Tiếp theo kỳ trước
|
Tiếp theo kỳ trước
|
Chương Tám: Mở cửa
Phân khu bắc gồm hai trung tâm đề kháng Gabơrien và Annơ Mari do Tơrăngca, viên trung tá đã phụ trách “vùng tự trị Tây Bắc” ở Lai Châu chỉ huy.
Trước ngày nổ súng, Đờ Cát mở cuộc thi xem trung tâm đề kháng nào của tập đoàn cứ điểm có tổ chức trận địa vững chắc và hoàn thiện nhất về mặt chiến thuật. Gabơrien, do tiểu đoàn 5 thuộc trung đoàn bộ binh Angiêri số 7 tổ chức phòng ngự, được ban chấm thi đánh giá cao nhất. Đờ Cát trao cho nó một khoản tiền thưởng đủ tổ chức một buổi ăn mừng. Đây là trung tâm đề kháng duy nhất có hai tuyến phòng ngự hoàn chỉnh buộc đối phương khi tiến công phải đột phá hai lần. Gabơrien ở cách xa phân khu trung tâm 4 kilômét nên được tăng cường bốn khẩu súng cối hạng nặng 120 ly. Những người chỉ huy đã bố trí trận địa pháo khá cẩn mật, tính toán kỹ lưỡng những mục tiêu có thể xuất hiện. Bốn đại đội đồn trú đều có công sự vững chắc. Tiểu đoàn 5 Angiêri là một tiểu đoàn đáng tin cậy trong chiến đấu. Trước khi đến Điện Biên Phủ, nó được trang bị lại những vũ khí mới, kể cả súng có kính ngắm điện tử.
Gabơrien nằm trên một quả đồi riêng lẻ ở đầu bắc cánh đồng, dài 500 mét, rộng 200 mét, không một bóng cây, dày đặc những trận địa, đường hào, ụ súng. Cơ quan tham mưu chiến dịch đặt tên cho nó là đồi Độc Lập. Người Pháp gọi nó là "tàu phóng ngư lôi".
Đúng ngày hôm đó, thiếu tá Các (Kah) tới Gabơrien thay thiếu tá Méccơnem (Mecquenen) mãn nhiệm. Hai viên tiểu đoàn trưởng cùng đi thị sát lại vị trí, và thống nhất yêu cầu pháo binh ở Mường Thanh sẽ bắn vào chỗ eo của thung lũng ở phía bắc và những đường hào tiếp cận khá sâu Việt Minh đã đào tới chân đồi. Đạn dược dự trữ được bốn ngày. Không quân hứa sẽ cho một máy bay C.47 thả đèn dù suốt đêm. Pirốt cam kết dành cho Gabơrien sự yểm hộ cao nhất của pháo binh. Hai viên chỉ huy vui vẻ chạm cốc hẹn sẽ gặp lại nhau khi trận Điện Biên Phủ kết thúc.
Nhiệm vụ tiến công đồi Độc Lập được giao cho trung đoàn trưởng 165 Lê Thùy (312) và trung đoàn trưởng 88 Nam Hà (308) dưới quyền chỉ huy của đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ. Trung đoàn 165 đảm nhiệm mũi chủ yếu, đột phá từ hướng đông - nam, đánh dọc theo chiều dài của cứ điểm. Trung đoàn 88 phụ trách mũi thứ yếu, đột phá từ hướng đông - bắc, đồng thời mở một mũi vu hồi ở hướng tây, và bố trí lực lượng làm nhiệm vụ chặn viện từ Mường Thanh ra. Cùng lúc, ta sử dụng một phân đội bộ binh và một đại đội trợ chiến của tiểu đoàn 255 trung đoàn 174, tiến hành tích cực nghi binh tại A1. Theo kế hoạch, trận đánh đồi Độc Lập sẽ bắt đầu vào 16 giờ 45 ngày 14 tháng 3 năm 1954. Đúng giờ G, bộ phận nghi binh nổ súng bắn cháy ba lều vải trên đồi A1, và xung kích tiến lên mở hàng rào. Pháo 105 của địch từ Hồng Cúm và cối 120 ở Mường Thanh nã đạn dồn dập vào trận địa của 255. Nhưng ở đồi Độc Lập, do trời mưa, sơn pháo 75 và cối 120 điều từ Him Lam sang, không tới kịp trước giờ nổ súng nên cuộc tiến công chưa bắt đầu. Bộ phận nghi binh được lệnh rút ra.
18 giờ. Chỉ huy trưởng trận đánh Vương Thừa Vũ trao đổi với tư lệnh phó 312 Đàm Quang Trung, quyết định cho pháo binh bắt đầu bắn vào các cứ điểm địch, phá hoại công sự và uy hiếp tinh thần binh lính. Trong khi đó bộ binh tiếp tục chuẩn bị thật chu đáo, chờ sơn pháo và cối 120 tới mới nổ súng. Những loạt lựu pháo bắn khá trúng đích, làm sập nhiều hầm ở khu vực chứa vũ khí nặng, viên trung úy Mô rô (Moreau) chỉ huy đại đội 4 chết trong hầm. Sau mỗi đợt oanh kích của pháo ta, Méccơnem lại yêu cầu pháo binh từ Mường Thanh bắn chặn các đường hào xuất kích, và động viên binh lính trong đồn sẵn sàng đối phó với những đợt xung phong. Nhưng tới 2 giờ sáng ngày 15, vẫn chưa có đợt xung phong nào. Máy bay thả dù pháo sáng suốt đêm trên vị trí. Quân Pháp cho rằng những đợt tiến công của Việt Minh đã bị đạn, bom nghiền nát.
Các chiến sĩ sơn pháo và cối 120 mò mẫm, khiêng pháo nhích từng bước trong rừng, giữa đêm đen, dưới trời mưa tầm tã. Nửa đêm, họ chỉ còn cách trận địa 700 mét. Bất thần, một loạt bom nổ trên không chụp xuống đội hình. Một số chiến sĩ hy sinh và bị thương. Hầu hết các đòn khiêng pháo đều gãy. Những người còn lại biết bộ binh đang chờ, vẫn quyết tâm đưa pháo tới đích. 2 giờ sáng, các khẩu đội sơn pháo mới đến nơi.
3 giờ 30 phút ngày 15, chỉ huy trưởng trận đánh hạ lệnh tiến công. Sau một thời gian im lặng, cả lựu pháo và sơn pháo lúc này lại lên tiếng. Quân địch không hiểu đây là một đợt tiến công hay vẫn là sự "khiêu khích" của Việt Minh nhằm tiêu hao đạn đại bác của chúng?
(Còn nữa)
PV