Nhóm tình báo khét tiếng “Ngũ quái Cambridge” - Phần 1

Những người trẻ tuổi, có đặc quyền và giàu có chuyển sang làm gián điệp, thâm nhập sâu vào chính phủ và tuồn nhiều thông tin tình báo quan trọng cho Liên Xô; phóng viên với các chương trình nghị sự mật, vũ khí hạt nhân và các vụ bê bối làm thay đổi vai trò của Anh trong Chiến tranh Lạnh và làm ảnh hưởng nặng nề mối quan hệ đặc biệt giữa Anh và Mỹ. Những điều này nghe giống như cốt truyện của một phim trinh thám, thế nhưng đây lại là câu chuyện có thật xảy ra ở Anh vào những năm của thập niên 1960.

Câu chuyện liên quan đến một nhóm điệp viên được Cơ quan tình báo Liên Xô (NKVD, sau này là KGB) chiêu mộ trong những năm 1930. Các thành viên trong nhóm đã rất thành công trong việc thâm nhập sâu vào Cơ quan Tình báo Anh và bán cho Liên Xô nhiều thông tin quan trọng. Họ được đánh giá là nhóm điệp viên khét tiếng nhất mà phương Tây từng thấy. Nhóm có tên gọi là “Cambridge Five” (Tạm dịch: Ngũ quái Cambridge).

Vì sao gọi là “Ngũ quái Cambridge”
Vào cuối những năm 1920, KGB đã lên kế hoạch xâm nhập vào Cơ quan tình báo Anh. Với mục tiêu cài cắm người vào bộ máy cấp cao chính quyền, kể cả các cơ quan tình báo nội địa MI5, tình báo ngoại tuyến MI6, và Bộ Ngoại giao Anh, tình báo Liên Xô đã nhắm đến những đối tượng là các sinh viên có quan điểm tả khuynh từ các trường đại học hàng đầu của nước này. Họ là những người xuất thân từ các gia đình dòng dõi, có khả năng leo cao, luồn sâu trong các cơ quan quyền lực. Đây được đánh giá là một chiến lược hoàn hảo của KGB.

Công việc tuyển mộ được tiến hành vào đầu những năm của thập niên 1930. Năm 1934, tại Cambridge, tình báo Liên Xô đã nhanh chóng móc nối chiêu mộ được 3 trí thức đầu tiên. Vài năm sau, thêm 2 người nữa gia nhập nhóm này và cái tên “Ngũ quái Cambridge” được biết đến từ đó với lý do đơn giản là tất cả họ đều được chiêu mộ khi còn ở Cambridge. Tất cả 5 thành viên đều tình nguyện hoạt động gián điệp vì lý tưởng chứ không phải vì tiền bạc.

Nhóm tình báo khét tiếng “Ngũ quái Cambridge”  Phần 1
Các thành viên của "Ngũ quái Cambridge". Ảnh: spyscape.com

 Trong kế hoạch này, những người công khai ủng hộ Liên Xô không phải là đối tượng được KGB nhắm đến vì họ có thể dễ bị phát hiện là nguy cơ đối với an ninh Anh hoặc ít có cơ hội thăng tiến trong hệ thống chính trị Anh. Chính vì vậy, sau khi được tuyển dụng, các tân binh đều được hướng dẫn từ bỏ việc ủng hộ Liên Xô một cách công khai và tìm những vị trí giúp họ hòa nhập nhanh nhất vào các cơ sở Anh.

Những thành viên đầu tiên của “Ngũ quái Cambridge” là Guy Burgess, Donald Maclean và Harold “Kim” Philby. Vào thời điểm đó, Guy Burgess đang có mối quan hệ đồng giới với một cựu sinh viên Cambridge khác là Anthony Blunt, người sau này cũng được “tuyển” vào năm 1937 cùng với John Cairncross. Đây là những người được công nhận là thành viên chính thức của "ngũ quái".

Các điệp viên khác được KGB “tuyển” tại Cambridge là Leo Long, Michael Witney Straight, Dennis Proctor và Alister Watson. Trong đó, Alister Watson chưa bao giờ thừa nhận hành động gián điệp của mình. Do những người này hoạt động tương đối độc lập nên họ không thực sự được xem là thành viên của “Ngũ quái Cambridge”. Cho đến nay, việc có chính xác bao nhiêu điệp viên đã được KGB tuyển dụng vào nhóm gián điệp này vẫn còn là một ẩn số.

Vào thời kỳ đỉnh cao, tất cả các thành viên đều nắm giữ những vị trí quan trọng và có tầm ảnh hưởng trong chính phủ Anh. Điều này giúp họ tiếp cận sâu và cung cấp được những thông tin nhạy cảm cho Liên Xô từ cuối thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai và giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh.

Chân dung của “Ngũ quái Cambridge”

Xuất thân, tính cách, cuộc sống và công việc của 5 thành viên “Ngũ quái Cambridge” có lẽ thu hút không ít trí tưởng tượng của nhiều người. Trong số 5 thành viên, Kim Philby là nhân vật được đánh giá nổi bật nhất, hoạt động tích cực nhất. Về ngoại hình và tính cách, Kim Philby là một người hào hoa, hòa nhã, dễ thích nghi với hoàn cảnh, không cầu kỳ, luôn là ẩn số mà phái nữ muốn khám phá. Ông kết hôn 4 lần và người vợ cuối cùng của ông là Rufina Ivanovna Pukhova, một người Nga gốc Ba Lan. Về công việc, trong cuốn sách của mình, Yuri Modin, người phụ trách cuối cùng của nhóm điệp viên này, nhận xét đây là “điệp viên vĩ đại nhất của thế kỷ”.

Nhóm tình báo khét tiếng “Ngũ quái Cambridge”  Phần 1
Kim Philby trong một cuộc họp báo vào năm 1955. Ảnh: AP 

Kim Philby sinh ra trong một gia đình công chức cấp cao. Sau khi tốt nghiệp đại học, Kim kết hôn và tới Tây Ban Nha, nơi ông làm việc với vai trò là phóng viên chiến trường cho tờ London Times chuyên đưa tin về Nội chiến ở nước này. Với kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài, Kim đã thu hút được sự chú ý của MI6 và nhận được lời đề nghị làm việc của cơ quan này từ năm 1941. Ông thăng tiến như “diều gặp gió” và trở thành một trong những đặc vụ đáng tin cậy nhất trong tổ chức. Trong giai đoạn 1944-1946, Philby giữ cương vị trưởng bộ phận phản gián chống Liên Xô trong cơ quan tình báo Anh. Năm 1949, Kim Philby được bổ nhiệm tới Washington D.C. với vai trò là liên lạc viên của tình báo Anh với Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra Liên bang (FBI). Sau cuộc đào tẩu của cộng sự vào năm 1951, Kim Philby bị MI6 và tình báo Mỹ nghi ngờ. Tuy nhiên, bằng tài trí của mình, Kim Philby đã nhanh chóng xóa tan mọi nghi vấn và được MI6 tái tuyển dụng và làm việc tại Trung Đông dưới vỏ bọc là phóng viên. Năm 1962, vỏ bọc bị lộ và Kim Philby trốn sang Liên Xô.

Kim Philby tự nhận mình là một người có “thần may mắn” đồng hành bởi trong một số tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, ông đều hóa giải được và thoát nạn. Không lâu trước khi qua đời, Kim Philby nói: “Tôi thực sự là một người vô cùng may mắn. Trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất khi tôi biết chắc đây là đường cùng, không lối thoát thì bỗng một vận may đến với tôi”.  

Donald Maclean là người cao ráo, đẹp trai và có lối sống giản dị, là con trai nghị sĩ, bộ trưởng giáo dục trong nội các của Thủ tướng Stanley Baldwin. Donald Maclean làm việc cho Bộ Ngoại giao Anh ngay sau khi tốt nghiệp đại học, từng công tác ở Paris, Washington, Cairo và lên đến chức Vụ trưởng châu Mỹ của Bộ Ngoại giao Anh. Trong cuốn sách của mình, Yuri Modin đã mô tả khả năng chính trị của Donald Maclean là vô cùng có giá trị. Donald Maclean kết hôn với Melinda Marling và có hai người con. Không lâu sau khi đào tẩu, cả gia đình Maclean đã đoàn tụ tại Nga. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của họ được miêu tả là đầy sóng gió khi có nhiều thông tin về sự không chung thủy của cả hai. Năm 1979, Melinda trở về Mỹ và mất năm 2010.

Nhóm tình báo khét tiếng “Ngũ quái Cambridge”  Phần 1
Donald Maclean cùng vợ Melinda Marling và hai con. Ảnh: Getty Images 

Guy Burgess có vẻ ngoài đẹp trai, hào hoa và quyến rũ, nhưng ông lại là một người nghiện rượu, bê tha và luộm thuộm. Trong cuốn sách của mình, tác giả Andrew Lownie miêu tả, Burgess là một kẻ vô tổ chức và vô trách nhiệm đến mức khó có thể tin rằng ông ta lại được tuyển mộ làm công tác tình báo. Là con trai của một sĩ quan hải quân, nhưng Burgess đã không lựa chọn nối gót sự nghiệp của cha mình. Nhờ những mối quan hệ với những người quyền lực, Burgess thuận lợi bước vào cơ quan tình báo Anh và tiếp cận những thông tin bí mật hữu ích cho Liên Xô vào thời điểm đó. Sự nghiệp của Burgess kéo dài khoảng 12 năm cho đến khi trốn sang Nga cùng với Donald Maclean. Burgess cũng đã từng làm việc cho MI5 và được Yuri Modin mô tả là “thủ lĩnh thực sự của nhóm”. Guy Burgess qua đời năm 1963 trong một cơn say rượu.

Anthony Blunt được miêu tả là người cao ráo, quyến rũ và kiêu ngạo, sinh ra trong gia đình linh mục và có họ hàng với hoàng gia. Trong chiến tranh, Blunt phục vụ cho M15. Nhờ chuyên môn về lịch sử nghệ thuật, Blunt sau đó trở thành Giám đốc của Viện Nghệ thuật Courtauld và tiếp đó là cố vấn nghệ thuật hoàng gia. Năm 1956, Blunt thậm chí còn được phong tước hiệp sĩ. Trong các thành viên của “Ngũ quái Cambridge”, Blunt có thời gian hoạt động lâu nhất là 30 năm và không bị phát hiện với tư cách là một điệp viên cho đến khi ông thú nhận vào năm 1964 để đổi lấy sự bảo vệ khỏi bị truy tố. Năm 1979, dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher, thông tin Blunt là điệp viên cho Liên Xô được công khai, Blunt bị tước danh hiệu hiệp sĩ cùng các danh hiệu học thuật khác. Ông là thành viên duy nhất vẫn ở lại Anh sau khi bị lộ thân phận. Blunt sống thu mình cho đến khi qua đời vì đau tim.

Nhóm tình báo khét tiếng “Ngũ quái Cambridge”  Phần 1
Anthony Blunt tại một cuộc họp báo vào năm 1979. Ảnh: Getty Images

John Cairncross được xác định là nhân vật thứ 5 của “Ngũ quái Cambridge” vào những năm 1990. Năm 1936, John Cairncross được nhận vào Bộ Ngoại giao sau khi vượt qua kỳ thi tuyển với số điểm xuất sắc. Năm 1942, ông gia nhập Binh chủng thiết giáp hoàng gia. Nhờ thông thạo tiếng Đức, Cairncross được giao phiên dịch tiếng Đức tại Bletchley Park, trung tâm giải mã thông tin liên lạc quân sự của Đức cho quân đội và các cơ quan tình báo. Sau vụ đào tẩu của các cộng sự, thư từ liên lạc giữa Cairncross và “Ngũ quái Cambridge” đã được tìm thấy. John Cairncross đã phủ nhận việc làm gián điệp nhưng thừa nhận đã cung cấp tin cho Guy Burgess. Tuy nhiên, sau khi Kim Philby bỏ trốn, Cairncross bị tái thẩm vấn và lần này phải thừa nhận khi một loạt các bằng chứng không thể chối cãi được đưa ra.  

Modin sau này nhớ lại: “Tôi thích Cairncross nhất trong số tất cả các đặc vụ ở London của chúng tôi. Anh ấy không phải là người dễ đối phó, nhưng anh ấy là một người rất tử tế”.  

(Còn nữa)

Theo qdnd.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.