Võ Tắc Thiên là một nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Bà có năng lực phi thường, lập ra Vương triều Võ Chu, bà đã thực hiện quản lý chính sách hợp lý và thúc đẩy văn hóa phát triển thịnh vượng. Bà chính là người đã phát minh ra “chế độ che giấu tên trong đề thi” để giảm bớt gian lận trong các kỳ thi khoa cử, tuyển chọn nhân tài có xuất thân nghèo khó và phá bỏ sự độc quyền của các gia đình quý tộc.
Phát minh này của Võ Tắc Thiên cho đến nay vẫn được Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới sử dụng trong các kỳ thi. Võ Tắc Thiên tuy là nữ giới nhưng lại có thể lên ngôi Hoàng đế. Ngoài mưu kế tàn nhẫn thì không thể không kể đến năng lực chính trị và tầm nhìn của bà.
Trên thực tế, trong số hàng trăm vị Hoàng đế trong lịch sử phong kiến, năng lực của Võ Tắc Thiên chắc chắn được liệt vào nhóm đầu. Nếu phải đánh giá hay mô tả cuộc đời của Võ Tắc Thiên thì ít nhất mọi việc làm của bà nên được đánh giá từ góc độ của một chính trị gia.
Sau khi soán ngôi nhà Đường và lập nên vương triều của chính mình, Võ Tắc Thiên luôn có tâm lý bài xích đối với những gia đình quý tộc trung thành với nhà Đường, nên bà quyết định ủng hộ mạnh mẽ các sĩ tử có xuất thân nghèo hàn.
Trên thực tế, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, chỉ có các sĩ tử xuất thân nghèo khó mới biết ơn sự ủng hộ của bà. Hầu hết các gia đình quý tộc thậm chí còn coi thường chế độ của nhà Đường, chứ đừng nói đến bà – một nữ Hoàng đế đã soán ngôi nhà Đường và lập vương triều của chính mình.
Xuất phát từ nhu cầu củng cố quyền lực của mình, các sĩ tử, học giả xuất thân nghèo khó đã trở thành đối tượng lựa chọn hàng đầu để ủng mịnh của nữ đế Võ Tắc Thiên.
Chế độ thi cử do Tùy Dạng Đế thời nhà Tùy phát minh đã đạt được vinh quang thực sự dưới thời Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên thúc đẩy mạnh mẽ chế độ thi cử của triều đình.
Trước triều đại của bà, mặc dù thời nhà Đường có tổ chức các khoa thi, tuy nhiên chức vụ quan lại trong triều vẫn nằm trong tay những gia đình giàu có, và vai trò của chế độ thi cử cũng không được phát huy như mong muốn. Do đó, Võ Tắc Thiên đã thúc đẩy mạnh mẽ việc tổ chức các kỳ thi tuyển nhân tài, với mục đích này, bà đã đổi mới và phát minh ra “chế độ bảo mật đề thi”.
Trước khi “chế độ bảo mật đề thi” xuất hiện, đề thi của các kỳ thi khoa bảng không được giữ bí mật, giám khảo có thể trực tiếp nhìn thấy tên của các thí sinh, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến một số trường hợp gian lận, thiên vị.
Trên thực tế, do xảy ra hiện tượng gian lận, thiên vị quá nghiêm trọng nên triều đình luôn gặp khó khăn trong việc tuyển chọn những nhân tài thực sự, cuối cùng hầu hết các quan chức trong triều đều là những người tầm thường, không có năng lực. Vì thế, Võ Tắc Thiên đã quyết định thực hiện những cải cách triệt để nhằm thay đổi tình trạng này, nhưng ngay từ đầu bà đã không ủng hộ việc thi cử.
Võ Tắc Thiên lúc đầu cũng thực hiện chế độ đề cử, giới thiệu trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, bà nhận thấy trong số những người được đề cử, có rất nhiều người là những người có quan hệ thật giả lẫn lộn và không có năng lực thực sự. Sự tồn tại của họ khiến triều đình Võ Chu trở nên vô cùng kém hiệu quả trong công tác điều hành. Có thể nói, chế độ thi cử của triều đình là phương pháp mà Võ Tắc Thiên cuối cùng đã áp dụng sau khi không tìm được cách nào để tuyển dụng được nhân tài.
“Chế độ bảo mật đề thi” do bà đề xuất đã trực tiếp đưa công tác thi cử của triều đình dần đi đúng hướng, trở thành con đường duy nhất để các sĩ tử, học giả nghèo và thậm chí là các nhân sĩ có học vấn bước vào sự nghiệp thi cử chính thức và đạt được thành tích đúng với năng lực thực sự của mình.
Võ Tắc Thiên ra lệnh, các kỳ thi của triều đình không chỉ yêu cầu bắt buộc phải tham gia thi, mà còn phải giấu tên thí sinh trên các bài thi, giám khảo sẽ chấm bài mà không biết tên thí sinh, có như vậy mới có thể lựa chọn các quan chức thực sự có tài năng.
Hơn nữa, sau khi giám khảo đánh giá năng lực thí sinh qua các bài thi, Võ Tắc Thiên còn tiến hành một cuộc kiểm tra trực tiếp trong cung. Bà sẽ ra đề ngày tại hiện trường, yêu cầu thí sinh ra đáp án, sau đó đích thân bà sẽ tuyển chọn ra Trạng nguyên của kỳ thi.
Những nhân tài này không chỉ là trụ cột quan trọng trong việc củng cố sự cai trị của Võ Tắc Thiên lúc bấy giờ, mà một số người trong số họ sau này còn là những danh thần hiền tướng phụ tá Huyền Tông “Khai Nguyên Chi Trị”, như Diêu Sùng, Tống Cảnh...
Việc đề cao và phổ biến rộng rãi việc giấu tên trong bài thi khiến việc tuyển chọn, sử dụng nhân tài của triều đình trở nên thuyết phục hơn. Việc bổ nhiệm, bãi nhiệm các quan chức không còn chỉ dựa trên kinh nghiệm và ấn tượng mà dựa trên thành tích đạt được trong kỳ thi tuyển. Điều này đã loại bỏ một lượng lớn những người tầm thường không có năng lực được đề cử, triều đình không còn phải tốn nhiều công sức, tiền bạc để hỗ trợ những người nhàn rỗi này, qua đó cũng giúp nhà Đường có thể hoạt động hiệu quả hơn.
Ngoài ra, vào thời nhà Tống, việc giấu tên trên bài thi thường được gọi là “niêm phong”, có nghĩa là họ tên, quê quán và thông tin sơ bộ của thí sinh ở đầu bài thi sẽ được niêm phong hoặc cắt bỏ để tránh việc giám khảo có hành vi gian lận hoặc thiên vị. Năm 992, Giám thừa Phủ Điền Trần Tĩnh dâng tấu, đề nghị sử dụng biện pháp giấu tên trên bài thi trong kỳ thi khoa cử và được Tống Thái Tông chấp nhận. Năm 1008, Luật giấu tên được thực hiện trong kỳ thi cấp tỉnh.
Sau khi áp dụng phương pháp giấu tên, Tống Chân Tông vui mừng nói với tể tướng Vương Đán và các quan lại khác rằng: “Những người được đề cử năm nay đều rất sợ hãi khi thực hiện việc giấu tên vào trường thi, nhưng những người có năng lực đều rất thích điều này".
Có thể nói, chế độ giấu tên trong bài thi do Võ Tắc Thiên phát minh đã được sử dụng cho đến tận ngày nay, khi làm bài thi, chúng ta vẫn phải tránh để lại những thông tin cá nhân như ký hiệu hoặc họ tên trên bài thi và phải hoàn toàn được bảo mật cho đến khi đọc bài chấm xong bài thi.
Chế độ giấu tên trong bài thi được phát minh là để ngăn chặn hành vi thiên vị và gian lận, mặc dù nó thực sự không thể ngăn chặn được hoàn toàn hành vi gian lận trong thi cử, nhưng cũng làm giảm đáng kể những hành vi này xảy ra.
Trên thực tế, thành tích của Võ Tắc Thiên còn hơn thế rất nhiều. Chỉ riêng việc thúc đẩy mạnh mẽ chế độ thi cử của triều đình cũng đủ khiến bà nổi tiếng trong lịch sử. Tuy nhiên, vì thân phận là phụ nữ nên nhiều thế hệ tương lai có thành kiến với bà và cho rằng bà quá tôn sung quyền lực và con đường chiếm đoạt ngai vàng của bà không quang minh chính đại.
Theo Báo Tin Tức