Cuộc đời của người sống sót cuối cùng trong thảm hoạ chìm tàu Titanic

Millvina Dean từng là người sống sót cuối cùng trong thảm họa Titanic bi thảm năm 1912. Khi mới 2 tháng tuổi, Millvina đã cùng cha mẹ và anh trai vượt Đại Tây Dương trên con tàu du lịch xấu số. Thảm họa đã khiến cha của bà qua đời - nỗi mất mát mà bà đã phải mang theo suốt cuộc đời.

Cuộc đời của người sống sót cuối cùng trong thảm hoạ chìm tàu Titanic
Bà Millvina Dean năm 2002 tại lễ khai mạc triển lãm Titanic. Ảnh: AFP/Getty

Sau khi tìm thấy xác tàu Titanic vào năm 1985, các hãng truyền thông đã tìm đến phỏng vấn bà Millvina về trải nghiệm của người sống sót cuối cùng trên con tàu huyền thoại. Trong suốt quãng đời còn lại, bà đã tham dự phỏng vấn, xuất hiện trong các bộ phim tài liệu và các hội nghị về Titanic.

Người nhỏ tuổi nhất trên tàu Titanic

Millvina Dean sinh ngày 2/2/1912 tại Branscombe, Anh. Ngay sau khi chào đời, gia đình bà quyết định di cư đến Wichita, Kansas để tìm việc làm cùng một số người họ hàng, những người đã di cư trước đó.

Tuy nhiên, một cuộc đình công khai thác than đã ngăn họ lên con tàu ban đầu. Millvina, cha mẹ bà và anh trai Bertram đã lên con tàu chở khách ở Southampton (Anh) với tư cách là hành khách hạng 3 vào ngày 10/4/1912. Con tàu đó chính là RMS Titanic định mệnh, do thuyền trưởng Edward Smith chỉ huy. Millvina không chỉ là hành khách nhỏ tuổi nhất trên tàu khi mới 9 tuần tuổi, mà còn là người sống sót cuối cùng sau khi con tàu chìm vào ngày 15/4.

Cuộc đời của người sống sót cuối cùng trong thảm hoạ chìm tàu Titanic
Millvina Dean khi còn là một đứa trẻ sơ sinh trong vòng tay mẹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp/ATI

Hành trình nguy hiểm của Millvina qua Đại Tây Dương

Đêm ngày 14/4/1912, tàu Titanic đâm phải một tảng băng trôi. Cha của Millvina cảm nhận được vụ va chạm và đã đưa vợ mình cùng các con lên boong tàu để đảm bảo an toàn.

Vì ông đã phản ứng rất nhanh nên Millvina, vợ và con trai ông là những hành khách đầu tiên được sơ tán. Em bé Millvina được quấn trong một chiếc túi vải và đưa xuống  cứu hộ số 10. May mắn, họ đã đến New York an toàn 4 ngày sau đó. Nhưng cha của Millvina đã qua đời một cách bi thảm trên tàu Titanic. Họ không thể nhận dạng thi thể của ông.

Ban đầu, mẹ của Millvina dự định ở lại Mỹ và tiếp tục sống cuộc sống mà chồng bà đã lên kế hoạch cho cả gia đình trước đó. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tuần đối mặt với áp lực khi phải một mình nuôi hai đứa con ở một đất nước xa lạ, người phụ nữ này đã quyết định trở về Anh. Cả ba mẹ con bà lại lên đường trở về nhà trên con tàu Adriatic.

Là hành khách nhỏ tuổi nhất sống sót qua thảm kịch của tàu Titanic, bé Millvina đã thu hút được rất nhiều sự chú ý trong chuyến đi trở về Anh. Hành khách từ các khoang hạng sang cũng xếp hàng để được bế bé gái đặc biệt này. Họ còn chụp ảnh cùng Millvani, mẹ và anh trai bà.

“Millvina được cưng nựng trên con tàu trong suốt hành trình trở về Anh trên tàu Adriatic. Cô bé là ngôi sao trên tàu, những người phụ nữ tranh nhau rất gay gắt để được bế và vuốt ve thiên thần nhỏ. Điều đó khiến một trong những sĩ quan đã ra lệnh rằng hành khách hạng nhất và hạng hai không được phép bế cô bé theo lượt quá 10 phút”, tờ Daily Mirror đưa tin vào ngày 12/5/1912.

Cuộc sống trong sự chú ý

Cuộc đời của người sống sót cuối cùng trong thảm hoạ chìm tàu Titanic
Tấm bưu thiếp Titanic có chữ ký của những người sống sót là Eva Hart, Beatrice Sandstrom, Bertam và Millvina Dean được trưng bày tại Bảo tàng Giao thông Ulster ở Belfast, Bắc Ireland. Ảnh: AFP/Getty Images

Millvina và anh trai bà đã đi học nhờ số tiền từ quỹ hỗ trợ người sống sót sau thảm họa Titanic.

Vì còn quá nhỏ để nhớ về thảm kịch này, nên mãi đến năm 8 tuổi, Millvina mới biết rằng bà từng là hành khách trên con tàu xấu số.

Trong Thế chiến thứ II, Millvina đã trở thành người vẽ bản đồ cho Chính phủ Anh. Bà cũng làm việc trong bộ phận mua sắm của một công ty kỹ thuật cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1972. Mặc dù không kết hôn, nhưng bà đã có một người bạn đồng hành suốt đời tên là Bruno Nordmanis.

Millvina đã sống lặng lẽ suốt nhiều năm, hiếm khi nhắc về thảm họa đã định hình tuổi thơ của bà. Sau đó, vào những năm 1980, việc phát hiện ra xác tàu đắm đã làm dấy lên một làn sóng quan tâm mới về tàu Titanic và những người sống sót.

“Thành thật mà nói, không ai biết về tôi và tàu Titanic, không ai quan tâm. Vì vậy, tôi cũng không quan tâm”, bà nói với tờ The New York Times. “Nhưng sau đó, họ đã tìm thấy xác tàu đắm, và sau khi đó họ đã tìm thấy tôi”.

Sau đó, Millvina rất tích cực trong các sự kiện tưởng niệm Titanic. Bà đã tham dự một số hội nghị và triển lãm trên khắp nước Mỹ và Canada, trả lời vô số cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh truyền hình, và xuất hiện trong các bộ phim tài liệu về chủ đề này.

Mặc dù từng là hành khách trên con tàu Titanic, bà đã từ chối xem bộ phim Titanic năm 1997 của nhà làm phim James Cameron vì sợ rằng điều đó sẽ khiến bà phải tưởng tượng ra những khoảnh khắc cuối đời của cha mình.

“Mặc dù tôi không nhớ ông ấy, không biết gì về ông ấy, nhưng tôi vẫn sẽ xúc động”, bà nói với tờ The Irish Times trong một cuộc phỏng vấn năm 2009. “Tôi sẽ nghĩ:’ Cha tôi đã chìm như thế nào? Ông ấy có chìm cùng con tàu không? Ông ấy có nhảy xuống biển không?’”.

Di sản của Millvina

Cuộc đời của người sống sót cuối cùng trong thảm hoạ chìm tàu Titanic
Tàu Titanic tại Queenstown ngày 11/4/1912. Ảnh: Dailymail

Millvina Dean chính thức trở thành người sống sót cuối cùng trên tàu Titanic sau khi Barbara West Dainton, một trong hai người sống sót cuối cùng, qua đời vào năm 2007 ở tuổi 96.

Anh trai của bà, ông Bertram Dean Jr., người cũng có mặt trên tàu Titanic, đã qua đời vào đúng ngày kỷ niệm 80 năm ngày con tàu va chạm với tảng băng trôi.

Năm 2008, Millvina một lần nữa trở thành tiêu điểm của báo chí quốc tế khi bà tuyên bố sẽ bán một số kỷ vật trên tàu Titanic để trang trải chi phí sống trong viện dưỡng lão - bao gồm cả chiếc túi vải mà mẹ bà từng dùng để đựng đồ đạc của gia đình khi sống ở New York. Phiên đấu giá đã thu về gần 54.000 USD. Sau đó, diễn viên Kate Winslet, Leonardo DiCaprio và nhà làm phim James Cameron cũng đã đóng góp vào quỹ này sau khi biết rằng bà Millvina đang gặp khó khăn về tài chính.

Và cho đến khi qua đời, bà vẫn tiếp tục tham dự các sự kiện về tàu Titanic.

Cuộc đời của người sống sót cuối cùng trong thảm hoạ chìm tàu Titanic
Millvina Dean tạo dáng cùng một diễn viên tại Bảo tàng Titanic ngay trước khi bà qua đời. Ảnh: Điểm tham quan Bảo tàng Titanic/Facebook

Ngày 31/5/2009, Millvina qua đời vì bệnh viêm phổi. Đây cũng là ngày kỷ niệm 98 năm tàu Titanic hạ thủy.

Người đồng hành cùng bà, ông Bruno Nordmanis, đã rải tro cốt của bà tại bến tàu Southampton, nơi con tàu Titanic khởi hành chuyến đi đầu tiên và cũng là cuối cùng.

Ngay trước khi qua đời, khi các phóng viên của tờ The New York Times hỏi Millvina rằng bà có tin rằng số phận hay ý trời đã đưa bà lên tàu Titanic, cho bà sống sót, và sống lâu hơn tất cả những hành khách khác không, bà chỉ mỉm cười và nói: “Thiên đường và địa ngục, làm sao bạn có thể tin vào thứ gì đó là ý trời? Tuy nhiên, tôi rất muốn được chứng minh điều đó là sai”.

Theo Hải Vân/Báo Tin tức 

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy