Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

LTS: Hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), nhằm tuyên truyền sâu rộng tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại và ý nghĩa to lớn, sâu sắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với dân tộc và thời đại; tinh thần anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta, nhất là đường lối chính trị, quân sự và ngoại giao đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; Báo Hà Nam trích đăng nội dung tác phẩm “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” (Trích trong “Tổng tập Hồi ký” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) - Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, năm 2006. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Chương Tám: Mở cửa

Cho tới giờ phút này có thể thấy Nava quá tự tin, quá lệ thuộc vào bản kế hoạch nổi tiếng của mình! Kế hoạch đó buộc Nava phải giữ vững thế phòng ngự chiến lược và không được phép thua trên chiến trường miền Bắc Đông Dương trong Đông Xuân 1953-1954. Nava đã nhanh chóng ngăn chặn tất cả các hướng tiến quân của ta bằng những con nhím, tránh né những cuộc giao chiến lớn. Nava không nhận ra các mũi tiến công đó đều nhằm mục đích chủ yếu là phân tán khối chủ lực chiến lược của ông ta ở đồng bằng Bắc Bộ, một phần là để bảo vệ cho ba tỉnh tự do Liên khu 5. Tất cả đều chuẩn bị cho trận đánh quyết định ở Điện Biên Phủ. Khi Nava tưởng những cuộc tiến công của ta đã lên tới mức cao nhất và đang trên đà tàn lụi, thì ở chiến trường chính cuộc tiến công chiến lược của ta bắt đầu.

Ta chủ trương tiếp tục đánh mạnh ở các chiến trường phối hợp, kìm chân những bộ phận quân địch đã phân tán tới đây, cho tới khi hoàn tất nhiệm vụ trên mặt trận chính. Về chiến lược, ta đã thắng địch một bước. Tuy nhiên, kết quả chiến cục Đông Xuân sẽ hạn chế nếu không giành được thắng lợi trên chiến trường chính, thậm chí có thể trở thành thất bại nếu quân địch thực hiện được ý đồ tận dụng ưu thế phòng ngự tại Điện Biên Phủ đánh quỵ một số đại đoàn chủ lực của ta.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954; đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Theo NDO

Đây là trận công kiên lớn nhất trong lịch sử quân đội ta. Một tập đoàn cứ điểm với 12.000 quân được trang bị tới mức tối đa. Lực lượng này sẽ còn tăng thêm. Nếu kẻ địch nhìn thấy vấn đề, chúng vẫn có thể rút quân từ Mường Sài, từ Luông Pha Băng, nơi sức ép của ta đã giảm, về Điện Biên Phủ. Và ngay với số quân địch hiện có, liệu ta có giải quyết được không? Ta đã tìm ra một cách đánh thích hợp với trình độ bộ đội. Nhưng phải kiểm nghiệm nó trên thực tế chiến trường. Mặc dù trận đánh đã được chuẩn bị với tinh thần trách nhiệm cao nhất, ta đã nhìn rõ những yếu tố tất thắng, nhưng vẫn phải đề phòng những rủi ro mà người trong cuộc thường khi không thể tính trước. Trong trận công kiên này, về so sánh lực lượng tham chiến, quân địch vẫn là kẻ chiếm ưu thế. Yvơ Gra sau này đã viết: “Vào lúc Việt Minh mở cuộc tiến công ở Điện Biên Phủ, so sánh lực lượng không phải là bất lợi cho quân đồn trú ở tập đoàn cứ điểm, theo cách đánh giá “một chọi hai” đối với một đội quân ở vị thế phòng ngự là chuyện bình thường. Khi đó, người ta có thể nghĩ một cách có lý là binh đoàn tác chiến của đại tá Đờ Cát sẽ thắng trong trận đánh, và chắc chắn ông ta sẽ thắng, mặc dù bị thất thế vì cô lập, nếu ông ta không mắc những lỗi lầm trong sự chuẩn bị và điều hành của mình".

Nước Pháp hầu như không còn đủ sức chịu đựng gánh nặng chiến tranh Đông Dương. Cuộc chiến sang năm thứ chín đã chứng tỏ Pháp chỉ còn cách duy nhất là tìm một "lối thoát danh dự", nếu không muốn dâng Đông Dương cho Mỹ. Thời gian này ở tất cả các cấp bộ trong quân đội viễn chinh Pháp đều có cố vấn Mỹ. Người Mỹ có thể đến bất cứ nơi nào kiểm tra tình hình không cần sự chấp thuận của tổng chỉ huy. Nội dung "lối thoát" của Pháp tùy thuộc vào trận đánh trên chiến trường Điện Biên Phủ. Chúng ta cần hết sức cố gắng giành một chiến thắng quyết định trước khi Mỹ trực tiếp can thiệp vào chiến tranh Đông Dương. Trận đánh này đã có thêm một nội dung mới, đặt ra cho quân và dân ta một trách nhiệm chính trị mới.

Nhiệm vụ của bộ đội ta trong đợt tiến công thứ nhất là tiêu diệt ba trung tâm đề kháng: Him Lam, Đồi Độc Lập, Bản Kéo, bảo vệ cho tập đoàn cứ điểm ở hướng bắc và đông bắc, ngăn chặn quân ta từ hai trục đường Lai Châu - Điện Biên Phủ và Tuần Giáo - Điện Biên Phủ tiến vào cánh đồng Mường Thanh.

Các đơn vị đều mong mỏi được đánh trận mở màn. Cả 308 và 316 đã trải qua những trận truy kích đường dài hàng trăm kilômét, lực lượng ít nhiều bị tiêu hao. 312 tuy phải tham gia kéo pháo, làm đường và xây dựng trận địa khá mệt nhọc, nhưng lực lượng còn nguyên vẹn, được Bộ chỉ huy Mặt trận chọn làm đơn vị chủ công mở màn chiến dịch.Các đơn vị được bố trí như sau: Đại đoàn 312 (thiếu trung đoàn 165) tiến công tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam. Trung đoàn 165 (312) và trung đoàn 88 (308) tiêu diệt trung tâm đề kháng Đồi Độc Lập. Trung đoàn 36 (308) tiêu diệt trung tâm đề kháng Bản Kéo. Trung đoàn 57 (304) kiềm chế pháo binh địch ở Hồng Cúm. Đại đoàn công pháo 351 tập trung toàn bộ hỏa lực pháo binh trực tiếp yểm hộ cho bộ binh tiến công, kiềm chế pháo binh địch, tập kích vào cơ quan chỉ huy ở Mường Thanh, sân bay và các kho tàng.

(Còn nữa)

PV

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy