Sau điều chỉnh quy hoạch, đến nay trên địa bàn tỉnh có 15 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích khoảng 314 ha, trong đó có 13/15 CCN đã đi vào hoạt động. HIện tại nhiều CCN trên địa bàn tỉnh còn không ít những khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quá trình thu hút đầu tư vào các CCN, cần các cấp, ngành chức năng quan tâm, giải quyết.
Trong tổng số 15 CCN trên địa bàn: Về đầu tư hạ tầng có 9 cụm được hỗ trợ xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách; 3 cụm do doanh nghiệp làm chủ đầu tư (các CCN: Bình Lục, Trung Lương, Châu Giang) và 3 cụm không có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng là các CCN: Thanh Hải, An Mỹ - Đồn Xá, Tiên Tân. Các CCN đã thu hút hơn 170 doanh nghiệp, hộ đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương. Tuy vậy, hiện tại một số CCN đang phát sinh những tồn tại về quản lý sử dụng đất, môi trường, tiêu thoát nước.
Thực tế, phần lớn các doanh nghiệp trong CCN của tỉnh đều thuộc loại vừa và nhỏ, mặc dù số lượng các dự án thu hút được thời gian qua tăng khá song chưa có dự án sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng lớn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, dẫn đến tình trạng một số dự án hoạt động công suất thấp hơn nhiều so với năng lực sản xuất, trong đó có doanh nghiệp sử dụng chưa hết diện tích được giao hoặc bỏ trống đất gây lãng phí. Thêm nữa, có dự án trong quá trình đầu tư xây dựng thiếu vốn khiến tiến độ thực hiện chậm hơn so với cam kết. Một số dự án đã chuyển đổi ngành nghề, nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan, nhất là về môi trường. Cá biệt, có những hộ kinh doanh tại CCN Nhật Tân tự chia tách đất để tổ chức sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng đến việc quản lý của ngành chức năng.
Đến hết tháng 9 năm 2021, diện tích đất của 14/15 CCN là 283 ha, vượt 47 ha so với chỉ tiêu đất CCN được phân bổ đến năm 2020. Trong khi đó, một số CCN tuy đã có quyết định thành lập, được quy hoạch mở rộng và chấp thuận đầu tư nhưng chưa có quyết định mở rộng như ở các CCN: Kim Bình, Thi Sơn, Trung Lương. Tại CCN Nhật Tân diện tích thực hiện thấp hơn so với diện tích thành lập, vì vậy cần phải điều chỉnh gây khó khăn cho công tác quản lý.
Ngoài ra, ở một số CCN không có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, các doanh nghiệp tự đóng góp vốn xây dựng đường kết nối dẫn đến các tuyến đường xây dựng không đồng bộ. Trong tổng số 13 CCN đã đi vào hoạt động hiện chỉ có 4 CCN (Nhật Tân, Bình Lục, Trung Lương, Châu Giang) được phê duyệt báo cáo tác động môi trường và 2 CCN (Cầu Giát, Trung Lương) được xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung.
Ông Chu Thế Định, Giám đốc Trung tâm phát triển CCN thị xã Duy Tiên cho biết: Trạm xử lý nước thải hỗn hợp được xây dựng từ năm 2017 để xử lý nước thải cho các doanh nghiệp tại CCN Cầu Giát và nước thải từ các làng nghề truyền thống trong khu vực. Trạm có công suất thiết kế 400 m3/ngày đêm nhưng hiện mới chỉ khai thác được 50% công suất, do đó rất mong các địa phương đẩy mạnh huy động vốn lắp đặt hệ thống đường ống thu gom nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề để xử lý tập trung nhằm phát huy hiệu quả vốn đầu tư.
Hiện CCN Thanh Lưu (Thanh Liêm) được hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng bằng nguồn ngân sách nhưng kết cấu hạ tầng giao thông, đường thoát nước sinh hoạt không đồng bộ gây ách tắc, ngập úng cục bộ. Ông Nguyễn Thái Bình, Giám đốc Công ty Cọc và Bê tông Vina 68 cho biết: Sau các trận mưa từ đầu tháng 5 đến nay, tuyến đường trục chính vào CCN Thanh Lưu thường xuyên bị ngập úng. Có những trận mưa kéo dài công ty phải chủ động bơm tiêu liên tục cả ngày nước mới rút. Nguyên nhân do hệ thống đường ống lắp đặt thấp hơn so với mặt kênh tiêu, trong khi đó tuyến kênh này đang xây dựng kiên cố nên lượng bùn chảy tràn làm lấp đường ống từ đó việc tiêu thoát nước không kịp thời.
Với CCN Kim Bình, TP Phủ Lý đang xuất hiện một số tồn tại cần tập trung giải quyết. Ông Đỗ Kim Ngọc, Chủ tịch UBND xã Kim Bình cho biết: Tuyến kênh tưới, tiêu A3-4 có chiều dài 4,8 km, trong đó đoạn qua địa bàn xã chiều dài khoảng 1,5 km đảm nhiệm việc tiêu nước mưa cho CCN Kim Bình và khu dân cư của xã với tổng diện tích 73,5 ha cùng 226,5 ha đất nông nghiệp của các xã: Kim Bình, Tiên Tân (TP Phủ Lý); Hoàng Tây, Văn Xá (Kim Bảng). Hiện, tuyến kênh đang xuống cấp nghiêm trọng, hai bên bờ kênh là đường đất, mái kênh thường xuyên sạt trượt, lún sụt, lòng kênh bị bồi lắng nhỏ hẹp, do đó ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước trong mùa mưa bão.
Để đẩy mạnh phát triển sản xuất tại các CCN, các cấp, ngành cần tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tiêu thoát nước sinh hoạt, nước thải tại các CCN tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa và bảo đảm môi trường sản xuất để các CCN sớm hoàn thành việc phê duyệt báo cáo tác động môi trường. Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý những trường hợp sử dụng đất chưa đúng mục đích đăng ký, đồng thời khẩn trương thống nhất việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết, quyết định thành lập CCN. Từ đó, giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Phùng Thống