Năm 1954, các kỹ sư người Anh tham gia dự án Blue Peacock đã thiết kế một quả mìn hạt nhân để sử dụng chống Liên Xô. Dự án này kỳ lạ ở chỗ là phải dùng gà sống để ủ ấm cho mìn hạt nhân.
Điệp viên Maroc bí ẩn - Tâm điểm của cuộc điều tra bê bối tham nhũng rúng động Nghị viện châu Âu
Theo trang allthatsinteresting, khi "Bức màn Sắt" hình thành khắp châu Âu sau Thế chiến thứ hai, các quốc gia ở cả hai bên bắt đầu lên kế hoạch về những việc cần làm nếu Chiến tranh Lạnh trở nên nghiêm trọng. Khi cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân bắt đầu, người Anh đã nghĩ ra Chiến dịch Blue Peacock tuyệt mật để ngăn chặn một cuộc tấn công mà họ cho là Liên Xô có thể thực hiện.
Kế hoạch của người Anh là chôn mìn hạt nhân trên khắp Tây Đức để mìn phát nổ nếu Liên Xô tìm cách đưa quân vào. Vấn đề của mìn hạt nhân là thời tiết lạnh có thể khiến mìn không phát nổ.
Giải pháp mà họ đưa ra là nhốt những con gà sống bên trong những quả mìn đã chôn để giữ ấm cho mìn. Nghe có vẻ quá kỳ lạ và khó trở thành sự thật, nhưng Blue Peacock là chiến dịch có thật.
Chiến tranh Lạnh đã châm ngòi chạy đua vũ trang hạt nhân
Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc vào năm 1945, nhưng một cuộc đối đầu mới đã sớm bao trùm thế giới. Lần này, cuộc xung đột khiến các cường quốc hạt nhân chống lại nhau.
Vào những năm 1950, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối đầu với Hiệp ước Warsaw và Đức là khu vực số không. Bị chia đôi sau Thế chiến thứ hai, đất nước này là chiến trường mà Chiến tranh Lạnh dễ trở nên nóng bỏng.
Câu hỏi là các bên sẽ làm tới mức nào để giành chiến thắng? Về phần mình, người Anh sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân. Đầu những năm 1950, theo The Guardian, Quân đội Anh đã đưa ra một ý tưởng táo bạo có mật mã là Blue Peacock.
Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Vũ khí Hoàng gia Anh (RARDE) đã nghiên cứu nhiều cách để ngăn chặn Liên Xô bằng vũ khí hạt nhân, nhưng dự án Blue Peacock liên quan đến một thứ hơi khác thường: mìn nguyên tử.
RARDE đề nghị chôn mìn ở đồng bằng Bắc Đức. Nếu Liên Xô tiến vào lãnh thổ phương Tây, người Anh sẽ kiên nhẫn đợi để Liên Xô thiết lập sở chỉ huy và kho tiếp tế, sau đó cho nổ mìn ngay bên dưới.
Những quả mìn này cũng không nhỏ. Với sức công phá 10 kiloton, mỗi quả mìn mạnh bằng một nửa quả bom nguyên tử đã hủy diệt thành phố Nagasaki ở Nhật Bản năm 1945 và sẽ để lại một miệng hố to hơn sân bóng đá trên mặt đất khi phát nổ. Sau vụ nổ của mìn hạt nhân, các vùng rộng lớn của châu Âu sẽ bị bụi phóng xạ bao phủ.
Ngoài việc tiêu diệt lực lượng Liên Xô, người Anh còn hy vọng mìn hạt nhân sẽ khiến Liên Xô không thể bám trụ vì ô nhiễm phóng xạ sẽ khiến Liên Xô rời khỏi Đức.
Theo một tài liệu chính sách tuyệt mật năm 1955, một quả mìn nguyên tử được bố trí khéo léo sẽ không chỉ phá hủy các cơ sở và công trình trên một khu vực rộng lớn, mà còn khiến đối phương không thể ở khu vực trong một khoảng thời gian đáng kể do ô nhiễm phóng xạ.
Nhưng mặc dù ban đầu Blue Peacock nghe có vẻ là một vũ khí đầy hứa hẹn, nhưng dự án cũng có một số sai sót mà các kỹ sư cần tìm ra giải pháp.
Quả bom hạt nhân được gà ủ ấm
Một trong những tình huống khó giải quyết đầu tiên mà người Anh gặp phải là làm thế nào để kích nổ những quả mìn mới. Theo trang Popular Mechanics, một lựa chọn là chôn vội từng quả mìn được cài đặt hẹn giờ 8 ngày nếu lực lượng Liên Xô bắt đầu tiến vào.
Các quan chức cũng cân nhắc kích hoạt mìn hạt nhân từ xa hoặc lập trình để chúng phát nổ trong vòng 10 giây nếu chúng bị động chạm. Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề khác là thời tiết. Nhiệt độ thường xuống dưới mức đóng băng ở miền Bắc nước Đức trong suốt mùa đông, đặc biệt là dưới lòng đất. Do có rất nhiều bộ phận phức tạp, mìn có thể bị hỏng nếu nhiệt độ quá lạnh.
Ban đầu, các kỹ sư đề xuất bọc từng quả mìn nặng 7 tấn trong những chiếc gối bằng sợi thủy tinh để giữ ấm, nhưng sau đó họ nảy ra ý tưởng khác là dùng gà. Những con gà sống sẽ được đặt bên trong vỏ của mỗi quả mìn với lượng thức ăn vừa đủ để chúng tồn tại trong 8 ngày. Nhiệt độ cơ thể của gà sẽ giữ ấm cho quả mìn cho đến khi nó phát nổ. Tất nhiên, gà sẽ chết trong vụ nổ nếu chúng chưa kịp chết đói trước đó.
Nghe có vẻ lạ lùng nhưng các kỹ sư đã thực sự chế tạo hai nguyên mẫu và Quân đội Anh thậm chí đã đặt hàng 10 quả mìn nguyên tử vào năm 1957. Nhưng thiết kế trên không bao giờ được đưa vào sử dụng.
Kết thúc chiến dịch Blue Peacock
Người Anh đã miệt mài với dự án Blue Peacock trong bốn năm rồi từ bỏ. Năm 1958, Bộ Quốc phòng Anh hủy bỏ dự án bị coi là có lỗ hổng về mặt chính trị. Họ lo ngại về bụi phóng xạ và lãnh thổ của các đồng minh bị tàn phá.
Nhà nghiên cứu Lesley Wright nói: “Với thời bây giờ, vũ khí đó trông có vẻ kỳ lạ, nhưng đây là sản phẩm của thời đó”.
Ngay cả sau khi kế hoạch bị hủy bỏ, Blue Peacock vẫn là một bí mật trong nhiều thập kỷ. Trên thực tế, phải đến năm 2004, dự án mới được giải mật. Thông tin được đưa ra vào ngày 1/4 năm đó, khiến nhiều người phải suy nghĩ liệu đó có phải là một trò đùa kỳ quái nào đó trong ngày Cá tháng Tư hay không.
Một số người cho rằng Blue Peacock là một trò lừa bịp công phu đến nỗi ông Tom O'Leary, Giám đốc bộ phận giáo dục tại Cục Lưu trữ Quốc gia, đã phải đưa ra một tuyên bố khẳng định: “Có vẻ giống như Cá tháng Tư nhưng chắc chắn không phải vậy. Cục lưu trữ không đùa giỡn”.
Theo baotintuc.vn