Tiếp theo kỳ trước
|
Tiếp theo kỳ trước
|
Chương Chín: Trận địa chiến hào
Trận phản kích của Bigia được quân viễn chinh coi là thắng lợi, một chiến thắng hầu như duy nhất tại Điện Biên Phủ trong suốt thời gian này, nhưng đã cướp đi gần một trăm tên chết và bị thương, trong đó có năm sĩ quan. Nếu cộng với số thiệt hại trước đó trong tuần thứ hai lắng dịu sau đợt tiến công phân khu bắc, quân địch đã mất thêm tổng số 522 người, gần tương đương với một tiểu đoàn.
Đây là trận phản kích lớn cuối cùng của địch ở Điện Biên Phủ trước khi cuộc tiến công đợt 2 bắt đầu.
Địch đã sử dụng sức mạnh tối đa của bom, đạn và các đơn vị phản kích ngăn cản công việc xây dựng trận địa của chúng ta. Nhưng mỗi ngày qua, các đường hào lại kéo dài thêm. Phân khu nam Hồng Cúm đã hoàn toàn bị cắt khỏi khu trung tâm. Để bảo vệ trận địa, các đơn vị bộ binh đã chuyển từ nơi trú quân ra ở ngay tại những đường hào mới đào xong.
Không riêng bộ binh xây dựng trận địa chiến hào để tiếp cận quân địch, một số đơn vị lựu pháo cũng rời bỏ những căn hầm rất vững chắc và "tiện nghi" của mình trên các dãy núi Tà Lèng, Pú Hồng Mèo, tới những vị trí mới ở gần mục tiêu hơn, chuẩn bị cho đợt tiến công sắp tới. Đại đội lựu pháo 804 chiếm lĩnh vị trí sát Him Lam. Hai đại đội lựu pháo 801, 802 chuyển pháo từ phía đông sang trận địa mới ở phía tây, nằm ngay sau Bản Kéo. Ở phía đông - nam, đại đội lựu pháo 805 cũng cơ động từ trên núi Pú Hồng Mèo xuống gần Hồng Cúm.
Nava đã lập tức có mặt ở Hà Nội sau trận Him Lam. Không khí bi quan tràn lan sở chỉ huy. Khắp nơi tiếng xì xào: "Số phận Điện Biên Phủ đã được quyết định". Cônhi chuyển cho Nava những bức điện của Đờ Cát gửi về đầy giọng điệu bi quan.
Ngoài việc ném thêm cho Đờ Cát hai tiểu đoàn dù và cố gắng bảo đảm việc tiếp tế lương thực, đạn dược hàng ngày, Cônhi không biết làm gì hơn. Tình hình Điện Biên Phủ đã trở nên bế tắc. Cônhi chỉ còn khuyên Đờ Cát cố cầm cự đến mùa mưa, thời tiết sẽ buộc đối phương phải đình hoãn cuộc tiến công. Để động viên binh đoàn đồn trú, Cônhi tới "thăm" bằng cách dùng máy bay lượn trên tập đoàn cứ điểm ngoài tầm với của pháo cao xạ, nói những lời khích lệ qua vô tuyến điện.
Và Nava lúc này cũng không biết nên làm gì.
Nava cay đắng cho rằng mình đã bị đánh lừa. Cônhi đánh giá sai hoàn toàn những khả năng của đối phương. Anh ta là pháo thủ mà không biết cả cách sử dụng pháo, để pháo của tập đoàn cứ điểm bị đối phương đè bẹp. Không quân trong tay anh ta cũng trở thành vô dụng, không hề ngăn cản được đoàn người đông như kiến suốt ngày đêm tiến lên Điện Biên Phủ tiếp tế đủ mọi thứ cho những người đang bao vây. Giá Cônhi biết nghe lời mình tăng thêm cho Điện Biên Phủ từ ba tới năm tiểu đoàn thì trận đánh có cơ may không xảy ra!
Giữa lúc đó Cônhi lại yêu cầu tổng chỉ huy, trong vòng 8 ngày, phải trả về trước cho Bắc Bộ hai trong ba binh đoàn cơ động đã lấy đi cho mặt trận Trung Lào, với lý do để tránh một thảm họa chung sắp diễn ra ở đồng bằng. Cônhi lập luận rằng ở đồng bằng Bắc Bộ địch có một Đại đoàn 320 nguyên vẹn và sáu trung đoàn độc lập, tổng cộng 39 tiểu đoàn cơ động, trong khi mình chỉ có 27 tiểu đoàn cơ động, kể cả lực lượng cơ động của địa phương, mà phần lớn những đơn vị này đều phải phân tán để bảo vệ phòng tuyến Đờ Lát và nhiều sân bay, những chiếc cầu và làng mạc. Nava cho là Cônhi lợi dụng tình hình khó khăn bắt bí mình. Cônhi thiển cận không hiểu rằng nếu thất bại ở Điện Biên Phủ thì Átlăng chính là sự cứu nguy duy nhất trong tình hình bi đát hiện nay.
Nava và Cônhi cùng ở trong thành Hà Nội, người trên gác, người dưới nhà, nhưng không thể trực tiếp nói chuyện với nhau, mọi sự trao đổi đều qua giấy tờ hoặc những viên phụ tá.
Nhà trắng vẫn chưa đánh giá được những gì đang diễn ra ở Điện Biên Phủ. Aixenhao thắc mắc tại sao Đờ Cát để mất các trung tâm đề kháng ở phân khu bắc mà không chịu giành lại? Thủ tướng Pháp Plêven thấy cần thông báo gấp tình hình cho người Mỹ trước khi quá muộn.
Ngày 20 tháng 3 năm 1954, Tổng tham mưu trưởng Pháp Êly, một người được coi là có quan hệ tốt với Mỹ, được phái sang Oasinhtơn.
Êly phát biểu công khai: "Pháp không thể thắng được với phương tiện hiện có trong tay" và yêu cầu Mỹ tăng cường giúp đỡ vũ khí, đặc biệt là máy bay ném bom B.26, và can thiệp bằng không quân.
Ngày 22 tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Đalét vẫn tuyên bố một cách lạc quan "không một lý do nào bác bỏ kế hoạch Nava đã thấy trước thắng lợi". Trong thời gian ở Mỹ, Êly được gặp Tổng thống Mỹ, làm việc với bộ trưởng Ngoại giao, giám đốc CIA, chủ tịch Hội đồng liên quân, và đặc biệt tham dự cả một cuộc họp của Hội đồng tham mưu trưởng Hoa Kỳ vốn không dành cho sĩ quan nước ngoài. Êly đã nói rõ tình hình bế tắc ở Điện Biên Phủ. Những người Mỹ đều chăm chú lắng nghe, nhưng không đưa ra bất cứ lời hứa hẹn nào cụ thể. Êly cố vớt vát bằng cách mô tả sức mạnh ghê gớm của pháo cao xạ do Trung Cộng và Nga Xô đã viện trợ cho Việt Minh ở Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hội đồng liên quân Mỹ Rátpho (Radford) nói xa xôi với Êly: có thể có được một hành động can thiệp hạn chế trong thời gian nhất định của không lực Hoa Kỳ nhằm loại trừ lực lượng cao xạ của Việt Minh, nếu Hoa Kỳ được chính phủ Pháp yêu cầu.
(Còn nữa)
PV