Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Tiếp theo kỳ trước

Tin liên quan
Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Tiếp theo kỳ trước

Chương Chín: Trận địa chiến hào

Không phải nhà cầm quyền Mỹ thờ ơ với tình hình nguy hiểm ở Điện Biên Phủ. Trong bộ hồi ký "Những năm ở Nhà trắng" (The White House Years), Aixenhao đã viết: "Đầu năm 1951, vấn đề Đông Dương đã được tôi lưu ý đến một cách mạnh mẽ khi tôi làm tư lệnh đồng minh quân đội NATO với tổng hành dinh đóng tại Pari". Trong chiến tranh lạnh giữa Tây và Đông, chiến tranh Đông Dương được Aixenhao coi như "một cuộc chiến đấu giữa các lực lượng không cộng sản với chủ nghĩa cộng sản". Để giúp Pháp thực hiện kế hoạch Nava, viện trợ Mỹ đã tăng từ 269 tỷ Frăng Pháp lên 420 tỷ, chiếm 75% chi phí chiến tranh ở Đông Dương. Aixenhao đã chỉ thị thành lập một ủy ban đặc biệt gồm thứ trưởng quốc phòng Rôgiơ (Roger Kyes), các tham mưu trưởng liên quân, và cục trưởng CIA Alen Đalét (Allen Dulles) để nghiên cứu những biện pháp mới nhằm yểm hộ cho kế hoạch Nava... Nhưng lúc này Mỹ vừa ra khỏi chiến tranh Triều Tiên, nên thấy cần cân nhắc đối với một cuộc phiêu lưu mới ở Đông Dương nếu chưa có chuẩn bị.

Xác máy bay của Pháp bị quân ta bắn rơi và phá hủy nằm ngổn ngang trên chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Sau khi Êly quay về Pari thì Mỹ thay đổi thái độ. Ngày 27 tháng 3 năm 1954, Đalét đọc ở Niu Oóc một bài diễn văn về đường lối chính trị của Hoa Kỳ, tuyên bố "muốn ngăn chặn người ta áp đặt chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á cần có một hành động phối hợp. Điều này có thể chứa đựng những nguy cơ nghiêm trọng. Nhưng chúng sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với những nguy cơ mà chúng ta sẽ phải vượt qua trong những năm tới nếu chúng ta không chứng tỏ bằng những quyết định ngay bây giờ". Đalét còn nhắc lại ngày 24 tháng 3, Tổng thống Aixenhao đã tuyên bố Đông Nam Á là một "tiên nghiệm quan trọng" cho thế giới tự do.

Đalét đã được Aixenhao bật đèn xanh cho một hành động ở Đông Dương. Chính quyền Pháp lại có cái để trông chờ.

Từ sau khi mất phân khu bắc, địch hoàn toàn giữ thế phòng ngự. Những trận phản kích chỉ nhằm ngăn cản không cho trận địa chiến hào của ta tiến vào gần. Chúng tập trung vào việc tổ chức lại việc phòng thủ ở phân khu trung tâm, củng cố công sự, bố trí thêm vật cản, làm những đường hào nối liền các trung tâm đề kháng để tránh pháo ta khi cần di chuyển, yêu cầu Hà Nội tăng viện người, vũ khí. Hy vọng của địch vẫn là lợi dụng ưu thế về địa hình và binh lực, vũ khí tập trung để đánh bại cuộc tiến công của ta như đã làm được ở Nà Sản.

Địch tăng cường hoạt động của thổ phỉ tại Sơn La để phá hoại hậu phương chiến dịch của ta. Trung tuần tháng Ba, Bộ Tổng tham mưa phải điều trung đoàn 9 từ Phú Thọ lên Sơn La và đưa trung đoàn 176 tách khỏi đội hình chiến dịch lên Lai Châu tiễu phỉ. Ta diệt và bắt sống 700 tên, thu nhiều súng đạn.

Địch vẫn cố bảo vệ sân bay Mường Thanh bằng mọi giá. Đường ghi bị đại bác phá hỏng lập tức được chữa lại. Việc hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh ban ngày không thể tiếp tục. Hệ thống chiếu sáng đã bị pháo ta bắn hỏng. Ban đêm, máy bay hạ cánh theo dấu hiệu duy nhất là những ngọn đèn dầu đặt ở đầu đường băng. Chúng cần vận chuyển cho binh đoàn đồn trú những thứ tối cần thiết không thể thả bằng dù, và di tản thương binh đã làm cho những căn hầm cứu chữa dưới lòng đất bên bờ sông Nậm Rốm trở nên ngột ngạt. Nhưng do chiến hào của ta đã vào gần, đặc biệt là sự tiếp cận của súng máy phòng không, những cuộc hạ cánh ban đêm trở nên hết sức khó khăn.

Pháo cao xạ của ta đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với những viên phi công trước đó vẫn coi khoảng không là nơi tuyệt đối an toàn. Các loại máy bay chiến đấu vận tải, kể cả những siêu pháo đài bay của Hoa Kỳ liên tiếp bị bắn rơi trên bầu trời Điện Biên Phủ. Bécna Phôn gọi đó là "cuộc tàn sát những máy bay" (le massacre des avions). Phôn viết: "Ngày 15, hai chiếc máy bay tiêm kích - ném bom đang được sửa chữa ở Điện Biên Phủ thử chi viện cho Gabơrien đang bị tiến công. Nhưng vừa rời khỏi sân bay nó đã gặp một luồng đạn cao xạ rất dữ dội và rất trúng đích. Cả hai chiếc vội trút bom xuống cách sân bay khoảng 6-7 kilômét. Nhưng chiếc thứ nhất vẫn trúng đạn nổ tan trên bầu trời, viên phi công Ali Sahraoui, thuộc phi đội chiến đấu 2/22 Languedoc chết ngay. Chiếc thứ hai thoát chết nhưng trong ngày hôm đó, viên phi công thứ hai điều khiển một máy bay ném bom của hạm đội 11F của hải quân bị chết trong khi bổ nhào thả bom"... "Chiều 26 tháng 3, một chiếc Đakôta do đại úy Bơglin (Boeglin) lái bị bắn hạ ở phía tây Huyghét, nhưng tổ lái thoát chết. Chiếc máy bay cháy như một ngọn lửa hỏa thiêu khổng lồ trong nhiều giờ. Ngày 17, lúc 7 giờ, đại úy Đáctigơ (Dartigues) hạ cánh thành công chiếc Đakôta số 267... Sau khi hạ cánh xuống Hà Nội an toàn, anh quay lại chuyến thứ hai thì bị bắn rơi lúc 10 giờ tại phía nam Êlian 3. Phi hành đoàn (7 người) đều chết... 17 giờ 50, một chiếc Đakôta trong đội vận tải 2/63 Sénégal đâm đầu xuống đất ở phía tây "Claudine" cháy như một bó đuốc... toàn bộ phi hành đoàn đều chết".

Nếu như thời gian xây dựng trận địa đợt 1 kéo dài hơn một tháng, thì đợt 2 ngắn hơn nhiều. Chỉ sau mười ngày lao động và chiến đấu gian khổ, trận địa tiến công và bao vây của ta đã cơ bản hoàn thành. Trên một trăm kilômét đường hào cùng với hàng vạn hầm hố bao kín trận địa trung tâm của địch. Những đường hào đặt sân bay và sở chỉ huy Đờ Cát trong tầm bắn súng cối của trung đoàn và tiểu đoàn bộ binh ta.

(Còn nữa)

PV

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy