Chuyến bay chở khách đầu tiên trên thế giới

Một hãng hàng không ở Mỹ thực hiện chuyến bay chở khách đầu tiên qua vịnh Tampa bằng thủy phi cơ vào năm 1913 và hoạt động rất thành công.

Chuyến bay chở khách đầu tiên trên thế giới
Một chiếc thủy phi cơ 14 bay phía trên vịnh Tampa. Ảnh: Amusing Planet

Gần một thập kỷ sau chuyến bay tiên phong của anh em nhà Wright ở Kitty Hawk, Bắc Carolina, dịch vụ bay chở khách theo lịch trình đầu tiên trên thế giới bắt đầu vào năm 1914 giữa St. Petersburg, Florida và Tampa, qua vịnh Tampa. Hãng hàng không có tên St. Petersburg-Tampa Airboat Line. Dịch vụ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và chiếc thủy phi cơ mà hãng hàng không vận hành chỉ có thể chở một hành khách mỗi lần. Nhưng giá trị mà hãng đem lại đã mở đường cho các chuyến bay hàng không thương mại hiện đại, theo Amusing Planet.

Ý tưởng về hãng hàng không bắt nguồn từ kỹ sư điện Percival Elliot Fansler ở Florida, khi đó làm việc như nhân viên bán hàng của hãng sản xuất động cơ diesel cho thủy phi cơ. Fansler hứng thú với máy bay khi thử nghiệm đua thuyền tốc độ cao. Ông nhận thấy cách duy nhất để đạt tốc độ lớn hơn là đưa thuyền bay lên không trung. Năm 1912, phi công Antony H. Jannus thực hiện chuyến bay đường dài kỷ lục dài 40 ngày từ Omaha tới New Orleans.

Sau chuyến bay lịch sử này, Fansler liên lạc với Thomas W. Benoist, chủ công ty sản xuất cỗ máy mà Jannus lái, bày tỏ nguyện vọng mua máy bay. Quá trình trao đổi thư tín với Benoist khiến Fansler nảy ra ý tưởng bắt đầu dịch vụ hàng không thương mại. Benoist cũng quan tâm tới ý tưởng. Ông lập tức đồng ý chế tạo và cung cấp hai chiếc thủy phi cơ trong khi Fansler chọn lộ trình và hoạch định chi tiết.

Fansler quyết định hãng hàng không hoạt động giữa St. Petersburg và Tampa. Khoảng cách là 37 km, trong đó 24 km là bay dọc bờ biển vịnh Tampa, còn lại là bay trên mặt biển. Fansler nhận ra với 9.000 cư dân, St. Petersburg là thành phố lý tưởng nhất cho hãng hàng không. Thời tiết mùa đông rất đẹp và thành phố chứa đầy du khách, tạo thành tệp khách hàng tiềm năng. Nằm ở mũi vịnh, St. Petersburg bị cô lập hoàn toàn với thế giới. Chuyến đi từ St. Petersburg tới Tampa kéo dài 2 giờ bằng tàu thủy hơi nước và 12 giờ bằng tàu hỏa. Việc di chuyển bằng ô tô không khả thi do điều kiện đường sá. Trong khi đó, đi bằng máy bay chỉ mất 20 phút.

Dịch vụ bắt đầu vào ngày 1/1/1913. Benoist sắp xếp để vận chuyển một chiếc thủy phi cơ Benoist 14 tới St. Petersburg bằng tàu hỏa. Phương tiện tới bãi chứa hàng St. Petersburg vào ngày 30/12/1912, chỉ hai ngày trước lịch trình bay. Chiếc thủy phi cơ hoạt động nhờ động cơ 75 mã lực, cung cấp tốc độ tối đa 103 km/h. Cỗ máy nặng 567 kg, dài 7,9 m và có sải cánh 13,4 m. Phần đầu của phương tiện được đóng từ 3 phiến gỗ vân sam với vải sơn nằm xen kẽ ở giữa. Sáu khoang chống thấm ở phần đầu giúp phương tiện nổi trên mặt nước. Dù máy bay được chế tạo để chở một phi công và một hành khách, đôi khi nó có thể chứa hai hành khách nhỏ.

Vào ngày 1/1/1913, khoảng 3.000 người tụ tập ở bến tàu để tiễn cựu thị trưởng Abraham C. Pheil, hành khách đầu tiên của hãng hàng không. Phiel đã bỏ túi chiếc vé duy nhất thông qua thắng đấu giá với số tiền 400 USD. Hãng hàng không đã quyên tặng số tiền cho thành phố để mua đèn lắp ở cảng. Đúng 10 giờ sáng, Jannus điều khiển thủy phi cơ bay ra khỏi cảng và lên đường tới Tampa. Chưa đầy nửa giờ sau, phương tiện đáp xuống sông Hillsborough ở Tampa. Đám đông 3.500 người đã chờ sẵn để chào đón Jannus. Sau khi chào hỏi thị trưởng Tampa và chụp ảnh, Jannus và Pheil quay trở lại St. Petersburg.

Cùng ngày, một chuyến bay khác cất cánh từ St. Petersburg, chở Noel A. Mitchell trong chuyến bay khứ hồi qua vịnh Tampa. Ngày hôm sau, Mae Peabody ở Dubuque, Iowa trở thành nữ hành khách đầu tiên bay qua hãng hàng không.

Hãng St. Petersburg–Tampa Airboat Line bắt đầu hoạt động đều đặn ngay lập tức. Nhu cầu dịch vụ cao đến mức hãng phải bổ sung thêm hai thủy phi cơ vào cuối tháng 1. Hãng hàng không hoạt động thành công trong 3 tháng với tổng cộng 172 chuyến bay, chở 1.205 hành khách và bay ước tính 11.265 km.

Sau thành công của St. Petersburg-Tampa Airboat Line, Benoist và Jannus khởi xướng phát triển một mẫu thủy phi cơ lớn để bay xuyên đại dương. Họ phát triển phương tiện có thể ở trên không 40 giờ với 6 hành khách. Tuy nhiên, trước khi phương tiện cất cánh, Thế chiến I nổ ra. Vào tháng 10/1916, Jannus đang điều khiển chiếc Curtiss H-7 để tập huấn phi công Nga thì gặp vấn đề về động cơ và đâm xuống Biển Đen. Ông tử vong cùng với hai sinh viên và không bao giờ tìm thấy xác. Năm 1917, Benoist cũng bị thương nặng khi đâm vào cột điện thoại trên phố. Ông qua đời trong vòng 3 giờ sau tai nạn.

An Khang (Theo Amusing Planet)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy