Các doanh nghiệp nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh: thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa khó khăn; nhiều doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu phục vụ sản xuất, hoặc không có đơn đặt hàng để sản xuất… Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực duy trì hoạt động không để sản xuất chìm sâu vào khó khăn. 

Các doanh nghiệp nỗ lực khắc phục khó khăn duy trì sản xuất kinh doanh
Dây chuyền sản xuất, chế biến sữa bò tại Công ty cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc.

Công ty TNHH MTV bia Sài Gòn - Phủ Lý là doanh nghiệp phải chịu tác động kép bởi dịch bệnh Covid-19 và Nghị định 100/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ làm cho sản xuất của doanh nghiệp hết sức khó khăn. Đã có thời gian doanh nghiệp phải bố trí việc làm luân phiên, cắt giảm công việc của lao động hợp đồng, tiết kiệm tối đa mọi chi phí… để duy trì sản xuất. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, doanh nghiệp đã tính toán hoạt động lại các dây chuyền sản xuất bia lon và bia hơi. Từ tháng 5, tháng 6 sản xuất đã tăng hơn so với đầu năm do công ty chủ động được nguồn nguyên liệu nhập khẩu và có sản phẩm dồi dào hơn các đơn vị trong cùng hệ thống. Doanh nghiệp duy trì được sản xuất, công nhân không bị nghỉ việc, mất thu nhập. Anh Đinh Quang Bình, công nhân Công ty TNHH MTV bia Sài Gòn- Phủ Lý cho biết: Dịch Covid-19 xảy ra nhưng tôi vẫn đi làm đều, không bị mất thu nhập. Lương khoán theo sản phẩm, có tháng vẫn đạt tới 10 triệu đồng nên tôi rất yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp.

Còn tại Công ty cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc, khi vừa mới bước vào sản xuất thì gặp ngay đại dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ sản phẩm hết sức khó khăn. Nhưng với quyết tâm xây dựng thương hiệu sữa MocBacmilk, doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa tìm kiếm mở rộng thị trường nên vẫn duy trì đều đặn hoạt động. Sau quãng thời gian khó khăn của dịch bệnh, giờ đây sản xuất của doanh nghiệp từng bước tăng công suất, hiện mỗi ngày chế biến từ 500-700 kg sữa nguyên liệu. Ông Nguyễn Văn Can, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc cho biết: Gần đây sản phẩm sữa của công ty đã vào được chuỗi Siêu thị Co.opmart với mã tiêu thụ lớn. Để thuận tiện cho tiêu thụ sản phẩm, vừa qua doanh nghiệp thuê một gian hàng tại Khu hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại (Hà Nội) làm nơi giới thiệu sản phẩm và bán hàng. Hiện nay, thị trường đang ấm dần lên là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát huy khả năng của thiết bị đầu tư, từng bước tiến tới đạt công suất thiết kế.

Theo tìm hiểu tại một số doanh nghiệp, sở dĩ vẫn duy trì được sản xuất là nhờ sự cố gắng rất lớn của HĐQT, ban giám đốc điều hành sản xuất. Trong tình huống “cân não” sản xuất hay là dừng, doanh nghiệp đã chọn sản xuất một phần hoặc tạm dừng một số bộ phận để vẫn có sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng- không bị “gãy” chân hàng. Cách làm này đã giúp cho doanh nghiệp khi có đơn hàng là đáp ứng được ngay và nhanh chóng chớp được thời cơ hiếm hoi trong mùa dịch. Bên cạnh đó còn có nhiều doanh nghiệp đã rất nhanh nhạy tìm kiếm thị trường mới hay chuyển sang sản xuất tạm thời mặt hàng mới. Chẳng hạn như ở Công ty cổ phần may Vina Capital đã tìm kiếm và bước đầu chuyển được sản phẩm sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Chính vì vậy, trong khó khăn công ty vẫn duy trì được sản xuất để tạo việc làm cho lao động và giữ được doanh nghiệp.

Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp, trong lúc khó khăn, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các biện pháp để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, như: hỗ trợ công tác nhập cảnh đối với chuyên gia, người lao động nước ngoài; tham mưu thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện tốt các giải pháp tiền tệ, tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới…

Đầu năm 2020, Công ty cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc tiếp tục được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh thị xã Duy Tiên cho vay thêm vốn lắp đặt máy chiết rót sữa và được giãn nợ để công ty có điều kiện đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ sản xuất, như tủ lạnh công suất lớn, phương tiện vận chuyển… Ông Nguyễn Văn Can cho biết: Nếu không được ngân hàng tiếp sức thì sản xuất của doanh nghiệp khó mà có kết quả như ngày hôm nay. Bởi lẽ vốn liếng đầu tư của doanh nghiệp đã cạn, chỉ cần một phần vốn nhỏ nữa sẽ quyết định đến sản xuất của cả dây chuyền, nhưng với doanh nghiệp lúc này quả thực là điều hết sức khó khăn. Ngân hàng hiểu được cái khó này của doanh nghiệp đã rót vốn đầu tư, giúp công ty vận hành được thiết bị sản xuất theo đúng kế hoạch, tránh được lãng phí rất lớn. 

Tăng cường triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi để góp phần duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến cuối tháng 8/2020, các doanh nghiệp đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 913 tỷ đồng; số lãi đã được miễn, giảm là 17,33 tỷ đồng.

Đặc biệt, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, tỉnh đã đề nghị các cơ quan Trung ương chỉ đạo rà soát doanh nghiệp trong nước có khả năng cung cấp nguồn nguyên liệu tương ứng với các nguồn nguyên liệu đang phải nhập khẩu để phục vụ sản xuất; có phương án hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị để lắp ráp bảo đảm tiến độ, kế hoạch sản xuất kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp; xem xét cơ chế giảm, giãn lãi suất, cơ cấu lại nợ phải trả cho doanh nghiệp; không thanh tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, các doanh nghiệp luôn chủ động vươn lên khắc phục khó khăn, cơ cấu lại sản xuất kinh doanh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Một điều mà nhiều doanh nghiệp nhận ra khi phải đương đầu với đại dịch Covid-19 là “không nên bỏ trứng vào một giỏ” mà phải phát triển đa dạng các ngành nghề, sản phẩm, thị trường tiêu thụ để phòng tránh rủi ro.

Thanh Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy