách hàng sử dụng điện và tính ra mức giá điện tăng mà khách hàng phải trả thêm so với giá điện cũ. Riêng đối với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách sẽ thực hiện theo chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.

Giá điện tăng ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp và người dân
Công nhân PC Hà Nam vận hành TBA 110 kV Thanh Nghị (Thanh Liêm).

Khi giá điện tăng, đa số các hộ kinh doanh cá thể, người dân đều cho rằng, giá điện tăng 4,5% đương nhiên sẽ ảnh hưởng. Tuy nhiên, sẽ còn nguy cơ hơn nếu để thiếu điện như hè năm nay. Nhiều doanh nghiệp, người dân mong rằng việc tăng giá điện sẽ đi kèm với tăng chất lượng, bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Công ty cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn cho biết: Trung bình mỗi tháng Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn chi phí khoảng hơn 30 tỷ đồng tiền điện. Nếu mức giá điện tăng bình quân 4,5% thì doanh nghiệp sẽ phải trả thêm khoảng 1,2 – 1,3 tỷ đồng tiền điện. Để tiết kiệm tiền điện và giảm giá thành sản phẩm, công ty đã đầu tư Dự án “Xây dựng công trình tận dụng nhiệt thừa khí thải dây chuyền 1 và 2 để phát điện’’. Tổng công suất lắp đặt gần 12 MW với tổng mức đầu tư (chưa bao gồm VAT) là 454 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có 40% và vốn vay 60%. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Khi đi vào hoạt động ổn định, công trình tận dụng nhiệt thừa khí thải này sẽ phát huy nhiều ưu điểm, cung cấp khoảng 20 - 30% lượng điện sử dụng cho toàn nhà máy, giảm nhiệt độ thải ra môi trường và giảm chi phí đầu vào cho sản xuất.

Tại Công ty Điện lực Hà Nam, lượng điện năng khách hàng sử dụng khoảng hơn 350 triệu kWh/tháng, tương đương với doanh thu tiền điện khoảng hơn 630 tỷ đồng. Mức tăng tiền điện bình quân 4,5%, thì hằng tháng mức thu tăng thêm khoảng 24 – 28 tỷ đồng. Đối với mức tăng trên sẽ góp phần chi phí, bù vào mức tăng giá đầu vào của ngành điện. Khi EVN tăng giá điện, Công ty Điện lực Hà Nam đã triển khai tuyên truyền tới khách hàng về các quy định tăng giá điện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, liên tục, bằng nhiều hình thức phù hợp về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng; thường xuyên tuyên truyền về tình hình khó khăn trong cung ứng điện hiện nay do diễn biến thời tiết phức tạp và cung ứng nhiên liệu khó khăn; phổ biến các lợi ích và biện pháp, cách thức tiết kiệm điện... để người dân và dư luận xã hội hiểu rõ, hiểu đúng, đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ khó khăn và tự giác thực hành tiết kiệm điện.

Bên cạnh đó, công ty tăng cường tổ chức các lớp tập huấn tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ dân phố, khu dân cư để hướng dẫn trực tiếp cho người dân về các giải pháp, cách thức tiết kiệm điện. Phối hợp với các ngành và địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Giá điện tăng ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp và người dân
Công nhân Điện lực Duy Tiên sửa chữa lưới điện, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Theo EVN, giá các loại nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy điện tăng và vẫn duy trì ở mức cao. Giá than nhập khẩu NewC Index dự kiến năm 2023 tăng 186% so với 2020 và 25% so với năm 2021. Mức tăng giá than pha trộn bình quân của TKV dự kiến năm 2023 là từ 29,6% đến 46,0% (tùy từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021. Giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh gần nhất từ ngày 4/5/2023, đến nay đã đủ 6 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất. Trong thời gian này, giá các loại nhiên liệu vẫn ở mức cao, cơ cấu sản lượng biến động theo hướng bất lợi. Hơn nữa, năm 2023, cơ cấu nguồn thuỷ điện giảm mạnh so với năm 2022 (dự kiến giảm 16,9 tỷ kWh, được thay thế bằng các nguồn nhiệt điện than, khí, dầu) do hiện tượng El Nino gây nắng nóng kéo dài.

Về cơ sở pháp lý, việc điều chỉnh giá bán lẻ của EVN được thực hiện theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Tại Khoản 5 điều 3 Quyết định 24/2017/QĐ-TTg quy định: "Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất" và Khoản 2 điều 3 "Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành".

Việc tăng giá điện để phù hợp với chi phí đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh của ngành Điện là cần thiết. Nếu giá điện không được điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng đến bảo toàn vốn nhà nước tại EVN, đến khả năng cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Hiện giá điện đã được điều chỉnh tăng theo phương pháp chia nhỏ thành các đợt để kiểm soát lạm phát. Các doanh nghiệp cần tính toán, cân đối lại chi phí đầu vào, áp dụng triệt để các biện pháp tiết kiệm điện, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh. Cùng với việc tăng giá bán điện EVN cũng khuyến cáo khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, để bảo đảm nguồn cấp điện tới liên tục, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy