kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Sứ mệnh hải quân tối mật của Mỹ giúp phát hiện xác tàu Titanic thế nào - Kỳ 1

Sứ mệnh hải quân tối mật của Mỹ giúp phát hiện xác tàu Titanic thế nào - Kỳ 1

Vụ tàu lặn Titan gặp nạn trong hành trình khám phá xác tàu Titanic là một ví dụ mới nhất cho thấy hơn một thế kỷ sau khi đâm phải một tảng băng trôi và chìm dưới đại dương, con tàu Titanic vẫn tiếp tục là mối quan tâm của thế giới. Hành trình tìm Titanic liên quan tới một sứ mệnh tối mật.

Kỳ 1: Sứ mệnh tối mật

Sứ mệnh hải quân tối mật của Mỹ giúp phát hiện xác tàu Titanic thế nào  Kỳ 1
Xác tàu Titanic bị chìm năm 1912 được phát hiện ở đáy đại dương vào năm 1985. Ảnh: National Geographic

Trong hơn 7 thập kỷ, con tàu Titanic vẫn mất tích, ẩn nấp đâu đó bên dưới Bắc Đại Tây Dương rộng lớn. Sau đó, vào ngày 2/9/1985, một đoàn thám hiểm của nhà hải dương học là Tiến sĩ Robert Ballard cuối cùng đã phát hiện ra xác tàu ở độ sâu gần 4 km, khơi dậy nỗi ám ảnh toàn cầu về con tàu và vụ chìm tàu. Tuy nhiên, phát hiện này gần như đã không xảy ra vì tìm kiếm tàu Titanic không có trong kế hoạch chính thức của Tiến sĩ Ballard. Chuyến thám hiểm lịch sử năm 1985 của ông thực sự là một phần trong sứ mệnh bí mật của Hải quân Mỹ nhằm khảo sát xác hai tàu ngầm hạt nhân bị chìm - vụ việc vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của Chiến tranh Lạnh.

Hai tàu ngầm hạt nhân bị chìm là Thresher và Scorpion. Mặc dù Hải quân Mỹ đã tìm thấy hai xác tàu, nhưng họ vẫn chưa hoàn thành xong việc xử lý hai tàu ngầm này. Vì cả hai đều chạy bằng năng lượng hạt nhân nên người ta sợ rằng các lò phản ứng có thể rò rỉ chất phóng xạ ra môi trường xung quanh, buộc Hải quân Mỹ phải thực hiện một số cuộc thám hiểm giám sát vào năm 1965 và 1977 để lấy mẫu nước và trầm tích xung quanh xác tàu. Vào những năm 1980, hoạt động của các lò phản ứng dưới lòng đại dương sâu thẳm đã trở thành chủ đề đặc biệt khi Hải quân Mỹ xem xét việc xử lý các tàu ngầm hạt nhân dư thừa trên biển để tuân thủ các hiệp ước hạn chế vũ khí SALT. Và chính tại đây, ông Robert Ballard đã tham gia.

Tiến sĩ Ballard từ lâu đã bị ám ảnh về việc tìm kiếm xác tàu Titanic. Năm 1977, khi đang làm việc cho Viện Hải dương học Woods Hole ở Massachusetts, ông Ballard đã tiến hành chuyến thám hiểm đầu tiên do tư nhân tài trợ để xác định vị trí xác tàu Titanic. Trên tàu khoan SeaProbe của công ty nhôm Alcoa, ông Ballard đã sử dụng một giàn camera gắn vào một ống khoan dài để lùng sục đáy đại dương. Thật không may, chuyến thám hiểm đã kết thúc trong thảm họa khi đường ống khoan bị vỡ, khiến thiết bị camera hiện đại trị giá 2 triệu USD rơi xuống đáy đại dương. Mặc dù vậy, ông Ballard vẫn tự tin rằng với công nghệ tốt hơn, Titanic cuối cùng sẽ được tìm thấy.

Trở lại Woods Hole, ông Ballard đã sử dụng nguồn tài trợ của Hải quân Mỹ để phát triển một cặp phương tiện điều khiển từ xa (ROV) tiên tiến để khám phá đáy đại dương, gồm Argo - một chiếc xe trượt có camera - và Jason - một robot lặn hoàn toàn di động có thể được điều khiển từ trên mặt nước.

Sứ mệnh hải quân tối mật của Mỹ giúp phát hiện xác tàu Titanic thế nào  Kỳ 1
Ông Robert Ballard. Ảnh: National Geographic

Năm 1982, ông Ballard tiếp cận Hải quân Mỹ để xin tài trợ cho một chuyến thám hiểm xác định vị trí xác tàu Titanic. Mặc dù Hải quân Mỹ ban đầu không quan tâm, nhưng cuối cùng họ nhận ra rằng có thể dùng Argo và Jason để tiến hành một cuộc khảo sát kỹ lưỡng hơn về tàu ngầm Thresher và Scorpion, có khả năng giúp xác định nguyên nhân thực sự của vụ chìm tàu. Sau đó, họ nhận ra thêm rằng sứ mệnh tìm Titanic sẽ là vỏ bọc hoàn hảo cho nhiệm vụ khảo sát hai xác tàu ngầm. Ngoài ra, ông Ballard - bản thân là một cựu sĩ quan Hải quân - có thể được cấp giấy chứng nhận an ninh cần thiết để kiểm tra các tàu ngầm.

Do đó, cả hai bên đã đạt được một thỏa hiệp: Hải quân Mỹ đồng ý tài trợ cho chuyến thám hiểm của ông Ballard, với điều kiện ông phải khảo sát xác tàu Thresher và Scorpion trước. Ông có thể dùng thời gian còn lại sau đó để tìm kiếm Titanic. Như ông Ballard sau này nhớ lại: “Chúng tôi biết vị trí của các tàu ngầm. Điều họ muốn tôi làm là quay trở lại và không để Liên Xô theo dõi tôi, bởi vì chúng tôi quan tâm đến vũ khí hạt nhân trên tàu Scorpion và cả những gì các lò phản ứng hạt nhân đang gây ra cho môi trường”.

Ông Ballard bắt đầu chuyến thám hiểm đầu tiên để chụp ảnh Thresher vào mùa hè năm 1984 trên tàu nghiên cứu Woods Hole RV Knorr. Tiếp theo là vào mùa hè năm sau trong chuyến đi thứ hai để chụp ảnh Scorpion ngoài khơi Azores. Trong cả hai trường hợp, ông Ballard lên đường dưới danh nghĩa là tìm kiếm tàu Titanic và bị cấm tiết lộ mục đích thực sự của sứ mệnh. Ông kể: “Tôi không thể nói với bất cứ ai. Có rất nhiều áp lực đối với tôi. Đó là một nhiệm vụ bí mật. Tôi cảm thấy đó là một cuộc trao đổi công bằng để có cơ hội tìm kiếm Titanic. Chúng tôi đã chuyển dữ liệu cho các chuyên gia. Họ không bao giờ nói với chúng tôi những gì họ kết luận và công việc của chúng tôi là thu thập dữ liệu. Tôi chỉ có thể nói về việc này bây giờ vì nó đã được giải mật”.

Biết rằng lịch trình chính thức sẽ khiến mình có ít thời gian để tìm kiếm Titanic, ông Ballard đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Thám hiểm Biển của Pháp. Trong khi ông Ballard và tàu Knorr khảo sát tàu Scorpion, tàu nghiên cứu của Pháp Le Suroit đã đi trước để trinh sát khu vực tìm kiếm Titanic, khảo sát diện tích 390 km2 dưới đáy biển để tìm các vật thể kim loại lớn. Mục đích là để tàu Le Suroit xác định vị trí các mục tiêu tiềm năng, mà sau này tàu Knorr sẽ điều tra với thiết bị Argo.

Tuy nhiên, bất chấp 5 tuần tìm kiếm, tàu Le Suroit vẫn ra về tay trắng và con tàu bị triệu hồi về Pháp. Vừa hoàn thành việc chụp ảnh con tàu Scorpion, ông Ballard giờ chỉ còn 12 ngày để tự mình tìm ra con tàu Titanic.

Đón đọc kỳ cuối: Phát hiện chấn động

Theo baotintuc.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy