Khrushchev và Kennedy đã thư từ bí mật như thế nào để ngăn chặn ngày tận thế hạt nhân?

Khi căng thẳng giữa Liên Xô và Mỹ lên đến đỉnh điểm với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, thế giới đang đứng trên bờ vực tận thế hạt nhân. Chỉ có mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev và Tổng thống John F. Kennedy, cũng như sự sẵn sàng thỏa hiệp của họ mới có thể tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.

Nikita Khrushchev và John F. Kennedy gặp nhau lần đầu vào ngày 4-6-1961 tại Hội nghị thượng đỉnh Vienna. Đây là một trong những cuộc gặp không thành công nhất trong lịch sử quan hệ Xô - Mỹ. Trước hội nghị thượng đỉnh, các cố vấn của nhà lãnh đạo Khrushchev đã mô tả anh em nhà Kennedy là “những gã mặc quần ngắn” nhu nhược, dễ trở thành mục tiêu cho những cuộc tấn công bằng lời nói. Về phần mình, các cố vấn của Kennedy cũng không thể đưa ra cho Tổng thống một chiến lược đàm phán tích cực, vì họ đều là “kẻ thù cay đắng của Cộng sản”.

Khrushchev và Kennedy đã thư từ bí mật như thế nào để ngăn chặn ngày tận thế hạt nhân
 Hai nhà lãnh đạo John Kennedy và Nikita Khrushchev tại hội nghị thượng đỉnh Vienna. Ảnh: Getty Images

Các nhà lãnh đạo của hai khối cạnh tranh từ lâu đã sa lầy vào những tranh cãi trừu tượng và khá gay gắt về các vấn đề ý thức hệ và vận mệnh của thế giới mà không bao giờ đi đến những thực tế cụ thể. Sau Hội nghị thượng đỉnh Vienna, không có văn bản chính thức nào được ký kết. Hội nghị nhằm mục đích đẩy nhanh sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh nhưng thực tế đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ và dẫn đến cuộc khủng hoảng Berlin lần thứ hai. 

Thư từ bí mật

Bất chấp thất bại của hội nghị thượng đỉnh Vienna, cả Khrushchev và Kennedy đều không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh lớn mới. Ngay từ tháng 9-1961, Khrushchev đã gửi cho Kennedy một bức thư dài 26 trang, qua đó ông cố gắng hàn gắn lại quan hệ. Bức thư có đoạn viết: “Suy nghĩ của tôi đã hơn một lần quay trở lại cuộc gặp của chúng ta ở Vienna. Tôi nhớ Ngài từng nhấn mạnh rằng Ngài không muốn chiến tranh và muốn sống hòa bình với đất nước chúng tôi ngay cả khi chúng ta cạnh tranh trong các lĩnh vực dân sự. Và mặc dù các sự kiện tiếp theo không diễn ra như chúng ta mong đợi, tôi nghĩ rằng sẽ hữu ích nếu nói chuyện thân mật với Ngài và chia sẻ một số ý tưởng của tôi với Ngài. Nếu không đồng ý, Ngài có thể coi như bức thư này không tồn tại. Và đương nhiên, về phần tôi, tôi sẽ không sử dụng bức thư này trong các tuyên bố công khai của mình. Suy cho cùng, chỉ trong thư từ mật chúng ta mới có thể nói ra điều mình nghĩ mà không để ý đến báo chí, nhà báo”. 

Khrushchev và Kennedy đã thư từ bí mật như thế nào để ngăn chặn ngày tận thế hạt nhân
Khrushchev (người cầm mũ) viết lá thư đầu tiên cho Kennedy tại một căn nhà gỗ trên bờ Biển Đen. Ảnh: russiainphoto.ru 

Cũng trong bức thư trên, nhà lãnh đạo Liên Xô bất ngờ so sánh hành tinh này với con tàu Noah-nơi cả động vật “tinh khiết” và “không tinh khiết” tìm được nơi ẩn náu. Bức thư viết: “Không quan trọng ai xếp vào hàng “tinh khiết” và ai bị coi là “không tinh khiết”, tất cả đều đều quan tâm về cùng một điều, đó là con tàu tiếp tục hành trình thành công. Và chúng ta không có lựa chọn nào khác: Hoặc chúng ta sống trong hòa bình và hợp tác để con tàu nổi hoặc nó sẽ chìm”. 

John F. Kennedy đánh giá cao ý tưởng của Khrushchev về bức thư không chính thức này. Ông đồng ý giữ bí mật. “Tôi thực sự đánh giá cao sự ví dụ của ngài về con tàu Noah, quyết tâm nổi lên với cả thứ “tinh khiết” và “không tinh khiết”. Bất chấp những khác biệt của chúng ta, sự hợp tác của chúng ta để duy trì hòa bình cũng cấp bách, nếu không muốn nói là khẩn cấp hơn sự hợp tác của chúng ta để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh thế giới vừa qua”.

Khrushchev và Kennedy thích liên lạc bằng cách bỏ qua các kênh liên lạc chính thức để càng ít người ở Điện Kremlin và Nhà Trắng biết về thư từ của họ càng tốt. Nhà lãnh đạo Liên Xô có người trung gian riêng ở Washington, người có thể đóng vai trò liên lạc giữa hai nhà lãnh đạo.

Khrushchev và Kennedy đã thư từ bí mật như thế nào để ngăn chặn ngày tận thế hạt nhân
Georgy Bolshakov, Phó tổng biên tập Tạp chí Liên Xô ở Washington, một vỏ bọc lý tưởng cho một điệp viên của Tổng cục Tình báo (GRU). Ảnh: rbth.com

Trong hồi ký của Robert Francis Kennedy Jr, cháu trai của Tổng thống John Kennedy, có đoạn viết về nhân vật trung gian này: “Có một điệp viên Liên Xô thỉnh thoảng đến nhà chúng tôi. Anh ấy tên là Georgy Bolchkov. Bố mẹ tôi đã gặp anh ấy ở Đại sứ quán. Họ đã đi dự một bữa tiệc hoặc tiệc chiêu đãi tại Đại sứ quán Nga. Và anh ấy đã tiếp cận họ, họ biết rằng anh ta là đặc vụ của cả Tổng cục Tình báo (GRU) và KGB. Anh ấy thường đến nhà chúng tôi. Bố mẹ tôi thực sự thích anh ấy bởi sự quyến rũ con người này. Anh ấy cười và nói đùa liên tục. Anh ấy từng tham gia các cuộc thi leo dây và chống đẩy với bố tôi. Anh ấy biết nhảy điệu nhảy Nga, điệu nhảy Cossack. Thậm chí, còn dạy lại cho chúng tôi. Và chúng tôi biết anh ta cũng là gián điệp. Đó là khi bộ phim James Bond lần đầu tiên ra mắt. Vì vậy, thật thú vị khi chúng tôi phát hiện một điệp viên Nga thực sự trong nhà. Bộ Ngoại giao đã kinh hoàng trước điều đó... Khrushchev đã gửi bức thư dài này cho chú tôi mà không muốn thông qua Bộ Ngoại giao hay Đại sứ quán Liên Xô. Ông ấy gửi thư qua Bolshakov, Bolshakov chuyển qua cho Georgi, Georgi đưa cho Pierre Salinger. Người này để lá thư trong tờ báo New York Times và chuyển cho chú tôi”. 

Sau đó, Bolshakov đã gặp Robert Kennedy và Salinger nhiều lần để chuyển tải những thông điệp bằng miệng và bằng văn bản từ Khrushchev. Ngoài ra, lãnh đạo hai siêu cường đã đồng ý thiết lập đường dây nóng. Một chiếc điện thoại màu đỏ có thể liên lạc trực tiếp với nhà lãnh đạo Liên Xô đã xuất hiện trong dinh thự của Tổng thống Mỹ.

Thế giới bên bờ vực

Tuy nhiên, sự tôn trọng lẫn nhau giữa Kennedy và Khrushchev đã không ngăn được cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Năm 1961, tên lửa hạt nhân PGM-19 Jupiter của Mỹ được triển khai tới Thổ Nhĩ Kỳ. Loại tên lửa có thể phá hủy các trung tâm công nghiệp chính trên khu vực châu Âu của Liên Xô chỉ trong 15 phút. Các nhà lãnh đạo Liên Xô và chính Khrushchev coi việc triển khai những tên lửa này như một sự sỉ nhục.

Liên Xô ngay lập tức có động thái đáp trả. Ngay từ tháng 8-1962, những con tàu của Liên Xô chở tên lửa đạn đạo đầu tiên đã neo đậu ở Cuba. Đến giữa tháng 10, trên “hòn đảo tự do” đã có 40 đầu đạn hạt nhân và 40.000 binh sĩ, sĩ quan quân đội Liên Xô. 

Khrushchev và Kennedy đã thư từ bí mật như thế nào để ngăn chặn ngày tận thế hạt nhân
Tổng thống Kennedy ký sắc lệnh phong tỏa hải quân Cuba vào ngày 23-10-1962. Ảnh: rbth.com

Kennedy rất tức giận với động thái của Khrushchev, trong khi bản thân Khrushchev không thể tha thứ cho Kennedy về việc triển khai tên lửa tới Thổ Nhĩ Kỳ và kế hoạch xâm lược Cuba khác. Tình hình vô cùng căng thẳng, thế giới chưa bao giờ cận kề một thảm họa hạt nhân đến thế. 

“Tôi nghĩ Ngài sẽ nhận ra rằng bước đầu tiên dẫn đến tình hình hiện tại là chính phủ các ngài đã bí mật cung cấp vũ khí tấn công cho Cuba” (trích từ thông điệp của Kennedy gửi Khrushchev ngày 23-10-1962).

Sau đó, trong thông điệp gửi Kennedy ngày 27-10-1962, Khrushchev viết: “Ngài lo ngại về Cuba. Ngài nói điều đó làm ngài khó chịu vì nó cách bờ biển Hợp chúng quốc Hoa Kỳ 90 hải lý. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ là hàng xóm của chúng tôi; lính gác của chúng tôi băng qua đường và quan sát lẫn nhau trong quá trình tuần tra. Tại sao ngài cho rằng ngài có quyền yêu cầu bảo đảm an ninh cho đất nước của mình và rút vũ khí mà ngài gọi là tấn công, nhưng lại không trao cho chúng tôi quyền tương tự?”. 

Khrushchev và Kennedy đã thư từ bí mật như thế nào để ngăn chặn ngày tận thế hạt nhân
 Một chiếc máy bay U-2 của Mỹ giám sát một tàu chở hàng của Liên Xô trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Ảnh: rbth.com

Khrushchev và Kennedy đã cố gắng đến cùng để tránh thảm họa, vì họ đã tận mắt chứng kiến sự khủng khiếp của một cuộc chiến tranh thế giới. Kennedy là Tổng thống duy nhất của Mỹ nhận được Huân chương Trái tim Tím. Cá nhân ông đã chiến đấu chống lại liên minh Đức Quốc xã ở Thái Bình Dương. Tàu của Kennedy bị tàu khu trục Nhật Bản đâm, 3 đồng đội của ông thiệt mạng, Kennedy phải dìu một đồng đội bị thương nặng để bơi quãng đường hơn 9km vào bờ. Còn Khrushchev tham gia trận Stalingrad - một trong những trận chiến khủng khiếp nhất thế kỷ 20, cướp đi sinh mạng của hơn 2,6 triệu người. 

Và bất chấp mong muốn của các tướng lĩnh ở Washington và Moscow là thử sức quân đội của họ trong chiến đấu, các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô vẫn giữ vững lập trường và cam kết tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Trong thư gửi Kennedy ngày 28-10-1962, Khrushchev viết: “Có lẽ chúng ta coi trọng hòa bình hơn các dân tộc khác vì chúng ta đã trải qua cuộc chiến tranh khủng khiếp chống lại Hitler. Nhưng nhân dân ta sẽ không dao động, dù có gặp thử thách nào... Nếu những kẻ khiêu khích phát động chiến tranh, họ sẽ không thoát khỏi trách nhiệm và những hậu quả nghiêm trọng mà chiến tranh sẽ gây ra cho họ. Nhưng chúng tôi tin rằng lý trí sẽ chiến thắng, chiến tranh sẽ không bắt đầu và hòa bình, an ninh của các dân tộc sẽ được đảm bảo”.

Tìm lối thoát khỏi khủng hoảng

Đêm 28-10-1962, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Robert F. Kennedy đã bí mật gặp Đại sứ Liên Xô Anatoly Dobrynin để đề xuất một thỏa thuận hòa bình với các điều kiện sau: Khrushchev sẽ ra lệnh rút vũ khí hạt nhân khỏi Cuba, trong khi Tổng thống Kennedy cam kết dỡ bỏ vũ khí hạt nhân phong tỏa Cuba và tháo dỡ tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 6 tháng.

Khrushchev và Kennedy đã thư từ bí mật như thế nào để ngăn chặn ngày tận thế hạt nhân
Tổng thống John Kennedy và nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev tại hội nghị thượng đỉnh Vienna. Ảnh: Getty Images 

Đó là một thỏa thuận miệng, không có chữ ký hay bảo đảm. Nhưng cả hai bên đều tôn trọng các điều khoản. Đến ngày 20-11-1962, không còn một đầu đạn hạt nhân nào của Liên Xô ở Cuba và Kennedy đã ra lệnh dỡ bỏ lệnh phong tỏa hòn đảo. Vài tháng sau, tên lửa Jupiter của Mỹ được rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Khrushchev và Kennedy nhận thức được rằng họ phải giữ liên lạc vì đây là cách duy nhất để tránh sự thù hận lẫn nhau và đưa ra những quyết định đầy hậu quả không thể khắc phục được. Điều quan trọng là phải nhận thức được rằng ngay cả kẻ thù cũng vẫn là con người: Có lẽ chính lòng nhân đạo là đặc trưng của mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo của hai siêu cường đã cứu thế giới vào tháng 10-1962.

Theo qdnd.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy