Chỉ với một dụng cụ nhỏ là con dao của quân đội Thụy Sĩ cùng sự trợ giúp của bạn gái, “siêu trộm” người Pháp Stéphane Breitwieser đã đánh cắp gần 300 tác phẩm nghệ thuật tại các bảo tàng và nhà thờ trên khắp châu Âu vào cuối những năm 1990, đầu năm 2000 với tổng giá trị ước tính vào khoảng 2 tỷ USD. Điều đáng chú ý ở đây là tay trộm này thú nhận hắn ăn trộm không phải vì tiền mà vì muốn thưởng thức nghệ thuật mà thôi.
Trong cuốn sách “Kẻ trộm nghệ thuật: Câu chuyện có thật về tình yêu, tội ác và nỗi ám ảnh nguy hiểm” của tác giả Michael Finkel xuất bản năm 2023, Stéphane Breitwieser (52 tuổi) chia sẻ những lần hành nghề của mình không hề “mất sức” như những gì các đạo diễn hay diễn tả trên phim như cạy khóa, bò qua cửa sổ hay đu người từ giếng trời xuống.
Hắn ta chỉ đơn giản là cùng với người bạn gái Anne-Catherine Kleinklaus tay trong tay đóng giả một cặp đôi du lịch thăm quan bảo tàng và ăn trộm khi lực lượng an ninh lơ là. Thời điểm mà cặp đôi thường ra tay là vào bữa trưa, khi du khách thưa thớt hơn và các nhân viên an ninh thay ca để ăn uống. Kể từ năm 1995, trong suốt 7 năm, Breitwieser và Kleinklaus đã thực hiện trung bình 2 tuần một vụ trộm.
Bình tĩnh nhập vai
Vào một buổi sáng chủ nhật đẹp trời tháng 2/1997 tại Antwerp (Bỉ), Breitwieser và Kleinklaus bước vào quầy lễ tân của Nhà Rubens - nhà xưởng danh họa Peter Paul Rubens của những năm 1600, mua 2 chiếc vé thăm quan rồi hòa vào dòng du khách đang chỉ trỏ, gật đầu trầm trồ trước những bức tượng điêu khắc và tranh sơn dầu. Trong khi Kleinklaus khoác lên mình bộ cánh thương hiệu xa xỉ Chanel và Dior, tay mang chiếc túi Yves Saint Laurent thì Breitwieser mặc một chiếc áo sơ mi cài khuy trong chiếc quần sành điệu, bên ngoài là một chiếc áo khoác có kích thước hơi rộng, để trong túi là một con dao quân đội Thụy Sĩ.
Trong lúc đi qua phòng khách, nhà bếp và phòng ăn, Breitwieser ghi nhớ vị trí các cửa và theo dõi bảo vệ để lập trong đầu một số phương án thoát hiểm.
Món đồ mà họ đang săn lùng được cất giữ ở phía sau ngôi nhà, trong một phòng trưng bày ở tầng trệt với đèn chùm bằng đồng và những ô cửa sổ cao vút. Ở đây, được gắn trên một chiếc tủ trang trí bằng gỗ trang trí công phu, là một hộp trưng bày bằng thủy tinh gắn chặt vào đế vững chắc. Niêm phong bên trong hộp là một tác phẩm điêu khắc bằng ngà voi của Adam và Eva.
Breitwieser tình cờ thấy được tác phẩm này trong một chuyến thăm quan một mình vài tuần trước đó và đã bị mê hoặc bởi tác phẩm chạm khắc 400 năm tuổi – mặc dù là một chiếc ngà voi song nó vẫn phát sáng bên trong. Sau chuyến đi đó, Breitwieser không thể ngừng nghĩ về tác phẩm. Vì vậy Breitwieser đã quyết tâm trở lại Nhà Rubens cùng với bạn gái.
Tất cả các hình thức bảo mật đều có một điểm yếu. Lỗ hổng của chiếc hộp thủy tinh là phần trên có thể được tách ra khỏi đế bằng cách tháo hai con vít. Ốc vít tinh xảo, chắc chắn, khó tiếp cận ở phía sau hộp, nhưng chỉ có hai chiếc. Trong khi đó, đối với đội ngũ an ninh, là con người chắc chắn họ sẽ cần được nghỉ ngơi. Breitwieser nhận thấy phần lớn thời gian trong ngày, mỗi phòng trưng bày sẽ có một bảo vệ canh gác. Vào giờ ăn trưa, khi bảo vệ thay phiên nhau đi ăn, ghế canh gác sẽ tạm trống để chờ người mới đến thay.
Trong số các yếu tố, chỉ có du khách là khó lường trước. Ngay cả vào buổi trưa, nhiều người muốn nán lại để chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật. Trong khi đóng vai du khách, Breitwieser đều tỏ vẻ trầm ngâm để thưởng thức nghệ thuật. Kleinklaus sẽ đi quanh phòng để quan sát các đặc điểm. Không có camera an ninh trong khu vực.
Đến thời điểm không có ai trong phòng trưng bày, Breitwieser lôi con dao nhỏ ra khỏi túi, mở dụng cụ tuốc nơ vít và bắt đầu thao tác trên hộp thủy tinh. Mỗi lần có người vào, Breitwieser sẽ nghe thấy một tiếng ho nhẹ của Kleinklaus và nhanh chóng trở lại trạng thái ngắm tranh. Chỉ sau 4 lần bị gián đoạn vì bảo vệ tuần tra, Breitwieser đã thành công tháo rời chiếc hộp. Để thao tác nhanh hơn và khéo léo hơn, Breitwieser đánh đổi bằng việc không đeo găng tay.
Breitwieser nhấc chiếc hộp bằng thủy tinh ra khỏi đế và cẩn thận đặt nó sang một bên. Hắn nắm lấy tác phẩm điêu khắc bằng ngà và giấu tác phẩm vào cạp quần ở phía sau lưng, sau đó chỉnh lại chiếc áo khoác rộng bên ngoài để không ai nhận ra.
Breitwieser để chiếc hộp thủy tinh vào vị trí cũ và sải bước đi, di chuyển có tính toán nhưng không hề vội vàng. Breitwieser hiểu rằng hành vi trộm cắp dễ thấy như vậy sẽ nhanh chóng bị phát hiện, khiến hắn ta phải ứng phó khẩn cấp. Cảnh sát sẽ ập đến và bảo tàng có thể bị phong tỏa, khách du lịch có thể bị lúc soát.
Tuy nhiên, Breitwieser không vội vã chạy trốn. Breitwieser nhẹ nhàng ra khỏi phòng trưng bày và lẻn qua một cánh cửa gần đó mà trước đã do thám, một cánh cửa dành riêng cho nhân viên nhưng không bị khóa cũng như không có báo động, ra đến giữa khu nhà. Lúc này, Breitwieser ra cửa chính và gặp lại bạn gái Kleinklaus – người trước đó đã đi bằng một đường khác để ra đến lối ra.
Cặp đội bước ra chỗ đỗ xe và nhẹ nhàng lên xe lái đi. Khi ra khỏi thành phố và đến đường cao tốc, lúc này cặp đôi mới thở phào nhẹ nhõm và tự do trở về nhà.
Trộm tranh nhưng không bán
Những kẻ đánh cắp tác phẩm nghệ thuật xuất hiện kể từ khi các bảo tàng công lần đầu tiên mở cửa vào thế kỷ 18 trong Thời đại Khai sáng. Với đặc điểm nhiệm vụ của bảo tàng không phải là che giấu những vật có giá trị mà là chia sẻ nên các bảo tàng thường là mục tiêu của những tên trộm.
Stéphane Breitwieser là một kẻ cực kỳ ngoại lệ trong số những tên trộm nghệ thuật. Rất ít tên tội phạm trong lịch sử thành công đánh cắp ít nhất 10 viện bảo tàng. Đại đa số những kẻ trộm tác phẩm nghệ thuật, ngay cả khi chúng không bị bắt, cũng chỉ thực hiện tội phạm bảo tàng một lần.
Lý do cho điều này là cực kỳ đơn giản. Đối với nhiều tên trộm, ngay cả sau khi đột nhập hệ thống an ninh, vượt qua lính gác và tuồn tác phẩm nghệ thuật ra ngoài, cơn đau đầu của chúng mới bắt đầu. Một tác phẩm độc đáo có khả năng xuất hiện trên tin tức ngay sau khi bị trộm và điều này là một gánh nặng. Việc kiếm tiền từ một mặt hàng như vậy thường nguy hiểm hơn là đánh cắp nó.
Vậy một tên trộm có thể làm gì với một kiệt tác? Chúng chỉ có ba lựa chọn. Phương án đầu tiên là bán chiến lợi phẩm cho một nhà sưu tập hoặc đại lý qua thị trường chợ đen. Thứ hai là tống tiền các viện bảo tàng hoặc chủ sở hữu tư nhân, hoặc các công ty bảo hiểm của họ. Thứ ba là sử dụng nghệ thuật đánh cắp được như tiền tệ trong thế giới ngầm.
Tất nhiên, ba chiến lược này đều có yếu điểm. Chúng đều là những giao dịch có lỗ hổng để cơ quan thực thi pháp luật tìm cách can thiệp. Ở ít nhất 20 quốc gia trên thế giới đều có các đơn vị cảnh sát truy tìm kiệt tác bị đánh cắp. Cơ quan của Italy là cơ quan lớn nhất thế giới với khoảng 300 thám tử. Tại Mỹ, Đội tội phạm nghệ thuật của Cục Điều tra Liên bang (Mỹ) bao gồm 20 đặc vụ và đưa ra danh sách “Mười tác phẩm nghệ thuật bị mất tích được tìm kiếm gắt gao nhất”.
Các đặc vụ tạo ra móc nối trong thế giới ngầm, nghe lén và lướt qua các danh sách đấu giá trong khi kiểm tra chéo cơ sở dữ liệu nghệ thuật bị đánh cắp. Không giống như các vụ án khác của cảnh sát, làm việc với tội phạm nghệ thuật ưu tiên thu hồi các vật phẩm hơn là bắt giữ. Đối với tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp từ các viện bảo tàng, ước tính sơ bộ tỷ lệ thu hồi là 50% và một số đơn vị chống tội phạm nghệ thuật yêu cầu bồi thường.
Vậy làm thế nào mà Stéphane Breitwieser, kẻ đã đánh cắp hàng trăm tác phẩm—theo ước tính của cảnh sát với tổng trị giá lên tới 2 tỷ USD — lại thoát tội nhiều lần như vậy? Breitwieser đã làm một việc mà ít kẻ trộm làm: Ăn trộm vì tình yêu nghệ thuật, không phải vì tiền. Breitwieser trưng bày tất cả chiến lợi phẩm của mình trong phòng ngủ và chiêm ngưỡng chúng một cách mãn nguyện, đồng thời đảm bảo rằng không ai bước vào phòng của mình, kể cả bạn bè, gia đình và những người thợ đến sửa chữa.
Breitwieser và bạn gái bị bắt lần đầu tiên vào năm 1997, khi lấy bức tranh phong cảnh của Willem van Aelst tại một phòng trưng bày tư nhân. Chủ sở hữu đã nhanh chóng tìm ra tang vật trong xe của Breitwieser. Lần đầu phạm tội nên hắn chỉ bị kết án 8 tháng tù treo.
Đến tháng 11/2001, Breitwieser bị bắt sau khi trộm chiếc kèn có trị giá hơn 50.000 USD tại Thụy Sĩ. Một nhà báo đang dắt chó đi dạo trong khuôn viên thấy Breitwieser khả nghi nên kịp thời báo bảo vệ bắt hắn.
Sau khi bị bắt, Breitwieser đã thú nhận hơn 250 vụ trộm trong các viện bảo tàng, phòng trưng bày và nhà đấu giá. Sau đó, mẹ hắn đã phá hủy và vứt bỏ hàng chục bức tranh và bản vẽ, đồng thời vất hơn một trăm tác phẩm xuống một con kênh.
Breitwieser đã bị tòa án Thụy Sĩ và Pháp kết án 6 năm tù trước khi xuất bản cuốn tự truyện. Kể từ đó, hắn ta đã bị bắt thêm hai lần nữa vì tội ăn cắp vặt và trộm cắp trong các bảo tàng địa phương.
Bảo Hà/Báo Tin tức