Chevalier – Nhạc sĩ da màu đa tài khiến Mozart cũng phải 'nóng mặt'

Tài năng thiên bẩm đã khiến người ta gọi ông là “Mozart da màu”, nhưng Joseph Bologne, hay Chevalier de Saint-Georges, vẫn chưa phải là một cái tên quen thuộc với thế giới.

Chevalier – Nhạc sĩ da màu đa tài khiến Mozart cũng phải nóng mặt
Diễn viên Kelvin Harrison Jr. trong vai Joseph Bologne. Ảnh: 20th Century Studios

Điều này có thể thay đổi sau khi bộ phim về ông ra mắt. Lấy bối cảnh ở Paris thế kỷ 18, phim “Chevalier” bắt đầu bằng một cảnh ấn tượng dù không rõ là có thật trong lịch sử hay không. Trong một phòng hòa nhạc ở nước Pháp thời tiền cách mạng, một người đàn ông đi thẳng về phía Mozart - nghệ sĩ đang chỉ huy dàn nhạc dây trong sự thích thú tột độ của khán giả. Không ai biết người mới vào là ai nếu chỉ nhìn lưng và bộ tóc giả màu trắng. Cả phòng hòa nhạc ngạc nhiên khi biết người đàn ông này là một người da màu và người này đã thách thức Mozart cùng chơi một bản nhạc.

Màn chơi nhạc tay đôi này sẽ mang đến một ngôi sao mới và khiến nghệ sĩ vĩ cầm Wolfgang Amadeus Mozart tỏ ra tức giận và đặt câu hỏi: “Gã quái nào thế?”

Theo kênh CNN, Bologne là một nhân vật lịch sử người Caribe gốc Phi, sống ở thế kỷ 18, là một nhà soạn nhạc có những tác phẩm xuất sắc và tài năng vĩ cầm vô song, là một nghệ sĩ phá vỡ mọi ranh giới. Ngoài âm nhạc, ông gần như giỏi tất cả mọi thứ mà ông thử làm. Ông là một vận động viên vô địch đấu kiếm, giỏi cưỡi ngựa, săn bắn, khiêu vũ. Ông là một người đàn ông có sức hấp dẫn phụ nữ và là bạn thân của Hoàng hậu Pháp Marie Antoinette.

Với một cuộc sống như vậy, bộ phim về Bologne thực sự có rất nhiều chất liệu. Giờ đây, hơn 200 năm sau khi ông qua đời, câu chuyện đáng chú ý của Bologne cuối cùng cũng đến được với khán giả phổ thông qua “Chevalier”, một bộ phim dựa trên cuộc đời ông.

Cuộc đời và di sản rực rỡ

Chevalier – Nhạc sĩ da màu đa tài khiến Mozart cũng phải nóng mặt
 Tranh năm 1787 vẽ Joseph Bologne chơi đấu kiếm. Ảnh: Alamy Stock Photo

Bologne được coi là nhà soạn nhạc da màu đầu tiên trở nên nổi bật trong bối cảnh cổ điển châu Âu. Ông sinh ra ở hòn đảo Guadeloupe (thuộc địa Pháp ở Caribe) vào năm 1745, là con trai của một phụ nữ da đen bị bắt làm nô lệ và một chủ đồn điền người Pháp da trắng giàu có. Người cha đã đưa ông đến Pháp khi còn là một cậu bé. Tại đây, ông đã học kiếm thuật và chơi vĩ cầm - hai kỹ năng sẽ định hình cuộc đời ông sau này.

Bologne là một người có nhiều cái đầu tiên và nhiều mặt đối lập. Ông là nhạc trưởng da màu đầu tiên của dàn nhạc nổi tiếng Le Concert Olympique ở Paris và là một trong những người da màu đầu tiên chỉ huy một trung đoàn trong quân đội Pháp. Sức hấp dẫn, quyến rũ và kỹ năng sử dụng kiếm khiến ông nổi tiếng trong xã hội.

Nhờ có một người cha quý tộc nên ông được học hành tử tế trong tầng lớp thượng lưu Pháp. Trước khi được cha mình là George de Bologne Saint-Georges đưa vào trường tư thục, ông đã nghe một lời khuyên mà hầu hết các bậc cha mẹ da màu đều nói với con cái khi giải thích về thực tế khắc nghiệt của thế giới: “Con phải xuất sắc, luôn luôn xuất sắc. Không ai có thể quật ngã một người Pháp xuất sắc”.

Bologne đã nghe lời cha mình và ông thực sự xuất sắc trong mọi việc ông làm. Bologne học âm nhạc, toán học, văn học, đấu kiếm tại Học viện La Boëssière. Ở tuổi thiếu niên, Bologne đã đăng ký học tại học viện đấu kiếm danh tiếng này bởi vì đấu kiếm là một môn gắn liền với giới quý tộc Pháp, nên những kỹ năng và mối quan hệ mà ông phát triển tại học viện này sẽ mở đường cho ông vào những tầng lớp cao nhất trong triều đình và thủ đô Pháp.

Ông có những người bạn quyền lực, giúp ông trở thành một nhạc công trong cung điện của Hoàng hậu Marie Antoinette và từng được Tổng thống Mỹ John Adams ngưỡng mộ. Tổng thống Adams đã gọi ông là “người tài năng nhất ở châu Âu về cưỡi ngựa, bắn súng, đấu kiếm, khiêu vũ và âm nhạc”.

Mọi người đổ xô đến các buổi hòa nhạc của Bologne khi ông phá vỡ mọi giới hạn với chiếc violin của mình một cách kỳ diệu. Là một nhà soạn nhạc, Bologne đã viết những bản tứ tấu đàn dây tiên phong và giúp thiết lập tính đối xứng và giai điệu của thời kỳ Baroque.

Vào giữa những năm 1760, tên của ông bắt đầu được công nhận. Sau đó, chỉ trong vòng vài năm, ông đã có chỗ đứng khá vững chắc trên sân khấu âm nhạc Paris. Thành tựu nghệ thuật của Bologne nằm ở bốn lĩnh vực chính: ông đã làm việc ở các vị trí quan trọng với tư cách là người chơi trong dàn nhạc, nghệ sĩ độc tấu và chỉ đạo hòa tấu; ông được đặt hàng viết vở opera cho các nhà hát ở Paris; ông xuất hiện tại các phòng âm nhạc của giới quý tộc và giàu có; ông đã xuất bản các tác phẩm cho thị trường in ấn đang phát triển mạnh mẽ của Pháp.

Dù vậy, ông vẫn trở thành nạn nhân của tình trạng phân biệt chủng tộc. Chế độ nô lệ vẫn hợp pháp ở Pháp cho đến năm 1794. Pháp có sắc lệnh “Le Code Noir” để quản lý hầu như mọi lĩnh vực trong cuộc sống của các nô lệ. Sắc lệnh này cũng gây ra phân biệt đối xử với những người da màu tự do mà ông là một trong số đó.

Một trong những ví dụ là khi ông nhận việc tại Nhà hát Opera Paris, một bộ ba nữ danh ca đã tuyên bố rằng họ sẽ không bao giờ “phục tùng mệnh lệnh của một người da màu”.

Dù là người dạy nhạc cho Hoàng hậu Marie Antoinette, nhưng trong giờ phút ông gặp khó khăn tại Nhà hát Opera Paris, bà đã không động một ngón tay để giúp ông.

Bị hắt hủi, Bologne chuyển từ âm nhạc sang thay đổi xã hội, trở thành một người theo chủ nghĩa bãi nô và là người lính của Cách mạng Pháp. Ông lãnh đạo trung đoàn 1.000 người da màu đầu tiên của Pháp. Ông chết vì loét bàng quang vào năm 1799, khi 54 tuổi, không kết hôn và không con cái.

Chevalier – Nhạc sĩ da màu đa tài khiến Mozart cũng phải nóng mặt
Joseph Bologne. Ảnh: Independent

Dù tài năng như vậy, nhưng lịch sử chỉ ghi nhớ những người da trắng cùng thời với ông, hầu như hoàn toàn lãng quên cái tên Bologne. Nhà sử học và nhà âm nhạc học Kira Thurman từng nói với tạp chí Smithsonian vào năm 2020 rằng trong lịch sử, người da trắng thường liên tục phủ nhận những thiên tài là người da màu.

Năm 2019, ông Bill Barclay, Giám đốc âm nhạc lúc bấy giờ của rạp hát Shakespeare's Globe (Anh), cho biết: “Bologne đã bị gọi một cách bất công là 'Mozart da màu’. Trong nhiều trường hợp, lẽ ra phải gọi Mozart là ‘Chevalier da trắng' mới đúng”.

Ông Barclay đã xây dựng một tác phẩm âm nhạc xoay quanh cuộc đời của Bologne, ra mắt lần đầu tại Tanglewood ở Lenox, Massachusetts (Anh) vào năm 2019. Đây là một trong những nỗ lực gần đây nhằm kể câu chuyện của Bologne cho nhiều khán giả biết hơn.

“Chevalier”, một bộ phim mới được phát hành vào ngày 21/4ở Mỹ, đã đưa Bologne lên màn ảnh rộng. Bộ phim hội tụ tất cả sự quyến rũ xa hoa và chi tiết kịch tính nghẹt thở của một tác phẩm hàng đầu.

Diễn viên Kelvin Harrison Jr., người đóng vai Bologne trong phim, cho biết thật thú vị khi thấy nhân vật hoạt bát, hóm hỉnh, hài hước và tuyệt vời này dễ dàng được thời hiện đại tiếp nhận như thế nào.

Diễn viên Harrison nói với kênh ABC7 Los Angeles: “Ông ấy là người mà 100% lúc nào cũng không thấy mình có lỗi. Ông ấy giống như Michael Jackson của thời điểm hiện tại. Thật thú vị khi khắc họa điều đó từ những năm 1700 và phát hiện ra điều đó thật giống với thời bây giờ của chúng ta, xét theo một vài khía cạnh”.

Con đường mới dẫn đến bất tử

Chevalier – Nhạc sĩ da màu đa tài khiến Mozart cũng phải nóng mặt
Kelvin Harrison Jr trong vai Joseph Bologne. Ảnh: AP

Dù đa tài nhưng sau cùng, âm nhạc chính là khía cạnh tồn tại lâu dài nhất trong cuộc đời của Bologne.

Trong khi bộ phim và vai diễn của Harrison đã đưa Bologne sống lại theo một cách mới mẻ, cũng có nhiều nhân vật lớn trong ngành âm nhạc cổ điển đang nỗ lực để đảm bảo gìn giữ di sản của nhà soạn nhạc da màu này.

Trong những năm gần đây, thế giới âm nhạc đã quay trở lại với các tác phẩm của Bologne. Ví dụ, cách đây vài năm, Nhà hát Opera Los Angeles đã trình diễn vở opera thính phòng “The Anonymous Lover” (Người tình vô danh) của ông.

Ông Marcos Balter, một nhà soạn nhạc da màu tại Đại học Columbia, cho biết ông hy vọng Bologne sẽ được công nhận rộng rãi hơn sau nhiều năm. Vào năm 2020, ông Balter đã viết một bài xã luận trên tờ Times với tựa đề: “Tên ông ấy là Joseph Bologne, không phải ‘Mozart da màu’”. Ông viết: “Nói rằng Bologne là một nhân vật vĩ đại không có nghĩa là Mozart không vĩ đại. Điều đó chỉ có nghĩa là chúng ta không nên nói về nghệ sĩ này như là cái bóng của nghệ sĩ khác”.

Đầu năm nay, Anne-Sophie Mutter, một nghệ sĩ vĩ cầm người Đức nổi tiếng thế giới, và nhóm nhạc trẻ của bà có tên Mutter's Virtuosi, đã bắt đầu một chuyến lưu diễn quốc tế để biểu diễn một số tác phẩm của Bologne, trong đó có “Violin Concerto in A Major” (Bản hòa tấu violin cung La trưởng).

Học một bản nhạc mới là một quá trình theo đuổi sâu sắc và khi bà Mutter làm quen với tác phẩm của Bologne, bà nhận ra những phần cuộc đời của ông trong các sáng tác. Bà nói: “Tôi rất vui vì ông đang được chú ý nhiều hơn. Các bản nhạc của ông rất sáng tạo và hiện đại vào thời điểm đó. Ông là một nhân vật xuất sắc và ta có thể nhận ra điều đó trong âm nhạc của ông”.

Bologne và Mutter là hai nghệ sĩ sống cách nhau hàng thế kỷ, có hoàn cảnh và nhiều thứ khác. Nhưng khi Mutter và nhóm nhạc của bà biểu diễn các tác phẩm của Bologne, có một sợi dây vô hình kết nối giữa hai thế giới của họ.

Trong âm nhạc cổ điển, những cơ hội để làm sống lại các tác phẩm trong quá khứ như vậy hầu như chỉ dành cho đàn ông da trắng. Điều đó đang dần thay đổi khi ngày càng có nhiều nghệ sĩ và ban nhạc trình diễn các tác phẩm lịch sử và hiện đại của các nhà soạn nhạc nữ và nhà soạn nhạc da màu.

Có thể nói rằng cả trên màn ảnh và trên sân khấu, di sản của Joseph Bologne cho thấy không bao giờ là quá muộn để hồi sinh.

Theo Thùy Dương/Báo Tin tức 

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy